Tin tức

Xung đột thương mại xuyên Đại Tây Dương sẽ không có dấu hiệu sớm hạ nhiệt và một phán quyết từ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) có nghĩa là một đợt sóng thuế quan trả đũa mới có thể gây nguy hiểm cho sự phục hồi kinh tế ở cả Mỹ và Liên minh châu Âu.

Theo đó, ngày 30/9, Hội đồng giải quyết tranh chấp của WTO đã cho phép EU áp thuế đối với 4 tỷ USD hàng xuất khẩu của Mỹ để chống lại khoản viện trợ bất hợp pháp mà Chính phủ Mỹ dành cho nhà sản xuất máy bay Boeing. EU trước đó cho biết, sẽ hành động ngay lập tức để chống lại mức thuế 7,5 tỷ USD mà Washington áp lên hàng hóa châu Âu trong một vụ kiện riêng liên quan đến hãng máy bay Airbus có trụ sở tại Pháp.

Quyết định của cơ quan trọng tài được đưa ra vào một thời điểm tế nhị, với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ diễn ra và trong bối cảnh Mỹ và Liên minh châu Âu đang vật lộn để phục hồi sau cuộc suy thoái do Covid-19 gây ra. Thuế quan của EU sẽ nhắm vào các nhà sản xuất than, nông dân và thủy sản, ngoài các nhà sản xuất máy bay, tất cả các ngành quan trọng về mặt chính trị đối với Tổng thống Donald Trump và các đồng minh đảng Cộng hòa tại Quốc hội. Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Cato có trụ sở tại Washington nhận định, nếu hai bên không thể giải quyết tranh chấp máy bay ăn miếng trả miếng, thì sẽ có một cuộc chiến thuế quan khác, với người tiêu dùng, nhà sản xuất ở cả hai bên bị mắc kẹt và phải trả giá.

Xung đột thương mại xuyên Đại Tây Dương trước đợt sóng thuế quan mới

Một câu hỏi quan trọng hiện nay là liệu EU sẽ nhanh chóng kích hoạt thuế quan chống lại Mỹ hay chờ đợi kết quả của cuộc bầu cử ngày 3/11. Nếu EU ngay lập tức đưa ra các mức thuế mới, nó có thể gây kích động chính quyền Tổng thống Trump, vốn tuyên bố rằng họ đã tuân thủ cắt giảm các khoản trợ cấp cho Boeing.

Nếu EU chờ đợi cho đến sau cuộc bầu cử ở Mỹ, có khả năng Brussels muốn tìm kiếm một đối tác đàm phán như ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden là người đã cam kết tìm cách kết thúc nhanh chóng “cuộc chiến thương mại” với châu Âu. Phán quyết của WTO chiếm 1/3 so với những gì EU yêu cầu, là bước ngoặt mới nhất trong cuộc xung đột kéo dài 16 năm giữa Boeing và Airbus. Và nó chỉ đại diện cho một trong số nhiều nguồn xung đột trong mối quan hệ thương mại giữa EU và Mỹ.

Rắc rối bắt đầu vào năm 2018 khi chính quyền Tổng thống Trump viện dẫn các cân nhắc về an ninh quốc gia để áp thuế lên thép và nhôm nhập khẩu từ châu Âu. Với tư cách là đồng minh quân sự của Mỹ, EU đã phản ứng nhanh chóng trả đũa bằng các đòn thuế quan đánh vào hàng hóa của Mỹ, bao gồm các thương hiệu mang tính biểu tượng như xe máy Harley-Davidson Inc. và quần jean Levi Strauss & Co. Gần đây hơn, Mỹ đe dọa sẽ áp thuế đối với khoảng 2,4 tỷ USD các sản phẩm đặc trưng của Pháp, bao gồm rượu vang, pho mát, túi xách và đồ trang điểm nếu châu Âu tiếp tục kế hoạch thu thuế đối với các công ty kỹ thuật số như Facebook và Google.

Trong khi cả EU và Mỹ đều nói rằng họ muốn đạt được một giải pháp cho tranh chấp máy bay, chính quyền Tổng thống Trump đã bác bỏ tất cả các yêu cầu trước đó của Brussels. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đang tìm kiếm hai điều: Cam kết từ châu Âu chấm dứt trợ cấp cho Airbus và bồi thường bằng tiền. Vào tháng 7, Chính phủ Pháp và Tây Ban Nha đã sửa đổi các điều khoản của khoản vay viện trợ khởi động cho Airbus để phù hợp với các quy định của WTO. Chính quyền Tổng thống Trump đã bác bỏ động thái này là không đủ và cáo buộc chế độ trợ cấp của EU vẫn là bất hợp pháp. Nếu Mỹ và EU không thể đạt được thỏa thuận, Cao ủy Thương mại EU Valdis Dombrovskis đã cam kết sử dụng các khoản thuế mục tiêu, trừ khi có một thỏa thuận với Mỹ rằng Mỹ cũng rút lại thuế quan.

Thanh Tùng, Bộ Công Thương