Tin tức

Chia sẻ với giới truyền thông, ông Roger Lou - Giám đốc quốc gia Alibaba.com Việt Nam - cho rằng: Dịch Covid-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ phương thức xuất khẩu xuyên biên giới thông qua các sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam hoàn toàn có khả năng khai thác phương thức kinh doanh này.

Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng xuất khẩu thông qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT) quốc tế của doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) Việt Nam?

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng TMĐT nhanh nhất thế giới, với tốc độ 35% mỗi năm. Đây là một lợi thế để đẩy mạnh xuất nhập khẩu và thúc đẩy quá trình số hóa doanh nghiệp, trong đó có DNVVN. Hiện, nhiều DNVVN Việt Nam cũng đã biết và tham gia xuất khẩu sản phẩm thông qua các sàn TMĐT quốc tế.

Năm ngoái, giao dịch, thanh toán trực tuyến và tổng giá trị giao dịch (GMV) của Việt Nam trên Alibaba.com đã tăng ba chữ số. Những con số này đã chứng minh ngày càng nhiều nhà bán hàng sử dụng Alibaba.com là kênh xuất khẩu. Trong thời kỳ đại dịch, chúng ta cũng thấy có nhiều thay đổi trên phạm vi toàn cầu, chẳng hạn như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). 15 quốc gia đã tham gia hiệp định để áp dụng nhiều hình thức mở cửa và giảm thuế nhập khẩu giữa các nước. Vì vậy, chúng tôi có một niềm tin rằng, sau đại dịch sẽ xuất hiện một xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ khác trong tình hình kinh tế như hiện nay. Thêm vào đó, vị trí chiến lược của Việt Nam đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết và đây chính là cơ hội của Việt Nam.

Bộ Công Thương và Alibaba.com đã có chương trình hợp tác nhằm hỗ trợ DNVVN tham gia vào sàn TMĐT quốc tế để tăng tốc xuất khẩu, vậy Alibaba.com đã triển khai những hoạt động gì hỗ trợ cho DN Việt Nam?

Đầu tiên, chúng tôi tiếp tục nâng cấp các dịch vụ trên nền tảng, như dịch vụ lên sàn TMĐT và các công cụ kỹ thuật số, giúp các DNVVN Việt Nam có thêm cơ hội kinh doanh từ khắp thế giới và ngày càng nhiều nhà cung cấp của Việt Nam được hưởng lợi.

Thứ hai, để tăng lưu lượng truy cập, mỗi năm Alibaba.com liên tục tổ chức các triển lãm thương mại trực tuyến cho các ngành khác nhau. Với mục tiêu hỗ trợ ngày một tốt hơn cho các nhà cung cấp Việt Nam, chúng tôi tích hợp dữ liệu tổng hợp về hành vi của người mua và nâng cấp các tính năng của nền tảng, từ đó các nhà cung cấp có thể nắm rõ được các dữ liệu phân tích về sản phẩm, danh mục hàng hóa và lĩnh vực kinh doanh của họ để khám phá các cơ hội kinh doanh mới.

Thứ ba, chúng tôi tổ chức rất nhiều hội thảo theo hình thức truyền thống và trực tuyến với các chủ đề khác nhau, cung cấp chương trình tư vấn 1:1 để giúp đỡ các DNVVN Việt Nam đang gặp khó khăn trong kinh doanh trực tuyến.

Được biết Alibaba.com đã tổ chức hỗ trợ và tư vấn cho các DNVVN Việt Nam tham gia vào sàn TMĐT quốc tế, theo ông đâu là thách thức với DN?

Trong các buổi đào tạo và tư vấn với các DNVVN Việt Nam, chúng tôi có thể xác định 4 nhu cầu chính mà họ đang quan tâm. Đầu tiên, các DNVVN muốn tiếp cận với nhiều cơ hội kinh doanh hơn khi đưa DN của họ lên nền tảng trực tuyến, từ đó học cách nắm bắt cơ hội kinh doanh đang đến. Thứ hai, họ muốn tìm hiểu cách mở tài khoản để bắt đầu kinh doanh trực tuyến trên nền tảng TMĐT. Thứ ba, họ muốn được học cách vận hành DN trên sàn TMĐT và tương tác với người mua tiềm năng. Thứ tư, họ muốn biết cách duy trì hoạt động kinh doanh trực tuyến một cách hiệu quả.

