Tin tức

1. Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA)

Việt Nam và Nhật Bản bắt đầu tiến hành đàm phán Hiệp định này từ tháng 1 năm 2007 và chính thức ký Hiệp định vào ngày 25/12/2008. VJEPA có nội dung bao gồm nhiều lĩnh vực như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, di chuyển của thể nhân. Đây là FTA song phương đầu tiên của Việt Nam và là hiệp định đối tác kinh tế thứ mười của Nhật Bản.

Trong cam kết TBT của Hiệp định này, hai nước đã đặt ra các mục tiêu, đó là đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn và quy trình đánh giá sự phù hợp không tạo ra rào cản không cần thiết cho thương mại; tăng cường hiểu biết lẫn nhau về quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp; tăng cường trao đổi thông tin và hợp tác giữa các bên trong việc xây dựng, ban hành và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp; tăng cường hợp tác giữa các Bên tại diễn đàn khu vực và quốc tế về tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp.

Cũng giống như Hiệp định Đối tác kinh tế ASEAN – Nhật Bản, VJEPA chủ yếu nhấn mạnh nguyên tắc hợp tác chung về TBT. Việc hợp tác được hai nước cam kết thực hiện thông qua một loạt các hoạt động như nghiên cứu, hội thảo nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, trao đổi cán bộ để đào tạo, cùng tham gia vào các diễn đàn khu vực và quốc tế về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp, khuyến khích các tổ chức liên quan hợp tác trong các vấn đề có lợi cho cả hai phía, tăng cường tham gia vào thừa nhận lẫn nhau trong khuôn khổ các hiệp định quốc tế hoặc bởi các tổ chức khu vực và quốc tế liên quan.

Do không có các cam kết riêng đối với từng lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp nên có thể xem điều khoản về hợp tác là điều khoản quan trọng nhất của Chương TBT này.

Chương TBT của VJEPA bao gồm 7 điều khoản thống nhất nguyên tắc chung theo Hiệp định TBT của WTO, đề xuất các hoạt động hợp tác và thành lập điểm hỏi đáp cũng như Tiểu ban về quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn và quy trình đánh giá sự phù hợp để đảm bảo việc thực thi hiệu quả Chương TBT và việc áp dụng cơ chế để giải quyết khi có tranh chấp phát sinh. 

Các nội dung cam kết chính của Chương TBT như sau:

Về mục tiêu:

Khái quát các mục tiêu của Chương bao gồm việc đảm bảo các nguyên tắc của Hiệp định TBT của WTO như không tạo ra rào cản không cần thiết cho thương mại quốc tế và đồng thời đảm bảo các nguyên tắc để thuận lợi hóa thương mại thông qua cam kết TBT như tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tăng cường trao đổi thông tin và hợp tác kỹ thuật, tăng cường hợp tác trong các diễn đàn khu vực và quốc tế liên quan.

Về phạm vi áp dụng:

Khẳng định phạm vi áp dụng của Chương này theo Hiệp định TBT của WTO, cụ thể Điều 1.4 và 1.5 của Hiệp định này đó là không áp dụng các biện pháp liên quan tới kiểm dịch động thực vật và mua sắm Chính phủ. Đồng thời hai nước cũng khẳng định quyền của mình trong việc xây dựng, ban hành và áp dụng các biện pháp kỹ thuật vì mục tiêu hợp pháp như bảo vệ sức khỏe và an toàn của con người, động thực vật và môi trường mà Hiệp định TBT cho phép. Có thể thấy, đây là nội dung đảm bảo cân bằng giữa nghĩa vụ và quyền lợi trong việc xây dựng, ban hành và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp của hai nước. Nghĩa vụ ở đây được hiểu là không được xây dựng các biện pháp có thể tạo thành rào cản đối với thương mại và ảnh hưởng tới thương mại của nước đối tác. Tuy nhiên để bảo vệ lợi ích hợp pháp của nước mình như sức khoẻ của người dân, ngăn ngừa hàng hoá kém chất lượng, ngăn ngừa hành vi gian lận… các nước vẫn có quyền xây dựng các hàng rào kỹ thuật TBT. Vấn đề quan trọng là phải chứng minh được các hàng rào đó là phù hợp và cần thiết với thực tế của nước mình.

