Tin tức

Hiểu đúng về các quy tắc xuất xứ trong các FTA với ASEAN sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường tiềm năng này.

ASEAN được đánh giá là thị trường rất tiềm năng của Việt Nam với vị trí địa lý gần kề, dân số khoảng 650 triệu người, tổng GDP khoảng hơn 3.111 tỷ USD, tăng trưởng bình quân đạt 4,7%/năm. Đặc biệt, từ khi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) với cam kết cắt giảm thuế quan cao nhất và nhanh nhất. Đến nay, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan của Việt Nam trong khuôn khổ hiệp định này đã lên đến hơn 98,6%. Đây được nhận định là cơ hội vô cùng lớn đến hàng hóa Việt Nam chiếm lĩnh thị trường nội khối khu vực cũng như gia tăng kim ngạch thương mại Việt Nam – ASEAN.

5354-ynh-1
Ưu đãi từ các FTA là chìa khóa nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam
 

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, trong nửa đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường ASEAN đạt 13,9 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái. ASEAN chiếm 8,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, lớn hơn cả thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của nước ta từ ASEAN đạt 21,2 tỷ USD, tăng tới 50,5% so với cùng kỳ 2020 và chiếm 13,3% kim ngạch nhập khẩu cả nước. Nhập siêu của Việt Nam từ các thị trường ASEAN đã lên đến 7,3 tỷ USD so với mức 3,2 tỷ USD của 6 tháng đầu năm 2020.

Với vị trí địa lý gần gũi, hàng hóa và nhu cầu sử dụng hàng hóa có nhiều điểm tương đồng, hiện nhiều sản phẩm hàng hóa của ASEAN đã chiếm lĩnh tốt thị trường Việt Nam như hoa quả và hàng tiêu dùng Thái Lan, hàng tiêu dùng của Singapore… Do đó hàng hóa VIệt Nam muốn tăng sức cạnh tranh phải tìm được hướng đi riêng, tăng chất lượng và hạ giá bán. Bên cạnh đó, tận dụng tốt hơn các FTA để tranh thủ ưu đãi về giá.

Đơn cử, để tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) với ASEAN, doanh nghiệp Việt cần nắm rõ và cập nhật đầy đủ thông tin về quy tắc xuất xứ hàng hóa. Cụ thể, theo Hiệp định ATIGA, hàng hóa chỉ được hưởng ưu đãi thuế quan nếu có xuất xứ từ khu vực, tức là hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ trong khu vực; hoặc đáp ứng được các yêu cầu cụ thể về quy tắc xuất xứ như hàm lượng nguyên liệu nội khối (RVC) ít nhất là 40%, hay phải trải qua chuyển đổi HS 4 số, trải qua một quy trình sản xuất nhất định…

Bên cạnh đó, để được hưởng ưu đãi thuế quan trong ATIGA, nhà xuất khẩu phải xin chứng nhận xuất xứ form D tại một cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu.

Đáng chú ý, hiện tại các nước ASEAN đang hướng tới việc áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, cho phép nhà xuất khẩu được tự chứng nhận xuất xứ mà không cần phải thông qua một cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu.

Theo Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) để tận dụng tốt nhất cơ hội về thuế quan, tăng lượng hàng xuất khẩu vào nội khối, hàng hóa Việt Nam cần đảm bảo các quy tắc xuất xứ và thủ tục chứng nhận xuất xứ. Vì vậy, doanh nghiệp nước ta cần hiểu biết các thông tin, nhất là quy định về tiêu chuẩn, chất lượng để trên cơ sở đó có chiến lược, kế hoạch đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất phù hợp và hiệu quả. Cụ thể, một hàng hóa được coi là có xuất xứ ASEAN nếu hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ trong khu vực ASEAN; hoặc đáp ứng được các yêu cầu cụ thể về quy tắc xuất xứ trong hiệp định tại phụ lục 3 - Quy tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chú ý đến việc bảo quản, chú trọng tới bao bì, mẫu mã, quy cách đóng gói. Song song với đó cần liên tục cập nhật các xu hướng tiêu dùng, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, chủ động tìm kiếm hợp tác với các nhà phân phối uy tín bản địa để có thể đưa hàng Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường ASEAN.

Ngoài ATIGA, RCEP cũng đã và đang tạo ra nhiều cơ hội tốt để hàng hóa nước ta tận dụng trên con đường chinh phục thị trường ASEAN; đồng thời có thể tận dụng để nhập khẩu nguyên phụ liệu nhằm duy trì sản xuất và xuất khẩu trong thời gian bị gián đoạn do đại dịch trong thời gian vừa qua.

Tuyết Minh, Văn phòng BCĐLNKT