Tin tức

Năm 2020 đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, khi một loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đi vào thực thi và ký kết. Đây sẽ là bệ phóng giúp doanh nghiệp (DN) trong nước vươn ra “biển lớn” và là động lực để kinh tế Việt Nam phục hồi sau đại dịch.

Năm của những hiệp định thương mại tự do

Gia nhập ASEAN từ năm 1995, Việt Nam đã chính thức mở cửa hội nhập và bắt đầu tham gia các FTA. Đến nay, Việt Nam đã có 13 FTA có hiệu lực; 1 FTA chưa phê chuẩn, sắp có hiệu lực; 1 FTA sắp ký và 2 FTA đang đàm phán. Trong đó năm 2020, đã tạo bước ngoặt cho tiến trình hội nhập Việt Nam nhờ một loạt các FTA có hiệu lực và được ký kết. Điển hình trong số đó là EVFTA, có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Hay Hiệp định RCEP được ký kết sau 8 năm đàm phán với “đầy mồ hôi và nước mắt” và một FTA Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) cũng đã hoàn tất đàm phán vào tháng cuối cùng của năm (11/12/2020) trên cơ sở kế thừa EVFTA, với những điều chỉnh phù hợp, đảm bảo thực hiện các cam kết tự do hóa thương mại được thông suốt.

FTA - thách thức và kỳ vọng

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá, với sự kiên định trong chính sách hội nhập kinh tế quốc tế, từ quốc gia đi sau trong tiến trình hội nhập, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đi đầu, là nước đang phát triển đầu tiên trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có FTA với EU; cùng với Singapore là nhóm nước đầu tiên trong ASEAN phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

“Đặc biệt, cùng với CPTPP, RCEP đã khẳng định tiếng nói của Việt Nam vào việc định hình cho các cơ chế hợp tác mới, cũng như luật chơi của khu vực, tăng cường vị thế của đất nước” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Có thể nói, việc ký kết và tham gia các FTA đã mở ra thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam rộng lớn chưa từng thấy. Theo đó, kim ngạch xuất nhập khẩu sang các nước đối tác tăng, củng cố thị trường truyền thống, khơi thông nhiều thị trường tiềm năng trên cơ sở thúc đẩy quan hệ với các đối tác chiến lược kinh tế quan trọng, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các DN trong nước. Riêng với EVFTA, sau 4 tháng thực thi xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang EU đã tăng 4%, nhập khẩu tăng trên 11%. Đặc biệt, một số nhóm hàng Việt Nam đã vận dụng tốt các ưu đãi như: Thủy-hải sản, đồ nhựa, giày dép… Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho biết, suốt 7 tháng đầu năm 2020, XK thủy sản giảm liên tục 2 con số từ 17-26%. Tuy nhiên, đến tháng 8, kim ngạch XK thủy sản sang EU bắt đầu tăng 1%, tháng 9 tăng 19%, tháng 10 tăng 20%, tháng 11 tăng 30%, tháng 12 dự tính tăng 15%.

Hay với “siêu” Hiệp định RCEP, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, việc thực thi RCEP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 0,4% đến năm 2030 nếu xét lợi ích trực tiếp, có thể lên đến 1% lợi ích gián tiếp từ cải cách thể chế. Còn Hiệp định UKVFTA dự kiến được ký kết năm 2021, với những cam kết mở cửa thị trường hàng hóa tương đương EVFTA cộng với việc có thêm hạn ngạch đối với những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh cao như: Nông-thủy sản sẽ giúp cho các DN Việt Nam có thêm cơ hội thúc đẩy XK hàng hóa vào thị trường Vương quốc Anh.

Triển vọng phục hồi từ các FTA

Năm 2020 là năm thách thức “có một không hai” đối với nền kinh tế thế giới và Việt Nam, khiến cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN bị tác động mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với việc tham gia và thực hiện các FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP) là điều kiện để Việt Nam có thể mở rộng thị trường XK, thu hút đầu tư công nghệ và cải thiện môi trường kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2021 và giai đoạn tới.

Bà Nguyễn Thị Thanh - Chi hội trưởng Chi hội Doanh nhân quốc tế Việt Âu - cho hay, các FTA đang là cơ hội cho DN Việt Nam chuyển mình vươn ra thế giới, giúp nền kinh tế Việt Nam gần hơn với thế giới.

Chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - CEO Công ty TNHH HP Toàn cầu - bày tỏ kỳ vọng vào các FTA Việt Nam đã ký kết. “Cùng với hỗ trợ của Chính phủ, DN chúng tôi đặt kỳ vọng lớn từ các FTA, bởi qua quan sát các FTA mà Việt Nam vừa ký trong năm 2020, mới nhất là RCEP có nghĩa Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia hội nhập sâu nhất về kinh tế trên toàn cầu”.

Có dấu hiệu phục hồi vào cuối năm 2020, ngành da giày Việt Nam lạc quan cho rằng, XK sẽ lấy lại đà tăng trưởng trong dài hạn khi các FTA được ký kết. Bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam - nhận định, các FTA đang mở lối cho nhiều mặt hàng của Việt Nam tiếp cận thị trường, trong đó có da giày. Đến nay, ngoài Hoa Kỳ, Anh là thị trường nhập khẩu lớn giày dép từ Việt Nam.

“Có thể nói, cánh cửa XK đối với ngành da giày rất lớn, trước mắt thì dư địa tăng trưởng XK vẫn còn hơn 20 năm, vì trước khi có thêm các FTA lớn, ngành da giày Việt Nam XK chỉ sau Trung Quốc” - bà Phan Thị Thanh Xuân nói.

Tuy nhiên đi kèm với cơ hội còn là thách thức rất lớn từ các FTA, buộc DN trong nước phải đối diện. Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, đối với ngành XK đến 90% như da giày thì các FTA là cơ hội lớn. Nhưng cơ hội không chỉ đến từ các hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, mà DN Việt Nam phải đối diện những ràng buộc từ hàng rào phi thuế quan cực kỳ khắt khe trong các cam kết FTA. Đó là phải thực hiện các tiêu chuẩn về lao động, tiêu chuẩn về môi trường. Các thị trường XK sẽ không đánh thuế vào những thuế quan rỡ bỏ mà vào vi phạm của các cam kết. Vì vậy, muốn trụ vững trong sân chơi kinh tế toàn cầu, DN trong nước phải có sự cải thiện về nội lực, gia tăng đầu tư về nguồn nhân lực, công nghệ sản xuất để đảm bảo các cam kết.

Thực thi các FTA đã góp phần thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng hơn 300%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350%.
Tuyết Minh, Văn phòng BCĐLNKT