Tin tức

Ủy ban Chống bán phá giá Úc (ADC) đã tiến hành rà soát cuối kỳ thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm nhôm định hình có xuất xứ từ Việt Nam và Malaysia (mã vụ việc 591). Căn cứ kết quả vụ việc, ADC sẽ quyết định tiếp tục hoặc không tiếp tục áp dụng thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa thuộc đối tượng rà soát.

Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, nguyên đơn trong vụ việc là Công ty TNHH Capral; hàng hóa bị điều tra trong thông báo của ADC là nhôm định hình được phân loại theo mã HS 7604.10.00; 7604.21.00; 7604.29.00; 7608.10.00; 7608.20.00; 7610.10.00; 7610.90.00. Giai đoạn rà soát từ ngày 1/7/2020 đến 30/6/2021; thời hạn đưa ra ý kiến bình luận: chậm nhất vào ngày 22/10/2021.

Hiện tài liệu liên quan và Hồ sơ yêu cầu của Nguyên đơn được ADC đăng tải tại đường dẫn sau: https://www.industry.gov.au/regulations-and-standards/anti-dumping-and-countervailing-system/anti-dumping-commission-current-cases/591. Cách thức nộp ý kiến bình luận: nộp qua email của ADC: investigations1@adcommission.gov.au hoặc nộp trực tiếp tại trụ sở ADC: The Director, Investigation Unit 1, Anti-Dumping Commission, GPO Box 2013, Canberra ACT 2601, Australia.

Úc khởi xướng rà soát cuối kỳ thuế chống bán phá giá nhôm định hình từ Việt Nam

Theo thông báo của ADC, ngày khởi xướng điều tra: 15/9/2021, hạn cuối đưa ra bình luận liên quan: 22/10/2021. Ngày muộn nhất ban hành dữ kiện trọng yếu (SEF) là 4/1/2022. Ngoài ra, các đệ trình liên quan tới dữ kiện trọng yếu (SEF) trong vòng 20 ngày kể từ ngày công bố SEF. Ngày muộn nhất ban hành Kết luận cuối cùng của ADC là 17/2/2022, ngày Bộ trưởng chính thức ra quyết định (dự kiến) trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được Kết luận cuối cùng của ADC.

Theo Cục Phòng vệ thương mại, kết quả của lần rà soát hành chính gần nhất, hiện tại hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam không bị áp thuế chống bán phá giá do có biên độ bán phá phá giá không đáng kể (1,9%), trong khi hàng hóa xuất khẩu từ Malaysia bị áp thuế chống bán phá giá từ 0 đến 10,7%.

Để ứng phó với vụ việc, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị Hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu liên quan: Liên lạc với ADC để đăng ký tham gia vụ việc và đưa ra ý kiến liên quan (nếu có) đúng thời hạn quy định; Nghiên cứu kỹ lưỡng Hồ sơ yêu cầu (bản công khai); Hợp tác với ADC trong suốt quá trình rà soát theo đúng yêu cầu của ADC; Liên hệ và cập nhật thông tin với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Xuân Tâm, Cục PVTM