Như đã nêu ở trên, giữa Việt Nam và Chile chưa từng phát sinh các vụ việc PVTM. Tuy nhiên, tính đến giữa năm 2016, Chile đã khởi xướng 27 vụ AD, 02 vụ việc chống trợ cấp, 19 vụ việc tự vệ toàn cầu. Các nước bị điều tra chủ yếu là Ac-hen-ti-na, Bra-xin, Hàn Quốc, Nga. Các mặt hàng bị điều tra chủ yếu là nông sản, kim loại, máy móc và thiết bị, động vật sống. Cho thấy Chile tương đối có kinh nghiệm việc điều tra các biện pháp PVTM, đặc biệt khi việc điều tra chống trợ cấp tương đối phức tạp.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan Việt Nam ngày 17 tháng 1 năm 2017, tổng trao đổi thương mại song phương giữa hai nước trong năm 2016 đạt 1,036 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường nước sở tại năm 2016 đạt 805,35 triệu USD, tăng trên 24% so với năm 2015 (649,33 triệu USD) và tăng 15% so với kế hoạch định hướng xuất khẩu được giao cho thị trường Chile năm 2016 (700 triệu USD) và thặng dư thương mại với Chile đạt trên 574 triệu USD, tăng 60% so với năm 2015.
Như vậy, 3 năm qua, Việt Nam không chỉ cân bằng được cán cân thương mại với Chile mà đã đạt được thặng dư thương mại với trị giá ngày càng tăng. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Chile đã tăng đáng kể về số lượng cũng như trị giá như xi măng, vôi, vật liệu xây dựng, bột đá, giày dép, hàng dệt may, cá basa, đồ gỗ nội thất, đồ dùng nhà bếp, hàng điện tử gia dụng. Nhiều mặt hàng mới cũng đã bắt đầu tìm được chỗ đứng ở thị trường này như quả thanh long, chôm chôm, hạt điều đã qua sơ chế, các loại bao bì PP…
Với sự gia tăng hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Chile, cùng với kinh nghiệm của nước này trong việc sử dụng các công cụ PVTM, không loại trừ khả năng trong tương lai Chile áp dụng biện pháp PVTM với Việt Nam.
Chống bán phá giá đối với mặt hàng tôn mạ
Ngày 08 tháng 3 năm 2016, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định số 818/QĐ-BCT về việc điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ (còn gọi là tôn mạ) có xuất xứ từ Hàn Quốc và Trung Quốc.
Ngày 30 tháng 3 năm 2017, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm nêu trên, mức thuế dành cho Hàn Quốc là 12,4% đến 19%.
Tự vệ toàn cầu đối với tôn màu
Ngày 06 tháng 7 năm 2016, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định số 2847/QĐ-BCT điều tra tự vệ đối với một số mặt hàng tôn màu nhập khẩu vào Việt Nam.
Trong quá trình điều tra, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thông báo, cũng như tạo cơ hội tham vấn cho các bên liên quan phía Hàn Quốc trình bày ý kiến, cung cấp tài liệu; phù hợp với quy định của WTO cũng như cam kết song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Tính đến nay, Hàn Quốc đã khởi xướng 02 vụ việc chống bán phá giá với Việt Nam: (i) bật lửa ga (2002) (sau đó đã chấm dứt do nguyên đơn rút đơn kiện) và (ii) hợp kim Ferro-Silico-Manganese (2016). Đặc biệt, vụ việc với hợp kim Ferro-Silico-Manganese được khởi xướng sau khi hai bên đã ký kết FTA.
Mặc dù được đánh giá là nước không lạm dụng các biện pháp PVTM, nhưng tính đến giữa năm 2016, Hàn Quốc đã khởi xướng 131 vụ AD, 4 vụ tự vệ, chưa có vụ việc CVD nào. Có thể nói, số vụ việc của Hàn Quốc tương đối lớn.
