Tin tức

Đại dịch Covid-19 đã làm bộc lộ một số hạn chế của các chính phủ và quy định trong việc ứng phó với các vấn đề chính sách, y tế, xã hội và kinh tế. Nhiều chuyên gia cho rằng, các quốc gia cần hợp tác quốc tế về quy định, từ đó rà soát lại các chính sách được ban hành trong giai đoạn khủng hoảng.

Tăng cường hợp tác, nâng cao hiệu quả chính sách

Trong khuôn khổ năm Việt Nam đảm nhận Chủ tịch ASEAN 2020, chiều ngày 1/12, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Cải cách các hệ thống quy định để sẵn sàng ứng phó với các cuộc khủng hoảng tương lai”.

Đây là phiên họp cuối trong Chương trình nghị sự Hội nghị Mạng lưới thực hành quy định tốt của ASEAN - OECD lần thứ 6 năm 2020 do Việt Nam thực hiện với tư cách là Nước chủ nhà ASEAN 2020.

Hợp tác quốc tế về quy định để ứng phó khủng hoảng trong tương lai
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo

Trong Phiên họp thứ 1 (tổ chức tháng 8/2020), các đại biểu đã chia sẻ và thảo luận về các kinh nghiệm của các nước thành viên OECD, ASEAN trong cải cách quy định nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Trong Phiên họp thứ 2 (tháng 10/2020), các đại biểu đã chia sẻ và thảo luận kinh nghiệm của các nước thành viên OECD, ASEAN trong việc sử dụng các công cụ số để xây dựng và thực hiện các quy định tốt hơn để vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước, vừa phòng chống dịch Covid-19. Tại phiên họp trực tuyến lần thứ 3 này, các đại biểu sẽ chia sẻ và thảo luận về định hướng cải cách để chuẩn bị tốt hơn cho các cuộc khủng hoảng tương lai.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, đây là một chủ đề quan trọng cả trong ngắn hạn và dài hạn. Những kinh nghiệm hay và sáng kiến tốt sẽ giúp các thành viên trong Mạng lưới thực hành quy định tốt vừa xây dựng được các chính sách tốt, vừa hợp tác chặt chẽ hơn để cùng nhau nâng cao khả năng chống chịu với khủng hoảng của từng nước và cả Mạng lưới thực hành quy định tốt hơn OECD-ASEAN.

Với việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc giai đoạn 2020-2021, Việt Nam cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực để cùng nhau giải quyết những thách thức chung, như việc phối hợp khắc phục dịch bệnh Covid-19 vừa qua” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Chia sẻ về việc cải tiến quy định, nhằm hỗ trợ hồi phục sau đại dịch Covid-19, ông Nick Malayshev - Trưởng bộ phận Chính sách quy định OECD - cho biết, OECD đã đưa ra hướng dẫn với hơn 100 văn bản chính sách để giúp các quốc gia thành viên ứng phó đại dịch Covid-19 và phát triển kinh tế. Các biện pháp này có thể quản lý rủi ro trên phạm vi rộng hơn, khuyến khích chia sẻ công việc và tập trung nguồn lực.

Tuy nhiên, theo ông Nick Malayshev, hiện nay, hợp tác Chính phủ chưa được như mong đợi. Mặc dù đã có nhiều bài học chia sẻ thông tin, nhưng chưa có biện pháp công nhận hai chiều lẫn nhau, vẫn còn nhiều rào cản du lịch, nhập cảnh. Vì vậy, cần có hợp tác toàn cầu về quy định để ứng phó với đại dịch Covid-19.

Đồng quan điểm, bà Julie Nind - Cố vấn trưởng về thương mại và quốc tế, Ban Khoa học, Đổi mới sáng tạo và Quốc tế, Bộ Đổi mới, Kinh doanh và Việc làm, New Zealand - cho rằng: hợp tác quốc tế về quy định có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19. Các quốc gia hợp tác với nhau, một cách chính thức và phi chính thức, để trao đổi, thiết kế, triển khai hoặc thực thi quy định. Nhờ hợp tác quốc tế về quy định, chúng ta có thể hạ thấp rào cản thương mại và đầu tư (cắt giảm chi phí tuân thủ quy định tại nhiều thị trường; hỗ trợ sự tham gia ở mức độ cao hơn vào chuỗi giá trị/mạng lưới sản xuất toàn cầu); nâng cao hiệu quả của chính sách và quy định; nâng cao năng lực và khả năng quy định, xây dựng lòng tin và niềm tin.