Về hợp tác:

Cam kết các lĩnh vực và hình thức mà hai bên có thể hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp để tạo thuận lợi cho thương mại song phương và phát huy đầy đủ các lợi ích của các cam kết này. Các sáng kiến hợp tác được đưa ra như tổ chức các nghiên cứu hoặc hội thảo chung nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau trong lĩnh vực TBT, trao đổi cán bộ vì mục đích đào tạo, trao đổi thông tin về TBT, phối hợp thực hiện các hoạt động chung trong khuôn khổ diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế… Tuy nhiên các hoạt động hợp tác này sẽ được thực hiện trên cơ sở tài chính phù hợp và theo quy định của pháp luật hai nước. Như vậy, bản thân cam kết hợp tác trong Chương này cũng không mang tính ràng buộc cao.

Để vận hành các cam kết của Chương hiệu quả, hai nước thống nhất chỉ định điểm hỏi đáp về TBT và thành lập tiểu ban về TBT. Trong đó quy định chức năng của Tiểu ban như xác định các lĩnh vực ưu tiên để tăng cường hợp tác, xây dựng chương trình công tác trong lĩnh vực ưu tiên được hai bên nhất trí nhằm thuận lợi hóa việc chấp nhận kết quả đánh giá sự phù hợp, rà soát việc thực thi và hợp tác của Chương…

Về giải quyết tranh chấp:

Liên quan tới tranh chấp về TBT, các bên thống nhất không áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của Hiệp định này. Như đã giải thích ở trên, đây là một cam kết linh hoạt cho hai bên khi giải quyết các tranh chấp về TBT phát sinh trong quá trình thực thi.

2. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Chi lê (VCFTA)

Việt Nam bắt đầu đàm phán FTA với Chi Lê vào tháng 10 năm 2008. Ngày 11/11/201, hai bên đã ký kết VCFTA bên lề của Hội nghị APEC tại Hoa Kỳ. Hiệp định bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2014.

Chương 7 của Hiệp định là cam kết về quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn và quy trình đánh giá sự phù hợp bao gồm 13 điều khoản được cấu trúc đầy đủ từ các điều khoản nguyên tắc chung tới các cam kết cụ thể về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp, minh bạch hoá, cơ chế điều phối triển khi việc thực thi cam kết, trong đó có nhiều cam kết cụ thể hơn so với Hiệp định TBT của WTO.

Về tiêu chuẩn: Việt Nam và Chi Lê cam kết mỗi bên sẽ áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế liên quan làm căn cứ xây dựng, ban hành và áp dụng quy chuẩn kỹ thuật của mình, phù hợp với quy định của Điều 2.4 của Hiệp định TBT.

Để xác định thế nào là một tiêu chuẩn quốc tế, hai nước cũng cam kết sẽ tuân thủ theo các nguyên tắc trong “Quyết định và khuyến nghị của Ủy ban TBT về các nguyên tắc xây dựng tiêu chuẩn quốc tế, Hướng dẫn và khuyến nghị liên quan tới Điều 2, 5 và Phụ lục 3 của Hiệp định TBT” được Ủy ban TBT của WTO ban hành.

Hai nước khẳng định lại các quy định trong Điều 2.4 của Hiệp định TBT về việc sử dụng tiêu chuẩn quốc tế làm cơ sở để xây dựng quy chuẩn kỹ thuật của mình. Để xác định thế nào là một tiêu chuẩn quốc tế, Uỷ ban TBT của WTO đã ban hành “Quyết định và khuyến nghị của Ủy ban về các nguyên tắc xây dựng tiêu chuẩn quốc tế, hướng dẫn và khuyến nghị liên quan tới Điều 2, 5 và Phụ lục 3 của Hiệp định” trong đó đưa ra 6 nguyên tắc để xác định tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay, Phụ lục 1 của Hiệp định TBT của WTO chỉ định nghĩa tiêu chuẩn và tổ chức quốc tế mà không định nghĩa thế nào là một tiêu chuẩn quốc tế hoặc một tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế. Trên thực tế trong quá trình thực thi Hiệp định TBT của WTO, có rất nhiều câu hỏi đặt ra đối với vấn đề này. Nếu không xác định được tiêu chuẩn quốc tế hoặc tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế sẽ ảnh hưởng tới việc xác định việc vi phạm hay tác động của quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp lên thương mại, do Hiệp định TBT của WTO quy định những biện pháp không được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn quốc tế có thể bị xem là tạo ra rào cản không cần thiết đối với thương mại quốc tế. Để đảm bảo nguyên tắc này và giúp các nước xác định một tiêu chuẩn như thế nào được coi là tiêu chuẩn quốc tế, Uỷ ban TBT đã lưu chuyển Quyết định và khuyến nghị nêu trên. Đây được coi là căn cứ tham khảo cho các nước Thành viên WTO khi tiến hành xác định tiêu chuẩn quốc tế. Các nước đàm phán Chương TBT trong các Hiệp định Thương mại tự do song phương và đa phương gần đây có xu hướng dẫn chiếu tới Quyết định này của Uỷ ban TBT để cam kết về việc xác định tiêu chuẩn quốc tế. Việc đưa Quyết định và khuyến nghị này của Uỷ ban TBT vào các cam kết TBT song phương và đa phương giúp các nước sự chính thức thống nhất vấn đề tiêu chuẩn quốc tế và hạn chế nảy sinh tranh chấp liên quan tới TBT. 

