Tin tức

Việc tuân thủ hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS) sẽ có tác động lớn đến ngành cao su, đặc biệt là giúp ngành cao su hướng đến xuất khẩu bền vững trong tình hình mới.

Đây là nhận định chung của các nhà quản lý, chuyên gia trong Hội thảo khởi động Dự án “Thúc đẩy sự tuân thủ hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp trong ngành cao su Việt Nam”, diễn ra chiều ngày 11/11, tại TP. Hồ Chí Minh.

Thúc đẩy gỗ hợp pháp trong ngành cao su hướng đến xuất khẩu bền vững
Ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam - phát biểu tại hội thảo

Tiềm năng xuất khẩu lớn

Dự án Hệ thống VNTLAS được thực hiện với sự hỗ trợ của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), Tổng cục Lâm nghiệp nhằm mục tiêu hỗ trợ các hộ tiểu điền và doanh nghiệp ngành cao su nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu VNTLAS trong chuỗi cung ứng quy mô nhỏ.

Từ lâu gỗ cao su đã trở thành nguồn cung nguyên liệu quan trọng cho ngành gỗ Việt Nam. Cùng với mủ cao su, gỗ cao su đã trở thành một trong 2 sản phẩm chính từ cây cao su, với kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt hơn 2,38 tỷ USD, chiếm 33,9% trong tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành cao su và đóng góp 22,4% trong tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam.

Sản phẩm gỗ cao su tiếp tục chiếm tỷ trọng cao hơn nguyên liệu gỗ cao su trong xuất khẩu, đạt 1,83 tỷ USD, chiếm 76,9%, tăng 10,6% và nguyên liệu gỗ cao su đạt 551,21 triệu USD, chiếm 23,1%, tăng 10,1% so với năm trước. Gỗ và sản phẩm gỗ cao su đã được xuất khẩu tới trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện gỗ và sản phẩm gỗ cao su đã được xuất khẩu tới trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thúc đẩy gỗ hợp pháp trong ngành cao su hướng đến xuất khẩu bền vững
Hội thảo thu hút sự quan tâm của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các hội tiểu điền tham dự

Ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) - cho biết, VRA xây dựng dự án này trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết Hệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) với Liên minh châu Âu (EU).

Theo đó, Việt Nam cam kết tất cả gỗ khai thác, nhập khẩu, vận chuyển, chế biến, mua bán và xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường EU đều được sản xuất hợp pháp, qua đó góp phần thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ tuân thủ quy định pháp luật của quốc gia và quốc tế, đóng góp vào quản lý rừng bền vững.

Hiện nay, diện tích rừng trồng cao su của Việt Nam đạt hơn 941 ngàn ha, trong đó có gần 480 ngàn ha từ các hộ tiểu điền, chiếm 51% tổng diện tích cao su cả nước. Đáng chú ý, tổng sản lượng gỗ cao su hiện tại được sản xuất do các hộ gia đình chiếm gần 40% tổng sản lượng cả nước phục vụ cho cả thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên hầu hết giao dịch giữa các hộ tiểu điền và thương lái được thực hiện bằng lời nói hoặc không chính thức. Do đó, việc cung cấp tài liệu chứng minh nguồn gốc hợp pháp của gỗ sẽ gặp không ít khó khăn, đặc biệt là đối với diện tích cao su trồng trên đất rừng chuyển đổi.

Thúc đẩy gỗ hợp pháp trong ngành cao su hướng đến xuất khẩu bền vững

Thúc đẩy gỗ hợp pháp trong ngành cao su hướng đến xuất khẩu bền vững

VNTLAS thúc đẩy xuất khẩu gỗ cao su bền vững

Xuất phát từ yêu cầu thúc đẩy tuân thủ VNTLAS đối với cao su tiểu điền, Dự án VNTLAS được triển khai góp phần thúc đẩy thương mại các sản phẩm gỗ hợp pháp và đóng góp vào quản lý rừng bền vững.

