Thời điểm cách đây 20 năm đã được cộng đồng quốc tế kỷ niệm như một chiến thắng của tự do hóa thương mại và kinh tế. Khi đó, Tổng thống Mỹ Bill Clinton, người đã thúc đẩy bình thường hóa thương mại với Bắc Kinh đã cho rằng lợi ích của thị trường Trung Quốc đối với các công ty Mỹ là khổng lồ.
Về mặt kinh tế, thỏa thuận gia nhập WTO của Trung Quốc tương đương với “con đường một chiều”, yêu cầu Trung Quốc mở cửa thị trường - với 1/5 dân số thế giới, có khả năng là thị trường lớn nhất thế giới - cho cả sản phẩm và dịch vụ theo những cách mới chưa từng có.
Để gia nhập WTO, Trung Quốc được yêu cầu đưa ra một danh sách dài các nhượng bộ, nhiều nhượng bộ thách thức các đặc điểm cơ bản của hệ thống trong nước kể từ khi Trung Quốc được thành lập vào năm 1949, bao gồm hạ thuế quan, cho phép thị trường định giá, cho phép đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp Trung Quốc và chấm dứt ảnh hưởng của nhà nước đối với hoạt động thương mại của các doanh nghiệp nhà nước.
Ngay từ năm 1992, nhà lãnh đạo Trung Quốc khi đó là Đặng Tiểu Bình đã đưa ra lập luận về chủ nghĩa tư bản và thị trường trong chủ nghĩa xã hội có kế hoạch hóa rằng không có mâu thuẫn cố hữu nào giữa chủ nghĩa xã hội và kinh tế thị trường. Tiền đề này đã đặt nền tảng lý thuyết cho cải cách kinh tế của Trung Quốc và gia nhập WTO.
Năm 2001, GDP của Trung Quốc lớn thứ 8 trên thế giới sau Italia. Việc gia nhập WTO cho phép Trung Quốc bước vào thời kỳ được coi là tăng trưởng kinh tế “thần kỳ”, đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới hiện nay. Thương mại hàng hóa của Trung Quốc đã tăng 8 lần trong 20 năm qua, từ 516,4 tỷ USD năm 2001 lên 4,1 nghìn tỷ USD năm 2017. Năm 1992, mức thuế trung bình theo tỷ trọng thương mại của Trung Quốc là 32,2% đã vượt xa mức trung bình toàn cầu là 7,2%. Đến năm 2002, tỷ lệ này giảm xuống còn 7,7%. Kể từ đó, thuế quan của Trung Quốc đã giảm hơn nữa, trung bình 4,8% từ năm 2003 đến năm 2017, theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới.
Trung Quốc cũng nổi lên là địa điểm hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh một loạt thảm họa toàn cầu từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đến đại dịch COVID-19 bắt đầu vào cuối năm 2019. Ngay cả khi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trên toàn cầu vào năm ngoái do khủng hoảng y tế vẫn đang diễn ra, thì theo báo cáo của Liên hợp quốc, FDI vào Trung Quốc tăng nhẹ 4%, mang lại 163 tỷ USD - nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Cựu Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Long Yongtu, Trưởng đoàn đàm phán về việc Trung Quốc gia nhập WTO, cho biết tại một diễn đàn gần đây do Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa tổ chức, rằng Bắc Kinh đã đẩy nhanh tiến độ cải cách và mở cửa, cho phép Trung Quốc bắt kịp Mỹ trong khoảng thời gian ngắn 20 năm.
Kể từ khi gia nhập WTO, Trung Quốc đã có những đóng góp to lớn cho thương mại toàn cầu. Đóng góp của Trung Quốc vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã đạt mức trung bình 30% kể từ năm 2002. Nước này cũng đã trở thành đối tác thương mại lớn của hơn 120 quốc gia. Lực lượng lao động khổng lồ của Trung Quốc cho phép các doanh nghiệp và người dân trên khắp thế giới tận hưởng các sản phẩm giá cả phải chăng từ quần áo đến máy tính. Riêng đối với người tiêu dùng Mỹ, những sản phẩm tiết kiệm chi phí này giúp tiết kiệm 15 tỷ USD mỗi năm. Khi Trung Quốc thay đổi diện mạo thương mại thế giới, giao thương với thế giới cũng làm Trung Quốc thay đổi.
Theo Sách trắng do Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc công bố, chính quyền trung ương Trung Quốc đã sửa đổi hơn 2.300 luật và quy định quốc gia để phù hợp với các cam kết WTO, trong khi chính quyền địa phương sửa đổi hoặc hủy bỏ 190.000 luật và quy định địa phương liên quan, để cải thiện tính minh bạch của chính sách và đảm bảo sự phù hợp với các quy định của WTO.
Xuân Hải, Văn phòng BCĐLNKT