Về quy chuẩn kỹ thuật: Hai bên phải đảm bảo xem xét tích cực để chấp nhận tương đương quy chuẩn kỹ thuật miễn là quy chuẩn đó thỏa mãn các mục tiêu của mình.

Khi một nước không chấp nhận tương đương quy chuẩn kỹ thuật của nước kia, phải giải thích rõ lý do, khi có yêu cầu.

Về quy trình đánh giá sự phù hợp: Hai nước khẳng định có rất nhiều cách thức tạo thuận lợi cho việc chấp nhận kết quả đánh giá sự phù hợp như: tổ chức đánh giá sự phù hợp tham gia vào các thỏa thuận tự nguyện để chấp nhận kết quả đánh giá sự phù hợp; chấp nhận kết quả đánh giá hợp quy thực hiện bởi cơ quan hoạt động trên phạm vi lãnh thổ của nước kia; chấp nhận quy trình công nhận tổ chức đánh giá sự phù hợp của nhau; chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp trên lãnh thổ của nhau để thực hiện hoạt động đánh giá sự phù hợp.

Khi một bên không chấp nhận kết quả đánh giá sự phù hợp, nếu có thể giải thích rõ lý do về những quyết định này của mình. Giải thích lý do được thực hiện thông qua cơ quan điều phối thực thi cam kết thành lập trong Chương này. Đây là kênh trao đổi thông tin chính thức liên quan tới việc thực thi cam kết TBT của Hiệp định trong trường hợp cần cung cấp hoặc điều phối thông tin. 

Hai nước cũng cam kết công nhận, chấp nhận hoặc thừa nhận các tổ chức đánh giá sự phù hợp trên lãnh thổ của một nước không kém thuận lợi hơn các tổ chức đánh giá sự phù hợp trên lãnh thổ của mình. Đây là nguyên tắc không phân biệt đối xử nhằm đảm bảo các tổ chức đánh giá sự phù hợp có năng lực tại hai nước được công nhận để thực hiện các hoạt động đánh giá sự phù hợp phục vụ cho hoạt động thương mại của hai bên. Tương tự, trong trường hợp không công nhận, chấp nhận hoặc thừa các tổ chức như vậy phải giải thích rõ lý do cụ thể.

Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau được xác định là một trong những phương thức giúp thuận lợi hoá thương mại và đã được quy định tại Điều 6.3 của Hiệp định TBT của WTO. Trong nhiều cam kết TBT của các Hiệp định Thương mại tự do song phương và đa phương, các nước thường thống nhất sẽ tăng cường đàm phán và ký kết các thoả thuận thừa nhận lẫn nhau đối với hoạt động đánh giá sự phù hợp, cụ thể như thoả thuận thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp. Để thuận lợi cho việc thực thi và thực thi cam kết có hiệu quả, Chương này yêu cầu khi một nước từ chối yêu cầu tham gia đàm phán thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp thì phải giải thích rõ lý do từ chối của mình.

