Tin tức

Khi nói đến việc áp dụng các biện pháp PVTM trong các FTA, bên cạnh việc khởi kiện, cần lưu ý đến cả khía cạnh kháng kiện, tức là khi Việt Nam bị các nước đối tác FTA khởi xướng điều tra PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Khi các nước đối tác FTA cam kết xóa bỏ hàng rào thuế quan, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng được hưởng lợi từ điều này. Xuất khẩu Việt Nam sang một số đối tác FTA đã gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây hoặc sau khi FTA có hiệu lực. Tuy nhiên, lợi ích cũng đi kèm với rủi ro. Hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ bị các nước đối tác FTA điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM nhiều hơn. Điều này càng có cơ sở khi các đối tác FTA của Việt Nam nằm trong số những nước sử dụng công cụ PVTM nhiều nhất trên thế giới (ví dụ: Trung Quốc, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Thái Lan...).

Thực tế đã cho thấy, tính đến nay các nước đối tác FTA đã tiến hành 28 vụ điều tra chống bán phá giá, 2 vụ việc chống trợ cấp và 11 vụ điều tra tự vệ toàn cầu đối với Việt Nam/có ảnh hưởng đến Việt Nam. Con số này có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Vì vậy, doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng tâm lý, nguồn lực, chiến lược ứng phó cho các vụ việc trong tương lai có thể xảy ra.

Tuy nhiên thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam còn bị động, chưa thực sự nhận thức rõ ràng về nguy cơ xảy ra các vụ việc điều tra PVTM cũng như hệ quả bất lợi của các vụ việc này đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp và thậm chí là của cả ngành. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chưa chủ động và tích cực trong việc chuẩn bị, ứng phó với các vụ điều tra PVTM. Nhiều doanh nghiệp còn có tâm lý né tránh, không tham gia hoặc tham gia không đầy đủ vào công tác kháng kiện dẫn tới kết quả bất lợi đối với các doanh nghiệp. Trong trường hợp bị điều tra và áp dụng biện pháp PVTM, các doanh nghiệp có thể đánh mất lợi ích có được từ việc cắt giảm thuế trong FTA, gây ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu và thậm chí có thể đánh mất thị trường xuất khẩu.

Chính vì vậy, để có thể ứng phó với các vụ điều tra PVTM của nước ngoài đối với Việt Nam trong bối cảnh các FTA, các doanh nghiệp cần:

Trước khi vụ việc xảy ra:

- Trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM, quy định PVTM trong các FTA giữa Việt Nam và đối tác để nắm rõ các nghĩa vụ và quyền lợi của mình.

- Tìm hiểu quy định pháp luật của WTO và của các nước khởi kiện, do các quy định trong FTA chỉ phán ánh được phần nào quy trình điều tra trên thực tế, những nội dung không được quy định trong FTA sẽ được tuân theo quy định của WTO hoặc nội luật của nước điều tra.

- Thường xuyên trao đổi thông tin với Hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước nhằm nắm bắt được những thông tin cảnh báo để lên phương án thay đổi hoạt động kinh doanh hoặc chủ động lên phương án đối phó với vụ việc.

- Chú trọng đào tạo, nâng cao kiến thức cho nhân viên về lĩnh vực này, xây dựng một đội ngũ nhân viên pháp lý có kiến thức về PVTM để xử lý khi vụ việc xảy ra.

- Trong quá trình điều tra chống bán phá giá, cơ quan điều tra các nước cũng thường yêu cầu rất nhiều hồ sơ, tài liệu liên quan đến quá trình sản xuất kinh doanh, do đó doanh nghiệp cần lưu trữ hồ sơ, sổ sách đầy đủ và rõ ràng.

- Dự trù trước một khoản kinh phí để thuê luật sư khi cần thiết. Luật sư tư vấn đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp kháng kiện, góp phần giúp các doanh nghiệp thu được kết quả tích cực hoặc giảm thiểu được mức thuế.

- Đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, đa dạng hóa sản phẩm, tránh tăng trưởng xuất khẩu quá nóng vào một thị trường, chuyển dần từ chiến lược cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng và thương hiệu nhằm giảm thiểu nguy cơ bị điều tra PVTM.

- Truy cập Hệ thống Cảnh báo sớm (http://canhbaosom.vn) (của Cục PVTM- Bộ Công Thương) các vụ việc chống bán phá giá mà doanh nghiệp Việt Nam có nguy cơ phải đối mặt. Đây là công cụ hữu ích dành cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, ngoài việc cảnh báo nguy cơ bị điều tra chống bán phá giá, hệ thống Cảnh báo sớm còn cho phép doanh nghiệp tra cứu số liệu xuất nhập khẩu của một số thị trường lớn như Hoa Kỳ, Châu Âu, Bra-xin, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản,… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc lên phương án kinh doanh trong tương lai. Các doanh nghiệp xuất khẩu nên chủ động theo dõi thông tin cập nhật tại website để có kế hoạch xuất khẩu phù hợp.

Khi vụ việc xảy ra:

- Tích cực tham gia vào công tác kháng kiện một cách nghiêm túc, có trách nhiệm và hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra. Nếu doanh nghiệp xuất khẩu không hợp tác với cơ quan điều tra của nước ngoài, thì cơ quan điều tra có quyền sử dụng những dữ liệu sẵn có bất lợi để tính toán biên độ phá giá, trợ cấp. Và thông thường, trong trường hợp này, mức thuế là rất cao, doanh nghiệp có thể mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh và sẽ phải rút khỏi thị trường.

- Củng cố quan hệ với các bạn hàng, đối tác nước ngoài (các nhà nhập khẩu, người tiêu dùng) vì họ cũng là một bên có lợi ích bị ảnh hưởng bởi vụ việc điều tra PVTM. Do đó, tiếng nói phản đối việc điều tra, áp thuế của các nhà nhập khẩu cũng góp phần gây ảnh hưởng tới quyết định của cơ quan điều tra. Ngoài ra, các nhà nhập khẩu cũng là những người nắm được thông tin của thị trường nước nhập khẩu và có thể thông tin kịp thời về các động thái của cơ quan điều tra cho doanh nghiệp Việt Nam.

- Phối hợp và liên hệ chặt chẽ với Hiệp hội và các doanh nghiệp trong ngành để cùng xây dựng chiến lược kháng kiện cho cả ngành.

- Liên hệ với cơ quan quản lý phụ trách về các vụ việc PVTM (Cục Phòng vệ thương mại– Bộ Công Thương) nhằm lên các phương án kháng kiện cũng như đề nghị hỗ trợ vận động hành lang đối với Chính phủ, cơ quan điều tra nước ngoài nhằm đạt được kết quả tốt nhất cho doanh nghiệp.

- Khi gặp vướng mắc, cần tư vấn về quy định PVTM của WTO, của các nước và trong FTA... hoặc cập nhật những thông tin các vụ việc PVTM, doanh nghiệp có thể liên hệ tới Cục PVTM để được trợ giúp trong việc giải quyết, ứng phó với các vụ việc PVTM. Theo dõi diễn biến các vụ việc kháng kiện tại trang web chính thức của Cục PVTM (sẽ được cập nhật trong thời gian tới).

Đặng Xuân Tâm, Chánh Văn phòng Cục phòng vệ TM