Tin tức

Độ nhạy thị trường của doanh nghiệp miền Trung còn thấp, nhiều doanh nghiệp còn “mơ hồ” về Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), khả năng tìm hiểu, nắm bắt để đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ còn hạn chế. Doanh nghiệp miền Trung cần phải dành sự quan tâm và tham gia các lớp tập huấn chuyên sâu về quy tắc xuất xứ để có thể tận dụng được cơ hội từ EVFTA.

Ngày 9/10, tại TP. Đà Nẵng, Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tập huấn về Hiệp định EVFTA. Đại diện khoảng 100 doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu trên địa bàn miền Trung.

Đáp ứng quy tắc xuất xứ của EVFTA: Doanh nghiệp miền Trung còn nhiều hạn chế
Khoảng 100 doanh nghiệp xuất khẩu miền Trung tham dự hội nghị tập huấn về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA

Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã được tập huấn chuyên sâu về quy tắc xuất xứ hàng hóa và thủ tục chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong EVFTA. Trong đó, đi sâu vào các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của miền Trung gồm dệt may, giày da, thủy sản và đồ gỗ với các tiêu chuẩn về tỷ lệ DE MINIMIS – DMI (mức tỷ lệ không đáng kể nguyên vật liệu không đáp ứng tiêu chí chuyển đổi mã số HS của hàng hóa (CTC) – quy tắc không đáng kể), bộ hàng hóa, hàng hóa không thay đổi xuất xứ, chia nhỏ lô hàng tại nước thứ 3. Đặc biệt lưu ý đến quy tắc xuất xứ của lĩnh vực dệt may. Trong EVFTA, doanh nghiệp dệt may muốn được hưởng ưu đã cần đáp ứng quy tắc hai công đoạn (dệt, cắt may), một số phẩm được phép sử dụng vải mộc không xuất xứ và vải mộc phải trải qua công đoạn hoàn thiện, kèm theo điều kiện khác.

Thông tin tại hội nghị, ông Phan văn Chinh – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn xuất xứ có vị trí và vai trò quan trọng quyết định việc doanh nghiệp có thể hưởng các ưu đãi thuế quan để vào thị trường Châu Âu hay không. Theo ông Chinh, xuất xứ hàng hóa gần như là visa, hộ chiếu thông hành để sản phẩm Việt Nam tiếp cận thị trường Châu Âu. Tiêu chuẩn xuất xứ cũng tạo ra sự kích thích thu hút đầu tư. Với EVFTA, Việt Nam đang là điểm thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, vào Việt Nam để sản xuất tại Việt Nam đáp ứng tiêu chí ở Việt Nam để hưởng thuế suất ở Châu Âu. EVFTA cũng là cơ hội để doanh nghiệp tăng tỷ lệ nội địa trong sản phẩm. EU là thị trường lớn, cam kết trong EVFTA là cam kết sâu với lợi thế nổi bật là ưu đãi thuế quan, đây sẽ là động lực để doanh nghiệp cố gắng thay đổi nguồn đầu vào, công nghệ sản xuất để đạt được tiêu chí quy tắc xuất xứ.

Hiện nay, hàng hóa sang thị trường EU chiếm khoảng 18% tỷ trọng hàng xuất khẩu của Việt Nam, và liên tục tăng trưởng 10 – 15%/năm (năm 2020, tỷ lệ tăng trưởng sang thị trường EU có thể biến động do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 trên toàn cầu). Nhu cầu nhập khẩu hàng hóa Việt Nam vào EU vào khoảng hơn 2,5 tỷ EURO, trong khi, hàng Việt Nam nhập khẩu vào EU mới đạt được 20% nhu cầu của thị trường, cho thấy dư địa thị trường còn rất lớn và cơ hội là rất rộng mở đối với doanh nghiệp.

Để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tối đa được các ưu đãi từ EVFTA, Bộ Công Thương đã chủ động nghiên cứu về thị trường cụ thể tại 27 nền kinh tế thành viên của EU gồm thế mạnh của mỗi thị trường là gì, tại mỗi thị trường mặt hàng nào của Việt Nam có thế mạnh, có cơ hội nhập khẩu vào, cần những tiêu chuẩn nào đế sản phẩm thế mạnh được nhập khẩu vào, các “đối thủ” cùng mặt hàng …. Việt Nam cũng đang có lợi thế rất lớn khi là một trong số ít các quốc gia có FTA song phương với EU (ở ASEAN mới có Việt Nam và Singapore), vì thế, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh hơn hẳn so với các quốc gia khác về thuế khi vào thị trường EU. Và muốn tận dụng được lợi thế đó, doanh nghiệp cần phải đáp ứng được yêu cầu quy tắc xuất xứ.

Đáp ứng quy tắc xuất xứ của EVFTA: Doanh nghiệp miền Trung còn nhiều hạn chế
Doanh nghiệp xuất khẩu miền Trung cần dành sự quan tâm, nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu quy tắc xuất xứ để có thể tận dụng các ưu đãi thuế quan mà EVFTA mang lại

Theo ông Trần Ngọc Bình – Trưởng phòng Xuất nhập khẩu khu vực TP. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp xuất khẩu tại miền Trung còn ít, quy mô nhỏ hơn nhiều so với miền Bắc và miền Nam, năng lực sản xuất nhỏ nên kim ngạch xuất khẩu vào EU theo EVFTA cũng nhỏ hơn. Tuy nhiên, nếu so sánh tỷ lệ tận dụng được hiệp định thì chưa chắc miền Trung đã thấp, nếu doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, sản phẩm đạt các tiêu chuẩn, chất lượng thì tỷ lệ tận dụng được EVFTA sẽ cao.

Chia sẻ về vấn đề nhiều doanh nghiệp miền Trung vẫn còn rất “mơ hồ” về thông tin các FTA nói chung, EVFTA nói riêng, ông Bình cho rằng việc doanh nghiệp có nắm được thông tin hay không phụ thuộc vào 2 yếu tố gồm từ phía các cơ quan quản lý nhà nước và từ nội sinh của doanh nghiệp. Từ trước, trong và sau khi hiệp định EVFTA được ký kết, Bộ Công Thương và các cơ quan của nhà nước đã tuyên truyền mạnh về vấn đề này. Tuy nhiên, nếu bản thân doanh nghiệp không chú ý thì cũng vô ích, chưa tính đến độ nhạy thị trường của doanh nghiệp miền Trung còn thấp.

Để tận dụng được các ưu đãi thuế quan trong EVFTA, ông Bình cho rằng vướng mắc lớn nhất của doanh nghiệp xuất khẩu miền Trung đó là khả năng tìm hiểu, nắm bắt để đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ còn hạn chế. Các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm, hoặc có quan tâm rồi mà chưa đầu tư sâu để nghiên cứu để đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn. Thậm chí, có thể có sản phẩm đáp ứng được quy định nhưng do bản thân doanh nghiệp không tìm hiểu, không quan tâm nên không biết có đáp ứng được hay không, thì bỏ qua một cơ hội rất lớn. Vì vậy, việc tham gia các lớp tập huấn chuyên sâu là việc cần làm và doanh nghiệp hết sức quan tâm.

“Ở miền Bắc và miền Nam, Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương đã tổ chức các hội nghị, tập huấn chuyên sâu về các vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý, chủ yếu là quy tắc xuất xứ đối với từng ngành hàng, từng lĩnh vực cụ thể. Trong thời gian tới, Cục sẽ tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu tại miền Trung để doanh nghiệp có nhiều hơn khả năng tận dụng được cơ hội từ EVFTA mang lại”, ông Bình chia sẻ.

Thanh Tùng, Bộ Công thương