Ngoài ra, một số sáng kiến đã được nêu ra trong cam kết để xem xét việc chấp nhận kết quả đánh giá sự phù hợp như: tổ chức đánh giá sự phù hợp của hai nước có thể ký kết các thỏa thuận tự nguyện về việc chấp nhận kết quả đánh giá sự phù hợp của nhau; Việt Nam và Chi Lê xem xét chấp nhận các kết quả đánh giá hợp quy thực hiện bởi các tổ chức nằm trên lãnh thổ của hai nước, thống nhất thủ tục công nhận tổ chức đánh giá sự phù hợp và chỉ định các tổ chức đánh giá sự phù hợp đủ năng lực của cả hai nước để thực hiện các hoạt động đánh giá sự phù hợp.

Về minh bạch hoá: Hai nước thừa nhận tầm quan trọng của minh bạch hóa trong quá trình xây dựng chính sách, trong đó nhấn mạnh ý nghĩa của việc tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến cho các dự thảo quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp. Theo đó, yêu cầu khi xây dựng dự thảo quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp phải đưa ra thông cáo nêu rõ mục đích và cơ sở để xây dựng quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp, đặc biệt phải nêu rõ cơ quan soạn thảo và thời gian soạn thảo, xây dựng.

Bên cạnh đó, cũng yêu cầu phải chuyển thông báo qua đường điện tử cho Điểm hỏi đáp về TBT của hai nước ngay khi thông báo này được gửi cho Ban thư ký WTO. Thông báo là thủ tục thực hiện minh bạch hoá đối với các dự thảo quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp được xác định cần phải minh bạch hoá. Theo quy định của Hiệp định TBT của WTO, các nước Thành viên WTO phải thông báo dự thảo quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp có khả năng gây tác động lên thương mại cho các nước Thành viên WTO đóng góp ý kiến thông qua Ban Thư ký WTO. Sau khi nhận được thông báo của các nước Thành viên, Ban thư ký WTO sẽ xử lý từ 4-5 ngày trước khi chính thức công bố trên trang điện tử của WTO. Kể từ thời điểm Ban thư ký WTO chính thức công bố bản thông báo, các nước Thành viên sẽ đóng góp ý kiến. Trong khi đó, cam kết này yêu cầu phải chuyển thông báo cùng thời điểm chuyển cho Ban thư ký WTO, nghĩa là Việt Nam và Chi Lê sẽ nắm được thông tin sớm hơn các nước Thành viên WTO và có thêm thời gian đóng góp ý kiến đối với các dự thảo được thông báo.

Sau khi thông báo, một nội dung minh bạch hoá khác được nhiều nước quan tâm là nội dung ý kiến góp ý nhận được và các ý kiến đó được xem xét tiếp thu trong dự thảo như thế nào. Liên quan tới nội dung này, hai nước khuyến khích công bố rộng rãi câu trả lời cho các ý kiến góp ý quan trọng trước khi ban hành quy chuẩn kỹ thuật hoặc quy trình đánh giá sự phù hợp và buộc phải cung cấp thông tin về mục tiêu, cơ sở xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp đang ban hành hoặc dự kiến ban hành.

3. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA)

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) được ký kết vào ngày 5/5/2015 và chính thức có hiệu lực từ 20/12/2015.

Chương TBT của VKFTA là Chương 6 của Hiệp định và bao gồm 11 Điều khoản quy định mục đích, phạm vi áp dụng, tiêu chuẩn quốc tế, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp, minh bạch hoá, hợp tác và trao đổi thông tin, Uỷ ban TBT…

Các nội dung cam kết chính của Chương này như sau:

Về tiêu chuẩn: Việt Nam và Hàn Quốc cam kết sử dụng các tiêu chuẩn, hướng dẫn hoặc khuyến nghị quốc tế liên quan làm cơ sở cho quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp, như quy định tại Điều 2.4 và 5.4 của Hiệp định TBT.

Để xác định thế nào là một tiêu chuẩn, hướng dẫn hay khuyến nghị quốc tế, hai bên nhất trí căn cứ vào Quyết định của Ủy ban về các nguyên tắc xây dựng tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị quốc tế theo Điều 2, 5 và Phụ lục 3 của Hiệp định TBT do Ủy ban TBT ban hành.

Vấn đề về tiêu chuẩn quốc tế đã được phân tích trong Chương TBT của các Hiệp định Thương mại tự do song phương và đa phương nêu trên.

