Tin tức

Sự quan tâm ngày càng tăng đối với các loại cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản tại EU mở ra cơ hội gia tăng giá trị cho sản phẩm cà phê Việt. Cùng với việc tập trung vào chất lượng, thiết lập các mối quan hệ lâu dài thay vì cạnh tranh về giá. Chú trọng khai thác thị trường ngách cũng được các chuyên gia khuyến nghị.

Việt Nam là một trong những nhà cung cấp cà phê nhân lớn nhất cho thị trường EU

Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, quý I/2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt mức thấp nhất theo quý trong giai đoạn 2019 – 2021 do chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ giảm và hoạt động thông quan không thuận lợi. Sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez thời điểm tháng 3/2021 đã làm chậm quá trình vận chuyển cà phê của Việt Nam sang các thị trường EU. Tỷ trọng xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU giảm từ 50,06% trong quý I/2020 xuống 41,12% trong quý I/2021.

3729-20
Xuất khẩu cà phê vào EU: Chú trọng thị trường ngách

Tuy vậy, Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) nhận định, nhu cầu tiêu thụ cà phê ở EU không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng toàn cầu. Đại dịch Covid-19 chỉ tác động tiêu cực lên thị trường cà phê EU trong ngắn hạn. Về dài hạn, dung lượng thị trường nhập khẩu cà phê của EU rất lớn, do đó, ngành hàng cà phê Việt Nam còn nhiều cơ hội để khai thác thị trường tiềm năng lớn này.

Đồng quan điểm về vấn đề này, bà Mai Thị Hồng – Điều phối viên Việt Nam Hiệp hội Hợp tác Kinh doanh Nông nghiệp Hà Lan – Việt Nam, nhận định: cà phê thuộc phân khúc thị trường đồ uống nóng, đây là ngành hàng quan trọng trong lĩnh vực bán lẻ hoặc trực tuyến để tiêu dùng tại nhà, đang phát triển mạnh kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19.

Theo số liệu từ Eurostat, Brazil và Việt Nam là những nhà cung cấp cà phê nhân lớn nhất cho thị trường EU. Hai quốc gia này chiếm gần một nửa nhập khẩu của EU, trong đó, Brazil cung cấp 27% tổng nhập khẩu của EU và Việt Nam 20%. Các nhà cung cấp cà phê nhân quan trọng khác cho EU bao gồm: Honduras (6,5%), Colombia (5,5%), Ấn Độ (4,1%) và Uganda (3,9%).

Bà Mai Thị Hồng cho hay, mỗi quốc gia cung cấp đóng một vai trò khác nhau, nhắm vào một số phân khúc nhất định của ngành cà phê EU. Brazil là một nhà cung cấp lớn của cả hai giống Robusta và Arabica. Việt Nam, Ấn Độ và Uganda tập trung mạnh vào sản xuất Robusta.

Chú trọng khai thác thị trường ngách

EU hiện là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng trị giá xuất khẩu cả nước (trung bình đạt 1,2-1,4 tỷ USD/năm trong 5 năm qua). Cà phê cũng được nhận định có thể gia tăng trị giá xuất khẩu vào thị trường EU trong thời gian tới khi được giảm thuế suất từ 15% xuống 0%.

Nhận định về xu hướng thị trường, bà Mai Thị Hồng cho hay, người tiêu dùng cà phê EU hiểu biết và khắt khe hơn. Phân khúc sản phẩm cà phê pha sẵn và đóng gói để uống một lần được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng bên cạnh phân khúc cà phê đặc sản và cà phê được chứng nhận. Thương mại trực tiếp giữa các nhà rang xay nhỏ và các nhà sản xuất cũng được dự báo gia tăng. Blockchain đang trở thành một công cụ để tăng tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc. Các sáng kiến bền vững trong ngành cà phê tiếp tục được mở rộng. Tăng cường hợp nhất trong phân khúc cà phê phổ thông.

Bà Mai Thị Hồng cho hay, mặc dù tiêu thụ dự kiến sẽ ổn định trong dài hạn, nhưng EU sẽ vẫn hấp dẫn đối với các nhà xuất khẩu cà phê, đặc biệt là thị trường cà phê đặc sản. Do đó, trong phân khúc này, các nhà cung cấp Việt Nam cần tập trung vào chất lượng và thiết lập các mối quan hệ lâu dài, hơn là cạnh tranh về giá.

EU là thị trường tiêu thụ cà phê lớn, chiếm 1/3 lượng tiêu thụ toàn cầu. Giai đoạn 2020 – 2025, thị trường cà phê EU được kỳ vọng sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình là 5,5%/năm. EU có mức tiêu thụ cà phê bình quân đầu người cao nhất trên toàn thế giới với trên 5 kg cà phê/người một năm.

Đức, Ý và Bỉ nổi bật là những thị trường hấp dẫn nhất đối với các nhà xuất khẩu cà phê nhân. Nhưng các thị trường như Pháp, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh cũng rất hấp dẫn. Các thị trường Đông Âu nhỏ hơn và có ít liên kết trực tiếp hơn với các nước sản xuất nhưng đang phát triển nhanh.

Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị, sự quan tâm ngày càng tăng đối với các loại cà phê chất lượng cao ở EU, đối với cả cà phê Arabica và Robusta mang lại cơ hội cho các nhà xuất khẩu cà phê.

Việt Nam với lợi thế là một trong những nguồn cung cấp cà phê uy tín cho thị trường EU, cùng với Hiệp định EVFTA sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp cà phê Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này. Trong đó, Đức và Ý có ngành công nghiệp rang xay lớn nhất EU. Bỉ là trung tâm thương mại cà phê ở EU. Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê vào các thị trường trên chịu sự cạnh tranh lớn. Thời gian tới, ngành cà phê Việt Nam nên khai thác các thị trường ngách Đông Âu, đặ biệt là Ba Lan, nơi số lượng các cửa hàng cà phê đang gia tăng mạnh.

Niên vụ 2020/21, sản lượng cà phê của Việt Nam dự báo giảm 15% do ảnh hưởng đợt mưa lũ hồi tháng 10/2020 và hạn hán hồi tháng 5, 6/2020. Tuy nhiên, vụ mùa năm nay, kỹ thuật thu hái và phơi sấy sau thu hoạch đã được chú trọng, chất lượng được nâng cao.

Đào Văn Cường, Bộ NNPTNT