Tin tức

Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) đã chính thức ký kết ngày 15/11/2020, đã mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa cơ hội từ RCEP, các chuyên gia cho rằng, ngoài điều kiện cần là các giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, bộ, ngành và các địa phương, sự chủ động và tích cực của doanh nghiệp mới là điều kiện đủ để hiện thực hóa các lợi ích và cơ hội mà các FTA mang lại.

Thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực

Tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “RCEP - Nhận diện cơ hội và thách thức” chiều ngày 22/12, ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - cho biết, trong bối cảnh của đại dịch Covid-19 bùng phát làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu cùng với xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên, việc ký kết Hiệp định RCEP đã đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam và ASEAN, mang lại các lợi ích cả trong ngắn hạn cũng như dài hạn.

Cần chiến lược “tấn công – phòng thủ” để hưởng tối đa ưu đãi từ RCEP

“Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và áp dụng một quy tắc xuất xứ chung giữa 15 nước, việc thiết lập Hiệp định này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia” - ông Lương Hoàng Thái nhấn mạnh.

Ngoài ra, Hiệp định RCEP sẽ tạo ra một thị trường xuất khẩu ổn định dài hạn cho Việt Nam. Đặc biệt, việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp. Cũng nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ trong Hiệp định RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan do nguồn cung nguyên liệu đầu vào chủ yếu đều nằm trong RCEP nhằm gia tăng khả năng xuất khẩu trong khu vực này, đặc biệt ở các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, New Zealand và Hàn Quốc.

Thủy sản là 1 trong những mặt hàng sẽ được hưởng lợi nhiều từ Hiệp định RCEP, bà Nguyễn Thị Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) – cho biết, đa số các nước trong khối RCEP được đánh giá là có nhu cầu nhập khẩu sản phẩm thủy sản tương đối cao. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có lợi thế về xuất khẩu thủy sản.

Theo Hiệp định, cam kết cắt giảm thuế quan của Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Australia và các nước ASEAN về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực và của Hàn Quốc sau lộ trình cam kết 10-15 năm đối với phần lớn mặt hàng thủy sản của Việt Nam. Điều này cũng mở ra cơ hội mới cho Việt Nam xuất khẩu mặt hàng có thế mạnh này vào thị trường các nước RCEP này một cách nhanh chóng hơn và thuận lợi hơn. Đồng thời, Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều thủy sản từ các thị trường RCEP để chế biến xuất khẩu, cụ thể: Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn thứ ba, sau Na Uy, Ấn Độ; Nhật Bản xếp thứ tư, Indonesia xếp thứ năm.

Ngoài ra, bà Trang cũng cho biết, Hiệp định RCEP cho phép các nước thành viên áp dụng nguyên tắc cộng gộp nguyên liệu có xuất xứ trong toàn khối. Đây được coi là một trong những điểm quan trọng nhất trong Quy tắc xuất xứ hàng hóa của Hiệp định RCEP. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam không những tận dụng nguồn nguyên liệu có xuất xứ từ các nước ASEAN mà còn có thể tận dụng nguyên liệu có xuất xứ từ các nước đối tác ASEAN như Australia, New Zealand, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Chẳng hạn, Việt Nam có thể nhập khẩu thủy sản từ Trung Quốc để chế biến, xuất khẩu sang Nhật Bản.

Tuy nhiên, theo các nghiên cứu, Hiệp định RCEP cũng mang lại sức ép cạnh tranh hàng hóa cho Việt Nam do nhiều đối tác trong RCEP có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam nhưng năng lực cạnh tranh, hàm lượng giá trị gia tăng cũng cao hơn so với khả năng hiện tại của Việt Nam.

Đặc biệt, Trung Quốc với lợi thế hàng hóa phong phú, giá rẻ cũng sẽ đặt ra những thách thức lớn đối với các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam. Vì vậy, ngay cả khi mặt hàng nông, thủy sản là thế mạnh của ta nhưng cũng chính là thách thức cạnh tranh trong khu vực RCEP này” - ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế - cho hay.

Cần chiến lược “tấn công – phòng thủ” để hưởng tối đa ưu đãi từ RCEP
Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên phát biểu tại tọa đàm

Cần có chiến lược “phòng thủ - tấn công”

Mặc dù có nhiều cơ hội, cũng như lợi thế của Việt Nam khi tham gia vào Hiệp định RCEP, nhưng theo ông Trịnh Minh Anh, không nên quá đặt sự chú ý vào việc lợi thế hay không lợi thế, vì thường các ngành chịu sự cạnh tranh sẽ có thêm động lực để phát triển, hoàn thiện tốt hơn.

“Tham gia vào bất kỳ FTA nào với những thành viên có trình độ kỹ thuật cao hơn sẽ là thách thức lớn nhất với các sản phẩm hàng hoá của Việt Nam, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi mình, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm” - ông Trịnh Minh Anh nhấn mạnh.

Cần chiến lược “tấn công – phòng thủ” để hưởng tối đa ưu đãi từ RCEP
Ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế - cho rằng, doanh nghiệp cần có chiến lược tấn công - phòng thủ để tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA

Vì vậy, để tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA, theo ông Trịnh Minh Anh, việc đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam cần làm là nghiên cứu kỹ cam kết của Hiệp định, nhất là các cam kết liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của mình. Có hai mảng chính chúng ta cần quan tâm: Một là, về mặt xuất khẩu hàng hóa đi, chúng ta cần quan tâm đến lộ trình cắt giảm và xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa của Việt Nam và của các nước tham gia Hiệp định, quy tắc xuất xứ của Hiệp định, các quy định về vệ sinh kiểm dịch, rào cản kỹ thuật. Hai là, chúng ta cần xem việc cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, các quy định về thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại.

Để khai thác hiệu quả Hiệp định này, ông Trịnh Minh Anh khuyến nghị, doanh nghiệp phải có hai chiến lược. Về ngắn hạn, các doanh nghiệp phải chuẩn bị cho mình chiến lược phòng thủ. Theo đó, doanh nghiệp cần củng cố thị trường trong nước, nâng cao chất lượng mặt hàng, nhận diện thương hiệu của mình chuẩn xác. Với chiến lược tấn công, doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch mở cửa thị trường, thậm chí thị trường quen với mặt hàng có lợi thế. Đồng chủ động nắm bắt và chuẩn bị trước các tác động bất lợi mà Hiệp định RCEP gây ra, nhất là việc gia tăng cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, quan hệ giữa các nền kinh tế trong RCEP có thể ảnh hưởng đến chuỗi giá trị, “câu chuyện thách thức liên quan đến chuỗi hàng hóa trong khu vực có thể chuyển thành cơ hội, nếu chúng ta đón được nhà đầu tư phù hợp và nâng cao chất lượng hàng Việt Nam để có thể tiếp cận thị trường lớn hơn ở khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản”, ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - nhấn mạnh.

Thu Phương: Báo Công Thương