Tin tức

Liên minh châu Âu (EU) và Thái Lan đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại tự do (FTA), sau 7 năm gián đoạn khi các cuộc đàm phán sụp đổ vào năm 2014. Nếu hai bên hoàn tất đàm phán thì thỏa thuận đó sẽ đánh dấu FTA thứ ba của EU với một quốc gia thành viên ASEAN, sau các FTA với Singapore và Việt Nam.

Một FTA sẽ thúc đẩy EU tiếp cận thương mại và đầu tư trong nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, trong khi các nhà xuất khẩu Thái Lan sẽ được hưởng lợi từ mức thuế thấp hơn. Tuy nhiên, trong khi động lực về một FTA đã được hồi sinh, các chính phủ EU và Thái Lan cần giải quyết một số vấn đề còn tồn tại để hoàn tất một thỏa thuận.

EU nối lại đàm phán FTA thứ ba với các nước ASEAN

Nhiều công ty EU đặt cơ sở sản xuất ở Đông Nam Á tại Thái Lan do vị trí của nước này trong khu vực và là nền kinh tế lớn thứ hai của ASEAN sau Indonesia. Việc thành lập một FTA sẽ nới lỏng các rào cản thương mại và đầu tư cho các công ty EU, khiến Thái Lan trở thành một cơ sở khu vực hấp dẫn hơn.

Tại sao các cuộc đàm phán FTA đổ vỡ? EU và Thái Lan bắt đầu đàm phán FTA vào năm 2013. EU tìm cách tăng cường quan hệ với nền kinh tế lớn thứ hai ASEAN, trong khi Chính phủ Thái Lan có động lực giảm thiểu tác động của việc mất quyền tiếp cận viện trợ thương mại theo Chương trình Hệ thống ưu đãi chung (GSP) của EU. GSP là một chương trình phát triển của EU cung cấp mức thuế thấp hoặc bằng không cho các nước đang phát triển.

Thái Lan đã vượt qua các điều kiện tham gia Chương trình GSP, nên bị rút khỏi chương trìn này vào đầu năm 2015. Năm 2014, quân đội Thái Lan nắm quyền kiểm soát chính phủ thông qua một cuộc đảo chính và đình chỉ hiến pháp, dẫn đến sự rạn nứt trong quan hệ với EU, khiến các cuộc đàm phán thương mại bị hủy bỏ.

Tuy nhiên, vào tháng 12/2017, Hội đồng Đối ngoại của Liên minh châu Âu đã quyết định theo đuổi từng bước tái cam kết với Thái Lan. Quyết định này nêu rõ EU có thể thăm dò khả năng nối lại các cuộc đàm phán FTA với điều kiện Thái Lan có một chính phủ dân sự được bầu cử dân chủ theo hiến pháp mới. Quân đội trực tiếp điều hành Chính phủ Thái Lan cho đến tháng 3/2019, khi một liên minh ủng hộ quân đội của các đảng thành lập chính phủ sau một cuộc bầu cử. EU coi sự phát triển này là đủ để nối lại các cuộc đàm phán thương mại, dẫn đến một thỏa thuận vào tháng 6/2021. Các cuộc đàm phán thương mại chuẩn bị diễn ra vào năm 2022 sử dụng một văn bản hiểu biết chung làm khuôn khổ, bao gồm các vấn đề như thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, cũng như sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử và mua sắm chính phủ.

Những vấn đề gì cần được giải quyết? Có một số vấn đề cần được giải quyết để EU và Thái Lan đi đến một thỏa thuận. Các điểm mấu chốt trong các cuộc đàm phán về phía EU bao gồm việc Thái Lan đánh thuế rượu tương đối cao, các thủ tục mua sắm không rõ ràng của chính phủ và những lo ngại về khả năng tiếp cận thị trường theo ngành cụ thể. EU cũng không muốn tăng cường tiếp cận thị trường đối với các sản phẩm nông nghiệp và đánh bắt hải sản của Thái Lan.

