Tin tức

Ngày 26/1, Tiểu ban Các hiệp định quốc tế của Hạ viện Anh đã đưa ra điều trần mới về khả năng Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), là hiệp định giữa 11 quốc gia bao gồm 4 quốc gia ASEAN là Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam (trong đó Vương quốc Anh đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do song phương với Singapore và Việt Nam), ngoài ra còn có Nhật Bản, Australia, New Zealand, Canada, Chile, Mexico và Peru.

Chính phủ Anh đã đưa ra kế hoạch gia nhập CPTPP như một phần của chương trình đàm phán thương mại. Hiện nay, 7 nước đang thực thi CPTPP và 11 quốc gia thành viên của hiệp định này đại diện cho 13,4% GDP toàn cầu (khoảng 13,5 nghìn tỷ USD), khiến CPTPP trở thành khu vực thương mại tự do lớn thứ tư trên thế giới sau NAFTA, Liên minh châu Âu và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Cuộc điều trần sẽ xem xét các mục tiêu của chính phủ liên quan đến tiến trình đàm phán, đồng thời cũng sẽ xem xét những tác động tiềm ẩn của một thỏa thuận cuối cùng đối với doanh nghiệp và người dân ở Vương quốc Anh. Tiểu ban Các hiệp định quốc tế của Hạ viện Anh sẽ xem xét tác động của một thỏa thuận trong tương lai đối với các quy định và tiêu chuẩn của Vương quốc Anh và sẽ bao gồm các lĩnh vực như thực phẩm và nông nghiệp, sở hữu trí tuệ, thương mại kỹ thuật số, dịch vụ chuyên nghiệp và các hậu quả đối với đầu tư vào trong nước. Hơn nữa, Tiểu ban sẽ đánh giá cách thức CPTPP sẽ phù hợp với chính sách của Vương quốc Anh về giải quyết biến đổi khí hậu toàn cầu và phát triển bền vững.

Anh tham gia hội nghị ASEAN với tư cách đối tác đối thoại và hướng tới việc gia nhập CPTPP

Ở giai đoạn này, vẫn chưa biết khi nào các cuộc đàm phán giữa Vương quốc Anh và các thành viên hiện tại của CPTPP sẽ hoàn tất, tuy nhiên, cuộc điều trần của các tiểu ban của Hạ viện Anh sẽ tiếp tục tích cực trong suốt quá trình thảo luận gia nhập CPTPP.

Cũng trong thời gian này, chính phủ Vương quốc Anh đã thực hiện các bước để hội nhập với các khối trong khu vực của châu Á sau nỗ lực thành công để trở thành Đối tác Đối thoại của ASEAN.

Với tư cách là Đối tác Đối thoại, Vương quốc Anh có được khả năng tiếp cận cấp cao với ASEAN, cùng với việc tăng cường hợp tác thực tế về các vấn đề chính sách khác nhau với khối khu vực. Điều đó cũng cho phép Anh tham gia các đối tác đối thoại quan trọng khác, bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Vương quốc Anh hiện là một trong số quốc gia có Đại sứ chuyên trách tại ASEAN, có phái đoàn ngoại giao với cả 10 nước thành viên. Nước này cũng có các chương trình hợp tác sâu rộng để thảo luận với ASEAN, bao gồm các biện pháp đối phó với đại dịch toàn cầu, biến đổi khí hậu và chủ nghĩa khủng bố, v.v. Vị thế Đối tác Đối thoại của Vương quốc Anh sẽ tiếp tục xây dựng mối quan hệ của nước này với ASEAN bằng việc tham gia vào các hội nghị cấp bộ trưởng và hội nghị cấp bộ trưởng hàng năm của ASEAN.

Cuộc họp chính thức đầu tiên của ASEAN hoan nghênh sự tham gia của Vương quốc Anh diễn ra vào ngày 23/1/2021, tại Hội nghị lần thứ 11 của Ủy ban Toàn thể (CoW) về Kế hoạch làm việc hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN giai đoạn 2021-2025. Tại cuộc họp này, Đại sứ Vương quốc Anh tại ASEAN Jon Lambe, đã trình bày về công việc chung của Chính phủ Vương quốc Anh và Tập đoàn Tư vấn Boston về việc ASEAN sử dụng Chuỗi giá trị toàn cầu để thúc đẩy phục hồi kinh tế, như một phần của Khuôn khổ phục hồi của ASEAN, sau đại dịch Covid-19.

Những động thái này cho thấy lần đầu tiên trong lịch sử thời hậu chiến, Quốc hội Anh đang thực hiện các bước để đảo ngược định hướng kinh tế và chính trị hàng thập kỷ đối với châu Âu, nhằm tái kích hoạt quan hệ với các nước Đông Á và vành đai Thái Bình Dương.

Mạnh Tiến, Bộ Thông tin và Truyền thông