Về quy chuẩn kỹ thuật: Điều 2.7 của Hiệp định TBT của WTO quy định “Các nước Thành viên phải xem xét tích cực việc chấp nhận tương đương quy chuẩn kỹ thuật của các nước Thành viên khác, thậm chí nếu các quy chuẩn kỹ thuật này khác với của mình, miễn là chúng vẫn đáp ứng được các mục tiêu tương tự đã đặt ra đối với quy chuẩn kỹ thuật đó”. Đây là cơ sở để Việt Nam và Hàn Quốc cam kết thống nhất một điều khoản tương tự trong Chương TBT của Hiệp định này.

Tuy nhiên, ở cấp độ song phương hai nước yêu cầu cao hơn trong việc trao đổi thông tin, cụ thể phải giải thích rõ lý do khi không chấp nhận tương đương quy chuẩn kỹ thuật.

Về quy trình đánh giá sự phù hợp: Việt Nam và Hàn Quốc cam kết xem xét chấp nhận kết quả đánh giá sự phù hợp của nhau miễn là thỏa mãn và đảm bảo phù hợp với các quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn tương đương của mình. Có thể thấy vấn đề chấp nhận kết quả đánh giá sự phù hợp được hai nước rất quan tâm.

Việc chấp nhận kết quả đánh giá sự phù hợp thực hiện trên lãnh thổ của hai nước phải đảm bảo tăng cường tính hiệu quả, tránh trùng lặp và đảm bảo tiết kiệm chi phí khi thực hiện hoạt động đánh giá sự phù hợp. Để đạt được điều đó cần phải có sự hợp tác giữa hai nước trong các sáng kiến như: thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp đối với quy chuẩn kỹ thuật thực hiện bởi các tổ chức đặt tại lãnh thổ của nước đối tác; ban hành quy trình công nhận hoặc chỉ định để đánh giá các tổ chức đánh giá sự phù hợp trên lãnh thổ của nước đối tác; chỉ định các tổ chức đánh giá sự phù hợp trên lãnh thổ của nước đối tác; thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp thực hiện tại lãnh thổ của nước đối tác; thỏa thuận tự nguyện giữa các tổ chức đánh giá sự phù hợp trên lãnh thổ của hai bên và chấp nhận Công bố phù hợp của nhà cung cấp…

Ngoài ra để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện đánh giá sự phù hợp, hai nước phải xem xét công nhận, chấp nhận hoặc thừa nhận các tổ chức đánh giá sự phù hợp của nhau có văn phòng đại diện tại nước mình. Tất nhiên, để được công nhận, chấp nhận hoặc thừa nhận các tổ chức đánh giá sự phù hợp cần đảm bảo năng lực thực hiện các hoạt động đánh giá sự phù hợp của mình.

Mặc dù không có phụ lục cam kết đối với các sản phẩm hàng hoá cụ thể  nhưng trong điều khoản về đánh giá sự phù hợp, Việt Nam và Hàn Quốc đã thống nhất tăng cường hợp tác thông qua trao đổi thông tin về các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về đánh giá sự phù hợp đối với thiết bị bưu chính viễn thông trong khuôn khổ APEC.

Về minh bạch hoá: Hai nước cam kết gửi đường dẫn hoặc bản sao văn bản toàn văn quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp được thông báo theo Điều 2.9.3 và 5.6.3 của Hiệp định TBT. Đây là hai điều khoản quy định về việc cung cấp bản sao dự thảo quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp và nêu rõ các phần viện dẫn từ tiêu chuẩn quốc tế.

Về thời gian cho phép đóng góp ý kiến, Hàn Quốc và Việt Nam cam kết tương tự như Hiệp định TBT của WTO quy định, tức là cho phép một khoảng thời gian ít nhất 60 ngày sau khi thông báo dự thảo quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp để lấy ý kiến góp ý và đóng góp ý kiến chính thức bằng văn bản. Khoảng thời gian này có thể ngắn hơn trong trường hợp khẩn cấp liên quan tới an toàn, sức khỏe, bảo vệ môi trường hoặc an ninh quốc gia. Tuy nhiên, các nước có quyền yêu cầu gia hạn thời gian đóng góp ý kiến nếu thấy khoảng thời gian này chưa đủ hoặc chưa phù hợp. Khi nhận được yêu cầu gia hạn, hai nước phải xem xét chấp nhận trừ khi việc gia hạn này không phù hợp do cần phải đảm bảo yêu cầu về an toàn cho người dân, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ môi trường… Riêng về quy định minh bạch hoá liên quan tới việc công bố trên trên các trang web chính thức các quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp này đã ban hành, Hàn Quốc và Việt Nam sẽ thực hiện tuỳ thuộc vào khả năng của mỗi nước. 

4. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á – Âu (VN - EAEU FTA)

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu (VN - EAEU FTA) được ký kết ngày 29/5/2015 và có hiệu lực từ ngày 5/10/2016.

Chương 6 của Hiệp định là chương về hàng rào kỹ thuật trong thương mại bao gồm 9 điều nhưng không có điều khoản quy định cụ thể về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp. Tuy nhiên, trong Chương này có một điều khoản cam kết về ghi dấu và ghi nhãn. Đây là nội dung ít được cấu trúc thành một điều khoản riêng trong các Chương TBT.

Mục tiêu chính của Chương này là tăng cường hợp tác về xây dựng, ban hành và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp nhằm giảm thiểu các rào cản không cần thiết cho thương mại quốc tế, giảm thiểu các chi phí không cần thiết đối với nhà xuất khẩu; tăng cường hiểu biết lẫn nhau về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp; tăng cường trao đổi thông tin giữa các nước tham gia Hiệp định về việc xây dựng, ban hành và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp; tăng cường hợp tác giữa các nước trong công tác quốc tế về tiêu chuẩn hoá và đánh giá sự phù hợp; tăng cường hợp tác về các vấn đề liên quan tới hàng rào kỹ thuật trong thương mại.

Các nội dung cam kết chính của Chương như sau:

Về minh bạch hoá: Các nước tham gia cam kết thừa nhận tầm quan trọng của việc minh bạch hoá quá trình xây dựng, ban hành và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp.  Đối với thời gian đóng góp ý kiến, trừ những trường hợp khẩn cấp liên quan tới bảo vệ an toàn, sức khoẻ, môi trường hoặc an ninh quốc gia, cho phép ít nhất 60 ngày để đóng góp ý kiến. Ngoài ra, phải cho phép khoảng thời gian ít nhất 180 ngày từ ngày ban hành tới ngày có hiệu lực của quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp, trừ các trường hợp khẩn cấp nêu trên. Khoảng thời gian này đảm bảo để các bên liên quan, đặc biệt doanh nghiệp có đủ thời gian để đáp ứng các yêu cầu mới. 

Về ghi dấu và ghi nhãn: Các nước không cam kết cụ thể về ghi dấu và ghi nhãn cho các sản phẩm hàng hoá nhất định mà thống nhất nguyên tắc chung, trong đó nhấn mạnh định nghĩa quy chuẩn kỹ thuật trong Phụ lục 1 của Hiệp định TBT bao gồm cả các quy định về ghi dấu và ghi nhãn và nhất trí rằng các quy chuẩn kỹ thuật có các yêu cầu ghi dấu hoặc ghi nhãn khi xây dựng, ban hành và áp dụng không được tạo ra các rào cản không cần thiết đối với thương mại quốc tế, và không hạn chế thương mại hơn mức cần thiết. Các quy định liên quan tới ghi dấu và ghi nhãn cho sản phẩm hàng hoá sẽ không được sử dụng làm hàng rào kỹ thuật để hạn chế và ảnh hưởng tới thương mại giữa các nước. 

Về tham vấn: Các nước phải nỗ lực xem xét nhanh chóng và tích cực yêu cầu tham vấn song phương khi nảy sinh tranh chấp về TBT. Cơ chế tham vấn này không nằm trong cơ chế giải quyết tranh chấp của Hiệp định. Khi không thể giải quyết bằng cách tham vấn có thể thành lập nhóm công tác để xác định giải pháp giúp thuận lợi hoá thương mại. Nhóm công tác này bao gồm đại diện của các nước tham gia Hiệp định. Trong trường hợp từ chối yêu cầu thành lập nhóm công tác phải giải thích rõ lý do từ chối. Thông qua tham vấn kỹ thuật, các nước có thể vẫn giải quyết được tranh chấp mà không phải trải qua quy trình phức tạp và tốn kém nguồn lực.

Trần Thị Thu Huyền, Bộ Tài chính