Đối với Thái Lan, những lo ngại về một FTA chủ yếu liên quan đến nhu cầu đáp ứng các tiêu chuẩn quy định cao hơn của EU và loại bỏ các hàng rào phi thuế quan. Các vấn đề cần được giải quyết bao gồm các tiêu chuẩn về lao động và môi trường, và sở hữu trí tuệ, cùng những vấn đề khác. Ví dụ, các bên liên quan của EU đã chỉ trích tình trạng lạm dụng lao động ở Thái Lan, bao gồm cả việc đối xử với lao động nhập cư. Chính phủ Thái Lan cũng lo ngại về việc mở cửa lĩnh vực tài chính của nước này, cũng như những tác động tiềm tàng mà việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ nghiêm ngặt hơn có thể gây ra đối với ngành y tế đang bùng nổ trong nước.

EU là đối tác thương mại lớn thứ năm của Thái Lan, sau ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ, chiếm khoảng 7,5% tổng kim ngạch thương mại của cả nước. Mặt khác, Thái Lan là đối tác thương mại lớn thứ 26 của EU và lớn thứ 17 về nhập khẩu. Năm 2020, tổng thương mại song phương trị giá 29,1 tỷ € (34,5 tỷ USD), với EU nhập khẩu 17,7 tỷ € (21 tỷ USD) các sản phẩm từ Thái Lan và xuất khẩu trị giá 11,4 tỷ € (13,5 tỷ USD). Con số này tương ứng giảm 10% đối với nhập khẩu và 15,8% đối với xuất khẩu, do đại dịch Covid-19 đã phá vỡ nền kinh tế toàn cầu.

Cho đến nay, chủng loại hàng nhập khẩu lớn nhất của EU từ Thái Lan là máy móc và thiết bị, chiếm 52,3% tổng kim ngạch nhập khẩu vào năm 2020. Theo FTA, máy móc và thiết bị, điện tử và sản xuất xe sẽ là những mặt hàng có ưu thế. Hơn nữa, các nhà xuất khẩu phát triển mạnh nhờ tiếp cận GSP sẽ được hưởng lợi, chẳng hạn như các nhà xuất khẩu trong thực phẩm và đồ uống, ngọc trai và đá quý hiếm, và quần áo.

Ngoài ra, FTA của EU với Việt Nam đã có hiệu lực vào năm 2020, làm tăng mức độ cấp bách của Chính phủ Thái Lan trong việc đi đến một thỏa thuận. Giống như Thái Lan, Việt Nam có thế mạnh trong lĩnh vực sản xuất hướng vào xuất khẩu, nhưng mức thuế thấp của EU mang lại lợi thế cạnh tranh trong khu vực.

Trong số tất cả các nước châu Âu vào năm 2019, bao gồm cả những nước không thuộc EU, Thụy Sĩ có tỷ trọng nhập khẩu lớn nhất từ ​​Thái Lan (16,9%), tiếp theo là Đức (15,6%), Hà Lan (13,2%), Anh (11,4%), và Pháp (7,5%). Phản ánh nhập khẩu của EU từ Thái Lan, máy móc và thiết bị gia dụng là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của khối sang nước này, chiếm 36% tổng kim ngạch vào năm 2020. Các sản phẩm của ngành công nghiệp hóa chất hoặc các ngành phụ trợ là ngành hàng lớn thứ hai của EU, chiếm 18,2%. tổng xuất khẩu. EU là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Thái Lan sau Nhật Bản và là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở ASEAN nói chung. Vào năm 2020, EU có 19,8 tỷ € (23,5 tỷ USD) vốn đầu tư ở Thái Lan.

Một FTA cũng sẽ mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu có trụ sở tại EU trong các ngành công nghiệp, chẳng hạn như máy móc và thiết bị, quần áo, thực phẩm và đồ uống. Vào năm 2019, Đức là nhà xuất khẩu hàng đầu của châu Âu sang Thái Lan, vì nước này chiếm 26% xuất khẩu của khu vực. Tiếp theo là Thụy Sĩ (10,5%), Pháp (9,1%), Anh (8,8%) và Ý (8,7%). Ngoài Thái Lan, EU đã theo đuổi các cuộc đàm phán thương mại với Indonesia, Philippines và Malaysia trong những năm gần đây, với kết quả khác biệt nhau. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán, sau một FTA thành công với Việt Nam, phản ánh nỗ lực phối hợp của EU nhằm tăng cường quan hệ kinh tế với Đông Nam Á.

Thu Huyền, Bộ Tài chính