Tin tức

Là một trong 3 trụ cột của kinh tế thế giới, Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) mà sau này là WTO (bên cạnh Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)), đã chứng minh là một thiết chế hàng đầu trong việc thúc đẩy tự do hóa thương mại trên phạm vi toàn cầu. Đặc biệt, sau khi WTO ra đời năm 1994, thực tiễn hoạt động của hệ thống giải quyết tranh chấp trong WTO đã khẳng định vai trò là một cấu thành không thể thiếu trong quá trình tự do hóa thương mại, đồng thời chứng minh được sức mạnh và ý nghĩa ngày càng tăng của cơ chế giải quyết tranh chấp trong quá trình tự do hóa thương mại.

Hệ thống giải quyết tranh chấp trong khung khổ thương mại đa phương lần đầu tiên được hình thành trong GATT 1947, với những quy định nền tảng về trình tự, thủ tục áp dụng.

Các quy định này theo thời gian ngày càng được hoàn thiện theo hướng đơn giản hơn, được thể hiện qua việc ngày càng có nhiều sự tham gia của các nước đang phát triển. Phạm vi tranh chấp cũng rất đa dạng, bao trùm hầu khắp mọi lĩnh vực thương mại quốc tế.

Về cơ bản, hệ thống giải quyết tranh chấp tuân thủ các trình tự nhất định để giải quyết một vụ việc. Trình tự này có thể rất quy củ, chặt chẽ (có cơ quan giải quyết tranh chấp chuyên trách, trải qua đầy đủ các bước tham vấn, khiếu kiện, sơ thẩm, phúc thẩm.v.v.) hoặc cũng có thể rất đơn giản (chỉ có tham vấn qua lại, hoặc chỉ xét xử chung thẩm một lần duy nhất v.v.) tùy thuộc vào tính chất, phạm vi và mức độ cam kết của các nước thành viên tham gia.

Cùng với xu hướng mở cửa nền kinh tế, các quốc gia đang phát triển ngày càng có xu hướng tham gia tích cực, chủ động hơn vào các vụ việc giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế. Giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế giờ đây đã trở thành công cụ rất phổ biến của tất cả mọi quốc gia, vùng lãnh thổ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Để có thể tham gia một cách tích cực và chủ động vào xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế chung của toàn thế giới, Việt Nam cần ý thức và chủ động sử dụng một cách có hiệu quả cơ chế giải quyết tranh chấp trong tất cả các kênh hợp tác đa phương, khu vực và song phương, làm cơ sở cho việc thúc đẩy một cách có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế vào thị trường thế giới. Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương với các nước và vùng lãnh thổ, 7 hiệp định tự do hóa thương mại khu vực và tham gia 1 hiệp định tự do hóa thương mại đa phương. Trong các hiệp định thương mại song phương mà Việt Nam đã ký kết, kể cả hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ, các bên ký kết thường chấp nhận một cơ chế giải quyết tranh chấp linh hoạt, theo đó thẩm quyền giải quyết tranh chấp thường được trao cho Ủy ban hỗn hợp do hai bên thành lập.

Các cơ chế giải quyết tranh chấp được thể hiện như sau:

- Trong khuôn khổ WTO là một Hiệp định nằm trong Phụ lục 2 của Hiệp định thành lập WTO (sau đây gọi tắt là cơ chế WTO hoặc DSU);

- Trong khuôn khổ ASEAN là Nghị định thư tăng cường cơ chế giải quyết tranh chấp ASEAN (sau đây gọi tắt là cơ chế ASEAN);

- Trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN với các đối tác ngoài khối là Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ là Hiệp định về giải quyết tranh chấp (sau đây lần lượt gọi tắt là cơ chế ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Hàn Quốc, ASEAN-Ấn Độ);

- Trong khuôn khổ FTA giữa ASEAN với các đối tác ngoài khối là Nhật Bản (AJCEP), Úc và Niu-di-lân (AANZFTA) là một chương về giải quyết tranh chấp trong hiệp định tổng thể (sau đây lần lượt gọi tắt là cơ chế AJCEP, AANZFTA);

- Trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản (VJEPA) là một chương về giải quyết tranh chấp trong hiệp định tổng thể (sau đây gọi tắt là cơ chế VJEPA).