Trong thiết kế và thực thi quy định, cần bảo đảm sự nhất quán giữa các quốc gia và chỉ có hợp tác chúng ta mới tạo ra được sự nhất quán đó”- bà Julie Nind nhấn mạnh.

Hợp tác quốc tế về quy định để ứng phó khủng hoảng trong tương lai
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh tại hội thảo

Những bài học kinh nghiệm

Thực tế, đã có một số câu chuyện thành công nổi bật và bài học kinh nghiệm tại các quốc gia thành viên ASEAN về quy định tốt hơn trong khủng hoảng Covid-19. Bà Intan Mumira Ramli - chuyên gia Chính sách, phòng Thiết kế chính sách, Viện Nghiên cứu kinh tế khu vực ASEAN và Đông Á - cho rằng, ASEAN đã nỗ lực đảm bảo sự hài hòa về quy định của ASEAN bằng cách áp dụng các nguyên tắc chính của thực hành quy định tốt vào Chương trình Hội nhập Kinh tế ASEAN nhằm xem xét các quy định, biện pháp, sáng kiến hiện tại và trong tương lai của từng quốc gia và khu vực. Tạo thuận lợi cho các quy trình trong nước, bao gồm cả việc phê chuẩn kịp thời các thỏa thuận và quy định khu vực.

Đơn cử như: Hội đồng vì doanh nghiệp của Singapore đã đưa thực hành quy định tốt vào toàn bộ hệ thống quản lý; đổi mới tư duy của cơ quan quản lý và cán bộ nhà nước. Hay là Đề án 30 của Việt Nam về cải cách thủ tục hành chính như đơn giản hóa ít nhất 30% số thủ tục hành chính và hạ thấp ít nhất 30% chi phí hành chính ; tiêu chuẩn hóa 11.000 thủ tục hành chính ở cấp xã vào 63 nhóm thủ tục minh bạch và nhất quán hơn ; cắt giảm rất nhiều chi phí,…

Nêu bài học từ Việt Nam, TS. Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ - chia sẻ, trong cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19, Việt Nam đã nổi lên như một điểm sáng về việc phòng chống dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế. Trong đó, cải cách quy định tại Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Theo ông Ngô Hải Phan, Việt Nam đã nhận thức đầy đủ rủi ro và quyết tâm chính trị là nền tảng cho quản lý tốt hơn trong khủng hoảng. Từ đó, Chính phủ Việt Nam đã phối hợp đa ngành giúp ứng phó đại dịch hiệu quả; thúc đẩy hợp tác chính phủ và xã hội tạo ra nhiều giải pháp tốt; liên tục đối thoại chính phủ và doanh nghiệp để xác định vấn đề và tìm ra giải pháp; cải cách quy định, ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công; tăng cường hợp tác quốc tế giúp nâng cao năng lực nội tại.

Covid-19 đã đòi hỏi và tạo điều kiện cho cải cách quy định và chính phủ điện tử và một hạ tầng công nghệ thông tin tốt là tiền đề quan trọng cho phòng chống dịch và cải cách quy định” - ông Ngô Hải Phan nhấn mạnh.

Cũng tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung vào nghiên cứu cách thức quy định tốt hơn có thể hỗ trợ phục hồi Covid-19 và những giải pháp nào tồn tại để giúp chuẩn bị cho các cuộc khủng hoảng trong tương lai…

Phát biểu bế mạc hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, qua ba phiên họp của hội nghị, các đại biểu đã thảo luận nhiều nội dung hữu ích, từ cải cách quy định, cắt giảm gánh nặng quy định đến ứng dụng công cụ số để vừa chống dịch Covid-19 vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Hội nghị cũng trao đổi nhiều ý tưởng, sáng kiến cải cách quy định và hợp tác để chuẩn bị ứng phó với các cuộc khủng hoảng có thể diễn ra trong tương lai.

Mong muốn hợp tác giữa Việt Nam với Vương quốc Anh và Bắc Ireland, các quốc gia OECD trong cải cách quy định sẽ có những bước phát triển vượt bậc, để Việt Nam có thể thực hiện thành công các chương trình cải cách trong những năm tiếp theo; trong đó có Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh giai đoạn 2020-2025” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng bày tỏ.

Mạnh Tiến, Bộ Thông tin và Truyền Thông