Tin tức

Theo Tổ chức nông lương Liên hiệp quốc (FAO), mặc dù sản lượng nông nghiệp, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản tại khu vực châu Phi hạ Sahara sẽ tăng thêm 21% trong 10 năm tới, song châu Phi vẫn phụ thuộc ngày càng nhiều vào nhập khẩu thực phẩm. Thâm hụt thương mại đối với các mặt hàng thực phẩm chính (ngũ cốc, thịt, đường và dầu ăn) sẽ tăng từ 18 tỷ USD lên 31 tỷ USD vào năm 2029.

Tuy nhiên, Hiệp định khu vực thương mại tự do lục địa châu Phi ký năm 2019 (dự kiến thực thi tháng 1/2021) sẽ góp phần cải thiện trao đổi nội khối nhờ việc giảm mạnh thuế quan, đặc biệt là đối với giao thương hàng nông sản và thực phẩm có thể tăng từ 20 đến 35%. Lợi nhuận giữa các tiểu vùng sẽ đặc biệt lớn đối với các sản phẩm thịt, sữa và sản phẩm sữa, đường, đồ uống và thuốc lá, rau quả và hạt cũng như thóc và gạo chế biến.

4452-unnamed-23

Mặc dù vậy, vẫn tồn tại các rào cản cho sự lưu thông hàng hóa giữa các nước châu Phi về góc độ cơ sở hạ tầng, cửa khẩu hay các biện pháp phi thuế quan.

Năng suất tăng nhưng chưa đủ đáp ứng nhu cầu trong nước

Sự chênh lệch về năng suất giữa khu vực châu Phi hạ Sahara và phần còn lại của thế giới là khá lớn, trung bình trên hai lần mặc dù sản lượng về ngũ cốc sẽ tăng 16% giai đoạn 2020-2029 tại lục địa này, tương đương với tốc độ tăng trưởng trong thập kỷ qua. Nếu so sánh với các nước có nền nông nghiệp hàng đầu thì khoảng cách này càng lớn. Chẳng hạn, trong khi năng suất ngô vào năm 2029 tại châu Phi hạ Sahara sẽ là 2,7 tấn/ha thì tại Mỹ sẽ đạt gần 12 tấn/ha, năng suất gạo trung bình tại Úc đạt 12,4 tấn/ha còn tại châu Phi là 1,6 tấn/ha. Ngoài ra, châu Phi còn bị tác động bởi các yếu tố như thiếu nước tưới, hạn hán và nạn châu chấu phá hoại mùa màng.

Tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam sang châu Phi năm 2019

Theo số liệu của Thương vụ Việt Nam tại Algeria, châu Phi là một thị trường có nhu cầu tiêu thụ gạo cao, đặc biệt là khu vực Tây Phi do sản xuất lúa không đủ, nhất là những năm xảy ra tình trạng thiên tai, mất mùa, bất ổn chính trị hay dịch bệnh. Trung bình mỗi năm, lục địa này nhập khẩu từ 12 đến 13 triệu tấn gạo các loại. Năm 2019, Việt Nam đã xuất khẩu gạo sang 35 trên tổng số 55 quốc gia châu Phi với kim ngạch gần 630 triệu USD, trong đó các nước nhập khẩu nhiều nhất là Cote d'Ivoire, Ghana, Senegal, Mozambique, Cameroon, Gabon, Tanzania, Ai Cập... Các quốc gia cung cấp gạo chính cho khu vực này chủ yếu nằm ở châu Á như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Việt Nam …

Chủng loại gạo xuất khẩu vào thị trường châu Phi rất đa dạng và người dân nơi đây có nhu cầu tiêu thụ gạo chất lượng cao ngày càng tăng. Các thị trường như Nigeria, Nam Phi nhập khẩu nhiều gạo đồ, Senegal tiêu thụ gạo tấm tỷ lệ cao, còn Bờ Biển Ngà (Cote d’Ivoire) và Ghana ưa chuộng gạo jasmine và gạo thơm. Một số tập đoàn nhập khẩu còn mong muốn mua gạo có bổ sung vi chất, vitamin trong quá trình chế biến.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, nạn châu chấu bùng phát tại Đông Phi, đại dịch Covid-19, tăng trưởng dân số cao và giá gạo quốc tế cạnh tranh là những nguyên nhân dẫn đến việc chính phủ, người dân châu Phi tăng cường tích trữ lương thực, thực phẩm trong đó có gạo. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, nhu cầu gạo của toàn châu Phi năm 2020 ước khoảng 15,7 triệu tấn.

Ngô Nam, Văn phòng SPS