Xuất khẩu qua các sàn thương mại điện tử quốc tế: Cửa “mở” cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam
Ông Roger Lou – Giám đốc quốc gia Alibaba.com Việt Nam

Những mối quan tâm này mới chỉ ở bước khởi đầu của tham gia TMĐT. Với DNVVN Việt Nam là điều dễ hiểu, vì trước COVID-19, các DNVVN Việt Nam chưa quen với thuật ngữ “kinh doanh trực tuyến” hay “xuất khẩu trực tuyến”. Họ tập trung nhiều hơn vào các cách thức truyền thống như triển lãm thương mại hoặc đàm phán trực tiếp và chưa biết đến những lợi thế to lớn của xuất khẩu trực tuyến. Giờ đây, khi làn sóng dịch chuyển kinh doanh từ truyền thống sang online ngày càng trở nên mạnh mẽ, các DNVVN phải thay đổi bản thân để phù hợp với tình hình thực tế, từ đó họ có thể nắm bắt được nhiều cơ hội và lợi ích hơn từ cuộc cạnh tranh toàn cầu, mở rộng hoạt động kinh doanh để phát huy tối đa tiềm năng của mình.

 

 

 
 
 
 
 

 

 

Theo ông, cần những giải pháp gì giúp DNVVN Việt Nam tham gia sâu hơn và xuất khẩu nhiều hơn thông qua các sàn TMĐT quốc tế ?

Về phía các DNVVN, thông qua chương trình hợp tác với Bộ Công Thương, chúng tôi đã cung cấp rất nhiều khóa đào tạo và tư vấn hữu ích nhằm giúp họ có được sự chuẩn bị tốt nhất trước khi chính thức tham gia nền tảng.

Về phía Alibaba.com, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào người mua, nhà bán hàng và các dịch vụ. Với người mua, chúng tôi sẽ phân khúc họ thành các nhóm khác nhau, đồng thời xác định rõ yêu cầu từ các quốc gia. Mục tiêu của chúng tôi là sẽ làm cho các sản phẩm và nhà cung cấp chất lượng của Việt Nam được biết đến nhiều hơn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người mua trên toàn cầu. Với các nhà bán hàng, Alibaba.com sẽ tăng 100% vốn đầu tư, bao gồm cả nhân lực và chi phí tiếp thị. Trong 3-5 năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư nhiều hơn vào chiến lược toàn cầu bằng cách cung cấp các buổi đào tạo để cải thiện tư duy kỹ thuật số, kỹ năng vận hành và khả năng thương mại trực tuyến.

Xuất khẩu qua các sàn thương mại điện tử quốc tế: Cửa “mở” cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam
Xuất khẩu qua các sàn TMĐT quốc tế: Cửa “mở” cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, với các dịch vụ địa phương, bao gồm dịch vụ lên sàn TMĐT các dự án đào tạo KOL, hậu cần, dịch vụ thanh toán, chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác địa phương, để tiếp tục cải thiện mức độ dịch vụ và trải nghiệm người dùng.

Ông có thể chia sẻ những định hướng và hoạt động sắp tới của Alibaba.com tại Việt Nam?

Định hướng của Alibaba.com trong thời gian sắp tới là cung cấp các giải pháp kỹ thuật số một trạm cho các nhà cung cấp và DNVVN của Việt Nam. Chúng tôi sẽ cung cấp dịch vụ lên sàn TMĐT, dịch vụ tiếp thị số, dịch vụ đảm bảo thương mại trực tuyến… Song song với đó, quan hệ đối tác với các ngân hàng địa phương, hiệp hội, đối tác kinh doanh và các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần địa phương sẽ liên tục được phát triển và tăng cường. Đây là những hỗ trợ cần thiết để thúc đẩy sự thành công của nền thương mại số tại Việt Nam.

Cùng với những hoạt động trên, sẽ có một đội ngũ địa phương chuyên cung cấp các dịch vụ phù hợp với từng nhu cầu, các buổi đào tạo trực tiếp và trực tuyến dành cho các nhà bán hàng, để thúc đẩy hoạt động kinh doanh của họ. Ngoài ra, Alibaba.com cũng sẽ tiếp tục tổ chức các buổi trao đổi kiến thức nhà bán hàng trực tiếp, nhằm thúc đẩy khả năng kỹ thuật số của các DNVVN. Năm 2021, Alibaba.com sẽ tăng gấp đôi đầu tư để nâng tầm chất lượng dịch vụ tại Việt Nam.

Xuân Hải, Văn phòng BCĐLNKT