Tin tức

Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/11, cán cân thương mại hàng hóa vẫn thặng dư lớn với con số xuất siêu 19,42 tỷ USD dù nửa đầu tháng 11 cả nước thâm hụt nhẹ.

Xuất siêu có điều đáng mừng là giúp tăng dự trữ ngoại hối, là động lực giúp doanh nghiệp gia tăng sản xuất.

Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 11/2020 (1-15/11) đạt 23,15 tỷ USD, giảm 13,8% (tương ứng giảm 3,71 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 10/2020.

1836-dsc-0131-copy
Xuất siêu trên 19 tỷ USD trong nửa đầu năm

Kết quả trong nửa đầu tháng 11 đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa đến hết ngày 15/11 đạt 463,11 tỷ USD, tăng 2,7%, tương ứng tăng 12,32 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2019.

Về xuất khẩu, kỳ 1 tháng 11 đạt 11,54 tỷ USD, giảm 20,5% (tương ứng giảm 2,97 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 10/2020. Hết 15/11, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 241,26 tỷ USD, tăng 4,9% tương ứng tăng 11,25 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2019.

Ở chiều nhập khẩu, tổng trị giá trong kỳ 1 tháng 11 đạt 11,61 tỷ USD, giảm 6% (tương ứng giảm 740 triệu USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 10/2020. Hết 15/11, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 221,85 tỷ USD, tăng nhẹ 0,5% (tương ứng tăng 1,07 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2019.

Mặc dù suy giảm trong nửa đầu tháng 11, song tính chung từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì đà tăng, trong đó xuất siêu là điểm sáng. Trước đó, trong 10 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa đã xuất siêu kỷ lục 18,72 tỷ USD. Con số xuất siêu này đã vượt qua cả con số xuất siêu 9,9 tỷ USD của cả năm 2019. Trong khi đó, con số xuất siêu 9,9 tỷ USD của năm 2019 đã là mức cao nhất trong 4 năm liên tiếp xuất siêu của Việt Nam.

Bộ Công Thương dự báo, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam thời gian cuối năm sẽ tăng trưởng khả quan hơn so với trước đó sau khi nhiều nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và bắt đầu đẩy nhanh quá trình phục hồi, mở cửa.

Bên cạnh đó, xuất khẩu các tháng cuối năm có thể hy vọng từ việc thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) từ ngày 1/8. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tại châu Âu, Hiệp định EVFTA đã được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn từ việc giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường này.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, để tiếp tục tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và có các biện pháp quyết liệt hơn nữa trong khai thác, tiếp cận các thị trường trọng điểm, duy trì và mở rộng, không để giảm thị phần, mất thị trường XK, nhất là đối với các mặt hàng XK chủ lực; tập trung rà soát thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu nhằm thúc đẩy XK, tạo thuận lợi và hỗ trợ hiệu quả cho các DN.

Thành Long, Văn phòng BCĐ