Tin tức

Từ chỗ không mấy phổ biến ở thị trường Bắc Âu, đến nay, một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam như gạo, thủy sản đã hiện diện rõ hơn ở các siêu thị, hệ thống phân phối của khu vực này. Giữa cơn bão Covid-19, các hoạt động giao thương được thực hiện phù hợp đã giúp tạo “mạch nối” vững chắc cho hàng Việt sang thị trường Bắc Âu.

Hiệu quả từ các hoạt động giao thương trực tuyến

Mùa đông của Thuỵ Điển bắt đầu từ cuối tháng 12 năm trước đến gần cuối tháng 3 năm sau. Đây còn được gọi là “Mùa tự kỷ” khi ngày chỉ lờ mờ sáng từ khoảng 9-14h, còn lại tối đen như mực. Thậm chí, khu vực phía Bắc chỉ nhìn thấy mặt trời lần cuối trong mùa đông năm nay từ ngày 2/12, khi mùa đông chưa bắt đầu.

Không khí ẩm ướt cùng khung cảnh trắng tinh bông tuyết không khiến cho không khí tại phòng làm việc của Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm khu vực Bắc Âu) ảm đạm. Mang kinh nghiệm nhiều năm với nhiều thành tựu làm xúc tiến thương mại từ thị trường Australia sang thị trường Bắc Âu, trong ánh đèn vàng dịu ấm áp những ngày cuối năm, bà Nguyễn Hoàng Thúy, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển vui vẻ chia sẻ, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với 6 nước khu vực Bắc Âu năm nay duy trì tương đương với kết quả của năm ngoái. Đây là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp tại khu vực Bắc Âu.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy trong một sự kiện giao thương trực tuyến
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy trong một sự kiện giao thương trực tuyến

Ngược thời gian về những ngày đầu năm, dịch Covid-19 bùng phát và nhanh chóng lan rộng đã khiến nền kinh tế thế giới gần như bị “đóng băng”. Riêng tại khu vực Bắc Âu, tất cả các quốc gia đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Mặc dù phản ứng khác nhau, song tất cả các nước đều phải hứng chịu một cú sốc nghiêm trọng trong nửa đầu năm và đang phải đối mặt với sự không chắc chắn trong ngắn hạn. Nền kinh tế phải gánh chịu sự sụt giảm mạnh về xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư dẫn đến sụt giảm GDP ở mức gần như lớn nhất trong lịch sử của các nước này, ở mức -4,5 đến -9,1% trong quý I và quý II. Dự báo cả năm 2020, GDP ​​sẽ giảm từ -3,1 đến -7,6% so với năm 2019.

Tháo gỡ phần nào khó khăn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là tạo đà để tận dụng hiệu quả EVFTA ngay từ giai đoạn đầu triển khai, công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường và hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh đã được Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Bắc Âu đặc biệt ưu tiên. “Do tình hình bệnh dịch diễn biến phức tạp, các nước đóng cửa biên giới, các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống khó triển khai, Thương vụ đã xây dựng các công cụ hỗ trợ xúc tiến thương mại trực tuyến”, bà Nguyễn Hoàng Thúy nêu rõ.

Bài 1: Mở cánh cửa cho hàng Việt sang thị trường Bắc Âu
Catalogue giới thiệu về mặt hàng thế mạnh của Việt Nam

Ví dụ, chỉ trong năm 2020, Thương vụ đã xây dựng 2 website tiếng Anh (cho doanh nghiệp Bắc Âu), tiếng Việt (cho doanh nghiệp Việt Nam), facebook với hơn 10.000 người theo dõi, xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến hơn 3.000 doanh nghiệp Bắc Âu theo ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, xuất bản 7 cuốn sách điện tử tiếng Việt về thị trường các nước Bắc Âu, 2 cuốn sách điện tử tiếng Anh về mặt hàng rau quả và thủy sản của Việt Nam và 10 ấn phẩm truyền thông khác bằng tiếng Anh nhằm quảng bá cho hàng hóa Việt Nam và cơ hội cho các nhà nhập khẩu khu vực Bắc Âu khi EVFTA có hiệu lực. Thương vụ cũng tích cực tham gia các hội thảo, hội chợ trực tuyến để cung cấp thông tin và kết nối giao thương cho các doanh nghiệp.

