Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala khẳng định quan điểm của các nước thành viên đang tập trung xung quanh các ưu tiên khả thi nhất để thực hiện từ nay đến MC12 - mặc dù vẫn có những khoảng trống về cách thức đạt được và nội dung cho kết quả tương lai. Ba mục tiêu cụ thể ưu tiên sẽ là một thỏa thuận hạn chế trợ cấp thủy sản có hại; kết quả về nông nghiệp, trọng tâm là an ninh lương thực; và một khuôn khổ sẽ trang bị tốt hơn cho WTO để hỗ trợ các nỗ lực chống lại đại dịch Covid-19 và các cuộc khủng hoảng sức khỏe trong tương lai.
Tổng giám đốc WTO bày tỏ hy vọng rằng vào tháng 7, các thành viên sẽ có thể hoàn tất một thỏa thuận về trợ cấp thủy sản và đạt được sự rõ ràng về những gì có thể đưa ra tại MC12, dự kiến diễn ra từ ngày 30/11 - 3/12 tại Geneva.
Về trợ cấp thủy sản, nhà lãnh đạo WTO kêu gọi các thành viên thực hiện sự linh hoạt cần thiết để vượt qua các rào cản còn lại. Với sự tham gia của các bộ trưởng có khả năng cần thiết để hoàn tất một thỏa thuận vào tháng 7, các phái đoàn WTO cùng với Chủ tịch Ủy ban Đàm phán thương mại là Đại sứ Santiago Wills của Colombia, chuẩn bị một dự thảo văn bản đàm phán với một số vấn đề còn tồn tại tối thiểu để các bộ trưởng giải quyết.
Lưu ý rằng, đối với nhiều thành viên, những kết quả có ý nghĩa về nông nghiệp là cần thiết để tạo nên thành công của MC12, Tổng giám đốc Okonjo-Iweala cho rằng, đại dịch và nạn đói đang gia tăng trên toàn thế giới, là một áp lực đối với “gói an ninh lương thực” của WTO. Các yếu tố cho một gói tương lai bao gồm sở hữu công khai, đề xuất miễn trừ các hạn chế xuất khẩu đối với các hoạt động mua hàng nhân đạo của Chương trình Lương thực thế giới, hỗ trợ trong nước và minh bạch, với một số quốc gia cũng tăng cường cơ chế tự vệ đặc biệt.
Tổng giám đốc WTO hoan nghênh quan điểm của nhiều thành viên WTO rằng, MC12 có thể đưa ra những phản ứng cụ thể về thương mại và y tế. Quan điểm của WTO về các hạn chế xuất khẩu và nhu cầu tăng khối lượng sản xuất vaccine đã nhận được sự quan tâm và tham gia của các nhà lãnh đạo.
Báo cáo về sự kiện ngày 14/4, nơi các nhà sản xuất vaccine, các tổ chức quốc tế, xã hội dân sự và các thành viên xem xét cách thức WTO có thể đóng góp vào nỗ lực chống lại sự khan hiếm toàn cầu của vaccine Covid-19, nhà lãnh đạo WTO cho biết rõ ràng rằng, năng lực sản xuất chưa được khai thác ở một số cơ sở của các quốc gia đang phát triển. Sự ủng hộ của các thành viên đối với Ấn Độ trong bối cảnh gia tăng các ca nhiễm Covid-19 được đánh giá cao, theo sau việc Ấn Độ xuất khẩu một số lượng lớn vaccine. Các thành viên tiến tới mục đích chung để tham gia vào các cuộc đàm phán dựa trên văn bản về đề xuất miễn trừ TRIPS nhằm tìm kiếm một thỏa hiệp thực dụng phù hợp với tất cả mọi người.
Về vấn đề giải quyết tranh chấp, trong đó nhiều thành viên kêu gọi giải quyết bế tắc tại Cơ quan Phúc thẩm, Tổng giám đốc WTO bày tỏ hy vọng rằng, các thành viên MC12 “có thể đạt được sự hiểu biết chung về các loại hình cải cách cần thiết”. Chủ tịch Đại hội đồng, Đại sứ Dacio Castillo của Honduras, đang tham vấn các đề xuất về các vấn đề cụ thể đối với các nước kém phát triển nhất như các đề xuất của G-90 về đối xử đặc biệt và khác biệt cũng như đối với các nền kinh tế nhỏ và các lĩnh vực như thương mại điện tử. Các nhóm thành viên đã báo hiệu mong muốn tiến lên trong các lĩnh vực như quy định trong nước đối với dịch vụ, thương mại điện tử, tạo thuận lợi đầu tư, trao quyền kinh tế cho phụ nữ, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cũng như các vấn đề liên quan đến thương mại và biến đổi khí hậu.
Đối với các vấn đề chưa được kết thúc trong năm nay, Tổng giám đốc WTO cho biết, các thành viên đã kêu gọi các chương trình làm việc sau MC12 về các vấn đề đa phương liên quan đến nông nghiệp, dịch vụ, đối xử đặc biệt và khác biệt cũng như các sáng kiến tuyên bố chung trong các lĩnh vực bao gồm ô nhiễm chất dẻo và môi trường bền vững.
Trong những ngày tới, nhà lãnh đạo WTO sẽ tăng cường tiếp cận với các trưởng phái đoàn, tổ chức các cuộc họp “với nhiều hình thức lớn nhỏ khác nhau” để hỗ trợ chủ tọa của các nhóm đàm phán trong nỗ lực tạo ra sự thỏa hiệp giữa các thành viên. Đồng thời sẽ phối hợp chặt chẽ với Chủ tịch Đại hội đồng và Chủ tịch các cơ quan đàm phán cũng như Chủ tịch MC12 Kazakhstan để tiến hành các cuộc họp này.
Gia Tùng, Bộ Công Thương