Bà Phan Trần Hồng Vân - Quản lý dự án "Thúc đẩy sự tuân thủ VNTLAS trong ngành cao su Việt Nam" - cho hay, dự án này sẽ được triển khai thí điểm tại 2 tỉnh Bình Dương và Tây Ninh từ tháng 7/2020 - 7/2021. Dự án có sự tham gia hỗ trợ của các chuyên gia cao su và lâm nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm nhằm đánh giá tổng quan về ngành gỗ cao su Việt Nam, đến xác định các thách thức, khó khăn trong việc tuân thủ Hệ thống VNTLAS…

Tại hội thảo, các chuyên gia, diễn giả đã trao đổi và đóng góp nhiều ý kiến về những vấn đề liên quan đến Dự án VRA, chuỗi cung ứng gỗ cao su và Hệ thống VNTLAS. Đồng thời, thảo luận các vướng mắc trong quá trình thực hiện VNTLAS, thực trạng áp dụng VNTLAS từ một số cây trồng khác và bài học kinh nghiệm cho ngành cao su…

Thúc đẩy gỗ hợp pháp trong ngành cao su hướng đến xuất khẩu bền vững

Chuyên gia lâm nghiệp chia sẻ bài học kinh nghiệm cho ngành cao su trong việc triển khai Hệ thống VNTLAS

Các chuyên gia cho rằng, Hiệp định VPA/FLEGT được xem là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước không có VPA đầy đủ, bên cạnh những ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA được thực thi từ đầu tháng 8/2020. Hệ thống VNTLAS chính là cốt lõi của Hiệp định VPA/FLEGT và được đánh giá sẽ có tác động không nhỏ đến hoại động của chuỗi cung ngành gỗ Việt Nam, trong đó có gỗ từ các diện tích trồng cao su.

TS. Trần Thị Thúy Hoa - Chuyên gia kỹ thuật cho rằng, tuân thủ VNTLAS sẽ tạo điều kiện cho gỗ cao su Việt Nam sản xuất và xuất khẩu hợp pháp vào châu Âu, góp phần thúc đẩy thương mại gỗ cao su vào các thị trường khác có nhu cầu về gỗ hợp pháp theo xu hướng của thế giới và yêu cầu của xã hội. Do đó, cần nâng cao năng lực tuân thủ VNTLAS cho ngành cao su và cần ưu tiên hỗ trợ cho các hộ tiểu điền - nguồn đóng góp quan trọng vào 30% - 60% sản lượng gỗ cao su của Việt Nam, làm động lực cho toàn chuỗi cung gỗ cao su Việt Nam có tính hợp pháp và bền vững.

Trong khi đó, ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương - đánh giá, dự án là tiền đề quan trọng cho các hộ tiểu điền, doanh nghiệp trồng cây cao su tiếp cận, nắm bắt và tuân thủ các quy định Hệ thống VNTLAS về gỗ nói chung và gỗ cao su nói riêng khi xuất khẩu sang thị trường EU. Qua đó, góp phần thúc đẩy thương mại các sản phẩm gỗ hợp pháp khi hướng đến xuất khẩu bền vững.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Diện - Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp - cũng cho rằng, việc thúc đẩy sự tuân thủ VNTLAS cũng như thực thi Hiệp định VPA/FLEGT không chỉ đảm bảo tất cả sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam sang EU là hợp pháp mà còn giúp nâng cao tiêu chuẩn của ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam và thúc đẩy chuỗi cung ứng hợp pháp trong thương mại gỗ quốc tế.

Tháng 9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2020/NĐ-CP về việc quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) và có hiệu lực từ ngày 30/10/2020. Hệ thống VNTLAS được xây dựng dựa trên các qui định pháp luật liên quan đến từng giai đoạn của toàn bộ chuỗi cung ứng gỗ, bao gồm khai thác, nhập khẩu, vận chuyển, chế biến, mua bán và xuất khẩu.

Ngô Nam, Văn phòng SPS