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, bốn tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam– Hàn Quốc đạt trên 18,1 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Hàn Quốc đạt 13,7 tỷ USD (tăng trưởng kỷ lục 43,5% so với cùng kỳ năm 2016), trong khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường này chỉ đạt 4,4 tỷ USD (tăng trưởng 32% so với cùng kỳ năm 2016).
Với mức nhập siêu bốn tháng đầu năm 2017 lên tới 9,3 tỷ USD (tăng 5,4 tỷ USD so với mức 3,9 tỷ USD trong hai tháng đầu năm 2017), Hàn Quốc chính thức vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường có mức nhập siêu lớn nhất của Việt Nam.
Thương mại hai chiều Việt Nam– Hàn Quốc đã có sự tăng trưởng nhanh chóng, đặc biệt kể từ sau khi VKFTA có hiệu lực (ngày 20 tháng 12 năm 2015). Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu từ Việt Nam sang Hàn Quốc chưa được như kỳ vọng, nhiều mặt hàng xuất khẩu có lợi thế của Việt Nam vẫn gặp nhiều “rào cản” tại thị trường này, trong khi hàng hóa Hàn Quốc, nhất là nông sản, có xu hướng tăng tại thị trường Việt Nam.
Những mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh từ Hàn Quốc chủ yếu là nhóm nguyên liệu, linh kiện, phụ kiện, máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Điển hình như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 8,7 tỷ USD năm 2016); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (5,8 tỷ USD năm 2016); điện thoại các loại và linh kiện (3,6 tỷ USD năm 2016)…
Trong bối cảnh Việt Nam đang nhập siêu từ Hàn Quốc, khả năng Việt Nam xem xét khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ, chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hàn Quốc là có thể xảy ra (trên thực tế, vừa qua Việt Nam đã khởi xướng điều tra, áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ của Hàn Quốc). Tuy nhiên, là một nước có nhiều kinh nghiệm điều tra PVTM, đặc biệt chống bán phá giá, không ngoại trừ khả năng Hàn Quốc cũng khởi xướng các vụ việc PVTM đối với Việt Nam (có thể kể đến vụ việc hợp kim Ferro-Silico-Manganese Hàn Quốc khởi xướng năm 2016).
Ngoại trừ biện pháp tự vệ song phương được quy định cụ thể và chi tiết, quy định về AD, CVD và tự vệ toàn cầu trong FTA VN-EAEU chủ yếu dẫn chiếu đến các quy định của WTO. Một số nước Thành viên EAEU, đặc biệt là Nga đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm thực tế thông qua việc khởi xướng điều tra các vụ việc PVTM, tính đến giữa năm 2016 gồm 39 vụ AD, 02 vụ CVD và 04 vụ tự vệ.
Với gần 90% dòng thuế được cắt, giảm thuế quan nhập khẩu, trong đó 59,3% xóa bỏ ngay khi FTA VN-EAEU có hiệu lực. Đây được xem là lợi thế lớn cho Việt Nam trong việc cạnh tranh với các nước khác trên thế giới khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EAEU.
Trong bối cảnh dự kiến Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn sang EAEU, các doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng khi xuất khẩu sang thị trường này, để tránh các vụ việc PVTM có thể phát sinh.
4. Với Nhật Bản
Nhật Bản không phải là nước áp dụng nhiều biện pháp PVTM, số vụ việc PVTM mà Nhật Bản khởi xướng điều tra tương đối hạn chế, tính đến giữa năm 2016 bao gồm: 10 vụ việc chống bán phá giá, chỉ 01 vụ việc chống trợ cấp, 01 vụ việc tự vệ. Tính đến nay, Nhật Bản chưa tiến hành vụ việc PVTM nào liên quan đến hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Mặc dù là nước ít sử dụng các biện pháp PVTM, nhưng Nhật Bản có hiểu biết và kinh nghiệm lớn về các biện pháp này. Nhật Bản tham gia rất tích cực vào cơ chế giải quyết tranh chấp tại WTO, phần lớn các vụ việc liên quan tới biện pháp PVTM. Ngoài ra, Nhật Bản cũng là nước rất tích cực trong quá trình đàm phán, trao đổi, thảo luận về các biện pháp PVTM trong các FTA cũng như các diễn đàn đa phương.