Các giải pháp này bước đầu mang lại hiệu quả tích cực trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm thêm khách hàng và hỗ trợ các doanh nghiệp Bắc Âu hiểu được lợi ích của Hiệp định EVFTA khi nhập khẩu hàng từ Việt Nam. Ví dụ, trước đây gạo Việt Nam hầu như vắng bóng tại các siêu thị Thụy Điển thì nay gạo Việt Nam đang bắt đầu thay thế một phần gạo Campuchia và Thái Lan để có mặt không chỉ trong các siêu thị hàng Á Châu mà trong cả các siêu thị Thụy Điển.

“Kim ngạch nhập khẩu gạo của Việt Nam đã tăng vọt, từ vài chục đến hơn 100.000 USD các năm trước đã lên hơn 1 triệu USD. Nguyên nhân chủ yếu do từ năm 2019-2021, gạo Campuchia bị đánh thuế tạm thời và từ Quý IV/2019 đến nay, Thương vụ đã tích cực xúc tiến thương mại mặt hàng gạo, tuyên truyền và vận động doanh nghiệp chuẩn bị đón đầu Hiệp định EVFTA”, bà Thúy vui mừng chia sẻ.

Nhờ đó, dù khó khăn do dịch bệnh, song điều đáng mừng là kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này trong năm 2020 đạt gần 2 tỷ USD, tăng 0,5% so với năm 2019.

Xây "cầu nối" cho hàng Việt Nam

Khó khăn do dịch bệnh dự kiến vẫn chưa thể kết thúc, và những giải pháp xúc tiến thương mại sẽ cần những biện pháp vừa hiệu quả, vừa đảm bảo an toàn phòng dịch. Do vậy, trong năm 2021, Thương vụ sẽ triển khai nghiên cứu và áp dụng các hình thức xúc tiến thương mại online để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước. Việc nghiên cứu sâu thị trường để tìm ra các mặt hàng tiềm năng, các mặt hàng mới, các thị trường ngách cũng là một ưu tiên để hỗ trợ các doanh nghiệp tìm hướng đi đúng nhằm tăng trưởng xuất khẩu.

Xây dựng mạng lưới doanh nghiệp Bắc Âu thông qua trang website tiếng Anh của Thương vụ; xây dựng facebook tiếng Anh tương tác trực tiếp với các doanh nghiệp khu vực Bắc Âu; xuất bản bản tin tiếng Anh định kỳ hàng tháng. Đây là các kênh tương tác trực tiếp với các doanh nghiệp Bắc Âu tương tự kênh tương tác với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, sẽ hỗ trợ mở rộng mạng lưới doanh nghiệp trong khu vực để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu;

Bản tin thị trường Bắc Âu cung cấp thông tin giao thương đến doanh nghiệp hai bên
Bản tin thị trường Bắc Âu cung cấp thông tin giao thương đến doanh nghiệp hai bên

Ngoài ra, thương vụ cũng đang nghiên cứu xây dựng hệ thống catalogue điện tử, nghiên cứu khả năng xây dựng sàn giao dịch ảo để hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương.

“Ở thời điểm đầu nhiệm kỳ, tôi từng đi thăm ba doanh nghiệp đầu mối cung cấp thực phẩm Á Châu cho Thụy Điển và Đan Mạch. Mặc dù rất vui mừng trước thành công của doanh nghiệp kiều bào, nhưng tôi không tránh khỏi cảm giác hơi “chạnh lòng” khi thấy hàng Thái Lan lấn át hàng Việt Nam ngay tại các kho hàng do chính người Việt làm chủ”, bà Nguyễn Hoàng Thúy kể lại, đồng thời khẳng định, Hiệp định EVFTA có hiệu lực, 99,2% số dòng thuế được xóa bỏ sẽ tăng sự cạnh tranh về giá cho hàng Việt Nam tại thị trường EU nói chung và thị trường Thụy Điển nói riêng. Ngoài các giải pháp xúc tiến thương mại, Thương vụ cam kết sẽ là cầu nối, là cánh tay nối dài của doanh nghiệp trong khu vực về đến các địa phương để đảm bảo doanh nghiệp có thể nhập khẩu được hàng Việt Nam với chất lượng đảm bảo, phù hợp với các yêu cầu khắt khe của thị trường này, từ đó, tăng hiện diện của hàng Việt Nam tại Bắc Âu”, bà Nguyễn Hoàng Thúy bộc bạch.

Bích Ngọc, Văn phòng BCĐLNKT