Trong 8 cơ chế giải quyết tranh chấp mà Việt Nam đã tham gia có 1 cơ chế đa phương (WTO), 5 cơ chế khu vực (ASEAN, ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Hàn Quốc, ASEAN-Ấn Độ, ASEAN -Úc- Niu-di-lân) và 1 cơ chế song phương (Việt Nam–Nhật Bản).

Có 2 cơ chế mang tính thường trực (WTO và ASEAN) và 6 cơ chế mang tính vụ việc (ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Hàn Quốc, ASEAN-Ấn Độ, ASEAN– Úc– Niu-di-lân, Việt Nam– Nhật Bản). Sự khác nhau cơ bản giữa hai loại cơ chế này là trong cơ chế giải quyết tranh chấp thường trực, các vụ tranh chấp có thể phải trải qua hai cấp ‘xét xử’, còn trong các cơ chế giải quyết tranh chấp vụ việc, chỉ có một cấp ‘xét xử’.

Tất cả các cơ chế giải quyết tranh chấp mà Việt Nam tham gia đều quy định về phạm vi áp dụng, cơ sở pháp lý, trình tự, thủ tục nhằm giải quyết và xử lý khi có một tranh chấp cụ thể phát sinh. Nhìn chung về nội dung, đa số các cơ chế giải quyết tranh chấp khu vực và song phương đều dựa theo khuôn mẫu về trình tự, thủ tục của hệ thống giải quyết tranh chấp trong WTO.

Về cơ bản, tất cả các cơ chế giải quyết tranh chấp mà Việt Nam tham gia đều có các công đoạn như tham vấn, giải quyết tranh chấp bằng trung gian, đưa tranh chấp ra cơ quan tài phán để ‘xét xử’, thi hành phán quyết và cuối cùng là bồi thường và đình chỉ nhượng bộ. Khác biệt chủ yếu về cam kết trong lĩnh vực này là cam kết về thời hạn cụ thể của từng giai đoạn. Bên cạnh các quy định chung áp dụng cho các bên trong tranh chấp, Việt Nam với tư cách là một nước đang phát triển còn được hưởng một số ưu đãi đặc biệt và khác biệt (S&D) (chủ yếu là về nội dung thực hiện các nghĩa vụ có cân nhắc đến trình độ phát triển kinh tế của mỗi bên, thủ tục đơn giản hơn, được kéo dài thời hạn) trong trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp và thực thi phán quyết.

Vấn đề lĩnh vực có thể áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp (hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, SPS, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh,..) được quy định như sau:

Cơ chế ASEAN-Hàn Quốc, ASEAN-Ấn Độ quy định phạm vi áp dụng của cơ chế là các tranh chấp phát sinh từ Hiệp định khung, cụ thể bao gồm lĩnh vực thương mại hàng hoá và các lĩnh vực khác sẽ được đàm phán và ký kết sau dựa trên hiệp định khung.

Mặc dù có nhiều điểm tương đồng so với các cơ chế ASEAN-Ấn Độ và ASEAN-Hàn Quốc song cơ chế ASEAN-Trung Quốc lại quy định phạm vi tranh chấp một cách lỏng lẻo hơn, đó là các tranh chấp phát sinh từ Hiệp định khung.

Trong các cơ chế ASEAN-Nhật Bản, ASEAN- Úc– Niu-di-lân và Việt Nam- Nhật Bản, do là một bộ phận cấu thành của Hiệp định tổng thể nên phạm vi của cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định rất rõ ràng, bao gồm hầu hết các lĩnh vực của hiệp định tổng thể, trừ một số lĩnh vực đặc thù, cụ thể là:

- Trong ASEAN-ANZ: không áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp đối với SPS, Hợp tác kinh tế, Thương mại điện tử và Cạnh tranh;

- Trong ASEAN-Nhật Bản: không áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp đối với SPS, TBT, Hợp tác kinh tế;

- Trong Việt-Nhật: không áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp đối với  SPS, TBT, Hợp tác, Phát triển môi trường kinh doanh.

Do cơ chế ASEAN được xây dựng dựa trên DSU nên nhìn chung có sự thống nhất giữa hai cơ chế này. Cụ thể, phạm vi áp dụng của hai cơ chế đều là  các tranh chấp phát sinh từ những hiệp định liên quan trong khuôn khổ của WTO và ASEAN.

Lê Gia Thanh Tùng, Bộ Công Thương