Tin tức

Trong bối cảnh các công ty đa quốc gia đang lên kế hoạch tái thiết chuỗi cung ứng sau dịch Covid-19, Việt Nam nói riêng, ASEAN nói chung là những địa điểm được “để mắt” tới. Song, muốn bứt phá và nắm bắt cơ hội “vàng” này, cần có giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, đón đầu xu thế dịch chuyển của chuỗi cung ứng. Ông Nguyễn Sơn - Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế - trao đổi vấn đề này với phóng viên Báo Công Thương.

Xin ông cho biết đánh giá về vai trò của ASEAN đối với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam?

5918-nguyen-son

Sau 25 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam từ một nền kinh tế chậm phát triển, với thu nhập đầu người chưa đến 300 USD năm 1995, đến nay, đã gia nhập nhóm nước đang phát triển với mức thu nhập 3.000 USD/người. Việt Nam không chỉ được nhìn nhận là quốc gia có vị thế cao trong ASEAN mà còn là nền kinh tế lớn của ASEAN về quy mô cũng như mức độ hội nhập toàn cầu.

Có thể khẳng định, ASEAN là bước hội nhập đầu tiên để Việt Nam đi vào kinh tế thế giới. ASEAN còn là hiệp định thương mại tự do (FTA) đầu tiên Việt Nam tham gia. Trong khuôn khổ cùng với ASEAN, Việt Nam đã đàm phán các FTA đầu tiên với những nước đối tác hàng đầu Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ. Sắp tới đây, thúc đẩy ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - được kỳ vọng là FTA có quy mô lớn nhất thế giới. Ngoài ra, một trong những trụ cột quan trọng nhất của ASEAN phải kể đến Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Đây là bước phát triển rất quan trọng trong hợp tác của khu vực Đông Nam Á, trong đó, AEC đã đưa người dân khu vực tiếp cận các khái niệm rất mới, như: Khu vực kinh tế ASEAN, lao động ASEAN, công dân ASEAN. Đồng thời, AEC cũng đem lại lợi ích lớn cho người dân, đó là cơ hội phát triển cho doanh nghiệp, nâng cao mức sống người dân và cải thiện vị thế của mỗi quốc gia trên toàn cầu.

Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến các chuỗi cung - cầu bị gián đoạn, nhiều cơ sở sản xuất phải đóng cửa, kinh doanh đình trệ. Theo ông, vai trò Chủ tịch Năm ASEAN 2020 của Việt Nam đã được thể hiện như thế nào trong việc gắn kết, tìm giải pháp ứng phó đại dịch?

Khi xây dựng chủ đề ASEAN “Gắn kết và chủ động thích ứng”, Việt Nam chưa hình dung ra các thách thức lớn khi dịch Covid-19 xuất hiện mà chủ yếu tính đến khả năng hợp tác của ASEAN đối phó với những cú sốc kinh tế, thương mại trên thế giới; tăng cường sự phối hợp giữa các nước ASEAN. Cụ thể, Việt Nam đưa ra những sáng kiến liên quan tới phát triển hạ tầng, hợp tác tài chính, năng lượng.

Dịch Covid-19 bùng phát, khiến việc thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam trở nên khó khăn. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn nỗ lực, khẳng định vai trò Chủ tịch ASEAN và được các nước đánh giá cao. Trong đó, Việt Nam đã có bước chuyển hướng nhanh về thực thi kế hoạch ban đầu sang đặt trọng tâm hợp tác ASEAN vào nhóm giải pháp cấp bách, phối hợp kiểm soát dịch bệnh và tìm giải pháp khắc phục chuỗi cung ứng của khu vực. Căn cứ vào thực tiễn, Việt Nam đã định hướng, đưa ra thảo luận cùng các thành viên ASEAN giải pháp thời gian tới là tập trung phát triển thương mại điện tử, tăng cường ứng dụng công nghệ số để hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ hồi phục, hội nhập vào chuỗi cung ứng mới hình thành sau đại dịch.

5939-trang-4
Nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng trong hội nhập

Nhiều ý kiến cho rằng, sau dịch Covid-19, sẽ chứng kiến sự hình thành trật tự thế giới mới về kinh tế. Vậy, theo ông, ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu?

AEC ra đời với quy mô thị trường 700 triệu dân, mức GDP xấp xỉ 3.000 tỷ USD là thị trường lớn, có khả năng cạnh tranh với những đối tác trong thu hút đầu tư FDI. Diễn biến thương mại toàn cầu gần đây, nhất là xung đột thương mại Mỹ - Trung và tác động của dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhanh hơn tiến trình hình thành chuỗi cung ứng mới. Đặc biệt, những phản ứng của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, đối phó với kiểm soát dịch bệnh đã tạo ra vị thế, uy tín, sức hấp dẫn về đầu tư của ASEAN. Hành động rõ rệt nhất là Chính phủ Nhật Bản tuyên bố hỗ trợ cho doanh nghiệp dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc. 15/30 doanh nghiệp đầu tiên được nhận hỗ trợ của Nhật Bản cam kết vào Việt Nam.

Đối với khu vực Đông Nam Á, cơ hội để tham gia tái thiết lập chuỗi cung ứng mới của toàn cầu là rất lớn. Chúng ta thường đề cập xu hướng dịch chuyển luồng đầu tư ra khỏi Trung Quốc để hình thành chuỗi giá trị mới, nhưng cần phải nhìn nhận vị trí của chúng ta trong chuỗi giá trị ấy như thế nào? Các doanh nghiệp dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc sẽ đi về đâu trong 10 nước ASEAN hay Ấn Độ, Bangladesh? Đây chính là thách thức mà các chính phủ cần quan tâm và có giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, thu hút xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng mới, tận dụng cơ hội phát triển.

Tuyết Minh, Văn phòng BCĐLNKT