Năm 2016, theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam- Nhật Bản đạt 29,6 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2015. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 14,6 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm 2015. Kim ngạch các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Nhật Bản đều có xu hướng tăng. Cụ thể, hàng dệt may đạt 2,9 tỷ USD, tăng 4,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 1,5 tỷ USD, tăng 10,9%; hàng thủy sản đạt 1,1 tỷ USD, tăng 6,2%; giầy dép các loại đạt 674,8 triệu USD, tăng 12,9%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 654 triệu USD, tăng 25,1% so với năm 2015.
Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản năm 2016 đạt 15 tỷ USD, tăng 4,7% so với năm 2015. Các mặt hàng nhập khẩu chính bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 2,8 tỷ USD, tăng 23,7%); linh kiện, phụ tùng ô tô (788 triệu USD, tăng 6,3%); sản phẩm từ chất dẻo (660 triệu USD, tăng 4%); vải các loại (637 triệu USD, tăng 12,3%).
Hiện Việt Nam đang có hai FTA lớn với Nhật Bản gồm Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA). Thị trường Nhật Bản tiếp tục là bạn hàng lớn của Việt Nam và là một trong những thị trường “dễ tính” nhất trong việc xác minh xuất xứ hàng hóa từ Việt Nam để được hưởng ưu đãi thuế quan từ nước này.
Trong bối cảnh kim ngạch thương mại ngày càng gia tăng, Việt Nam có xu hướng xuất siêu sang Nhật Bản, mặc dù không phải là nước sử dụng nhều biện pháp PVTM nhưng không ngoại trừ khả năng Nhật Bản có thể điều tra, áp dụng biện pháp PVTM đối với Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp cũng lưu ý khả năng xảy ra các vụ kiện PVTM khi xuất khẩu sang thị trường này.
5. Với Ấn Độ
Ấn Độ là nước điều tra chống bán phá giá và tự vệ nhiều nhất trên thế giới với 818 vụ chống bán phá giá, 42 vụ tự vệ và 03 vụ chống trợ cấp (tính đến giữa năm 2016).
Tính đến nay, Ấn Độ là một trong số các quốc gia tiến hành điều tra và áp dụng biện pháp PVTM nhiều nhất với hàng xuất khẩu của Việt Nam (10 vụ chống bán phá giá và 04 vụ tự vệ). Các sản phẩm bị điều tra tương đối đa dạng, từ gỗ ván MDF, pin khô AA cho đến sợi spandex– một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ.
Trong số 14 vụ việc nêu trên, hiện có 9 vụ việc đã chấm dứt (04 vụ việc tự vệ: với tinh bột sắn 2009, thép cuộn tấm xé băng cán nóng 2009, thép cuộn không gỉ cán nguội 2014 và sợi đàn hồi thô 2014; 05 vụ việc chống bán phá giá: với đèn huỳnh quang 2007, đĩa CD-Rom 2007, sợi vải năm 2008, máy chế biến nhựa năm 2014 và dụng cụ làm bếp bằng nhựa melamine); và 05 vụ việc chống bán phá giá vẫn đang diễn ra.
Việt Nam chưa tiến hành điều tra vụ việc PVTM nào có liên quan tới hàng hóa xuất khẩu của Ấn Độ.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước đã tăng từ 1,01 tỷ USD năm 2006 lên khoảng 5,5 tỷ USD năm 2016, trong đó Việt Nam chủ yếu nhập siêu. Tuy nhiên lần đầu tiên trong lịch sử vào năm 2016 Việt Nam xuất siêu sang Ấn Độ. Cụ thể, cả năm 2016, xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ thặng dư 70 triệu USD và điều này chứng tỏ hàng hóa của Việt Nam đã bắt đầu thâm nhập tốt hơn vào thị trường Ấn Độ. Cơ cấu ngành hàng giữa hai nước cũng đã có sự thay đổi lớn. Trước đây, thương mại hai nước chỉ phụ thuộc vào 3 ngành hàng lớn là thức ăn chăn nuôi, ngô và dược phẩm, trong đó Việt Nam nhập khẩu là chủ yếu, thì giờ đây, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu đã có thay đổi lớn, bao trùm sang các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, thiết bị điện tử, điện thoại di động và linh kiện, máy móc thiết bị, dược phẩm, hóa chất, hàng dệt may, xơ sợi, ôtô...
Trong bối cảnh đó, dự đoán các vụ việc PVTM giữa Việt Nam và Ấn Độ có thể gia tăng trong thời gian tới, đặc biệt là các vụ việc chống bán phá giá. Vốn là một trong những nước tích cực nhất sử dụng các biện pháp PVTM, nên khả năng Ấn Độ tiếp tục khởi xướng các vụ việc điều tra PVTM đối với Việt Nam trong tương lai là rất cao, điều này thể hiện qua số lượng 14 vụ việc PVTM mà Ấn Độ đã tiến hành với Việt Nam trong thời gian qua. Vì vậy, khi xuất khẩu sang thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý tới khả năng bị điều tra PVTM và có sự chuẩn bị thích hợp.
6. Với Trung Quốc
Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia tích cực sử dụng các biện pháp PVTM (231 vụ chống bán phá giá, 08 vụ chống trợ cấp và 01 vụ việc tự vệ tính đến giữa năm 2016). Tuy nhiên, Trung Quốc chưa từng khởi xướng bất cứ vụ việc nào đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Trong khi đó, cả 03 vụ việc điều tra chống bán phá giá mà Việt Nam khởi xướng đều có liên quan đến hàng xuất khẩu của Trung Quốc (chủ yếu là thép và các sản phẩm từ thép, gồm: thép không gỉ cán nguội; tôn mạ kẽm, mạ lạnh; và thép hình chữ H).
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là nước bị điều tra PVTM nhiều nhất trên thế giới. Tính đến giữa năm 2016, Trung Quốc đã bị điều tra trong 1170 vụ việc chống bán phá giá, 112 vụ việc chống trợ cấp, trong đó có khá nhiều vụ việc Việt Nam và Trung Quốc cùng bị khiếu kiện. Do vị trí địa lý gần nhau, cộng thêm thực tế có khá nhiều doanh nghiệp FDI Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam, các nước thường có xu hướng kiện chùm cả Việt Nam và Trung Quốc. Ngoài ra, việc Trung Quốc bị điều tra áp thuế AD/CVD cũng dẫn đến nguy cơ Việt Nam bị điều tra chống lẩn tránh thuế AD/CVD trong rất nhiều vụ việc do nghi ngờ có sự lẩn tránh thuế từ Trung Quốc sang Việt Nam. Trên thực tế, tất cả các vụ việc mà Việt Nam bị điều tra chống lẩn tránh thuế đều là do nghi ngờ có sự chuyển tải hàng hóa từ Trung Quốc.
Hiện nay, Việt Nam chủ yếu nhập siêu từ Trung Quốc. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2016 đạt 70,6 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh với sự hiện diện của 40 loại mặt hàng, đạt 21,8 tỷ USD, tăng 26,3% so với năm 2015, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 49,8 tỷ USD, tăng 0,5% so với năm 2015.Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam.
Trong bối cảnh Việt Nam đang là nước nhập siêu và thực tế cho đến nay 03 vụ việc điều tra chống bán phá giá Việt Nam tiến hành đều liên quan đến hàng xuất khẩu của Trung Quốc, do đó trong tương lai khả năng phát sinh thêm các vụ điều tra đối với Trung Quốc là không nhỏ. Đặc biệt, những sản phẩm Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc nằm trong số những sản phẩm thường bị điều tra PVTM nhất (đặc biệt là thép).
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý Trung Quốc là một trong những nước tích cực sử dụng biện pháp PVTM nhiều nhất, cho nên không loại trừ khả năng Trung Quốc có thể khởi xướng các vụ việc tương lai với Việt Nam. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần lưu ý khi nhập khẩu nguyên vật liệu, bán thành phẩm từ Trung Quốc sau đó chế biến để xuất khẩu sang các thị trường mà đang áp dụng thuế AD, CVD với Trung Quốc vì có khả năng bị các thị trường ngày điều tra lẩn tránh thuế.
7. Với Úc
Úc được đánh giá là quốc gia khá tích cực trong việc sử dụng các biện pháp PVTM, cơ quan điều tra của Úc là cơ quan mạnh với cơ cấu tổ chức chặt chẽ và làm việc hiệu quả. Tính đến giữa năm 2016, Úc đã khởi xướng điều tra 310 vụ việc chống bán phá giá, 23 vụ việc chống trợ cấp, 04 vụ việc tự vệ. Trong đó, Úc đã khởi xướng 09 vụ việc PVTM với hàng xuất khẩu của Việt Nam gồm: 02 vụ việc chống trợ cấp (với thép mạ kẽm và nhôm ép), 07 vụ việc chống bán phá giá (với máy biến thế, thép mạ kẽm, vôi sống, dây thép cuộn, tháp gió, nhôm ép). Việt Nam chưa từng khởi xướng điều tra PVTM liên quan đến hàng xuất khẩu của Úc.
Năm 2016, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Úc đạt 5,2 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu khoảng 2,9 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu khoảng 2,3 tỷ USD.
Trong bối cảnh kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Úc lớn, Việt Nam xuất khẩu sang Úc tương đối nhiều, Úc đang có xu hướng gia tăng điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM với Việt Nam (chỉ trong giai đoạn 2016 - 2017, Úc đã khởi xướng 6 vụ việc PVTM với Việt Nam), do đó, trong thời gian tới rất có khả năng Úc sẽ tăng cường sử dụng công cụ PVTM, các doanh nghiệp cần thận trọng khi xuất khẩu vào thị trường này.
8. Với Niu-di-lân
Niu-di-lân không phải là nước lạm dụng biện pháp PVTM, tuy nhiên nước này cũng đã tích lũy được kinh nghiệm nhất định trong việc khởi xướng điều tra, áp dụng biện pháp PVTM với 57 vụ điều tra chống bán phá giá, 06 vụ điều tra chống trợ cấp, Niu-di-lân chưa từng điều tra tự vệ (tính đến giữa năm 2016). Trong vòng 03 năm trở lại đây, nước này không khởi xướng mới bất kỳ vụ việc PVTM nào. Niu-di-lân chưa từng khởi xướng điều tra PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng chưa từng điều tra PVTM đối với hàng xuất khẩu của Niu-di-lân.
Năm 2016, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Niu-di-lân đạt 707 triệu USD, tăng 0,4% so với năm 2015, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 358 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu đạt 349 triệu USD. Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Niu-di-lân mang tính bổ sung cho nhau hơn là cạnh tranh.
Trên cơ sở thông tin trên, có thể dự đoán trong thời gian tới số vụ việc PVTM phát sinh giữa Niu-di-lân và Việt Nam không nhiều. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng hai nước sẽ khởi xướng điều tra PVTM liên quan tới hàng xuất khẩu của bên kia, do hiện nay Niu-di-lân và Việt Nam đều cùng là thành viên tham gia đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Niu-di-lân tỏ ra khá thận trọng khi đàm phán các điều khoản liên quan tới PVTM.
Đặng Xuân Tâm, Chánh Văn phòng Cục Phòng vệ Thương mại