Tin tức

Năm 2020, Hoa Kỳ kỷ niệm 5 năm Quan hệ đối tác chiến lược Hoa Kỳ và các nước thành viên ASEAN. Quan hệ đối tác này được xây dựng trên nền tảng những nguyên tắc chung bao gồm vai trò trung tâm của ASEAN, tôn trọng chủ quyền và pháp quyền, quản trị tốt, minh bạch, tính bao trùm, khuôn khổ dựa trên luật lệ và tính rộng mở.

Hoa Kỳ - ASEAN thực hiện thuận lợi hóa thương mại và đầu tư

Theo thống kê từ phía ASEAN, thương mại hai chiều Hoa Kỳ - ASEAN đạt 294,6 nghìn tỷ USD, FDI từ Hoa Kỳ vào ASEAN đạt 24,5 nghìn tỷ USD trong năm 2019. Những con số này đã đưa Hoa Kỳ lên hàng thứ 2 trong số các đối tác thương mại của ASEAN và là nhà đầu tư FDI lớn nhất trong các đối tác đầu tư của ASEAN. Những tiến triển quan trọng trong quá trình triển khai Thỏa thuận Khung về thương mại và đầu tư giai đoạn 2019- 2020 giữa ASEAN và Hoa Kỳ (TIFA) và Kế hoạch Hành động thực hiện Sáng kiến Hợp tác Thương mại mở rộng (E3) giữa hai bên đến nay cũng đã ghi nhận kết quả tích cực.

3453-hoa-ky-asean

Hoa Kỳ hỗ trợ và tăng cường kết nối kinh doanh với các DN Việt Nam phát triển chuỗi cung ứng, công nghiệp hỗ trợ

Với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) đã tạo điều kiện thúc đẩy thương mại ASEAN tới Hoa Kỳ và dự định sẽ kết nối hệ thống chứng từ hải quan điện tử Hoa Kỳ với ASW. Việc này bao gồm kế hoạch chia sẻ chứng chỉ kiểm dịch thực vật điện tử, sẽ tác động đến lượng hàng hoá có giá trị thương mại khoảng 13 tỷ USD và loại bỏ thủ tục giấy tờ liên quan đến khoảng 90.000 chứng từ mỗi năm và chi phí liên quan.

Riêng với Việt Nam, việc thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ về hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và có hiệu lực thi hành từ tháng 5/2020. Việc thực hiện Hiệp định này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tạo nền tảng pháp lý cho mối quan hệ chính thức và cơ chế hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật, trao đổi thông tin giữa hai cơ quan hải quan nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật hải quan trong quá trình thực thi nhiệm vụ của hai cơ quan hải quan.

Cũng với mục tiêu thúc đẩy phát triển đầu tư kinh doanh, tiếp nối thành công của Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPBF) lần thứ hai tại Bangkok (Thái Lan) vào tháng 11 năm ngoái, phía Hoa Kỳ đã hợp tác với Việt Nam để đồng chủ trì IPBF lần thứ ba dự kiến sẽ diễn ra trong tuần cuối của tháng 10/2020 sắp tới tại Việt Nam. IPBF sẽ thúc đẩy các giao dịch trị giá hàng triệu USD giữa các DN và xây dựng sự kết nối bền chặt hơn giữa khu vực tư nhân của Hoa Kỳ và khu vực ASEAN.

Ngoài ra, để mở rộng của cho trao đổi thương mại và đầu tư giữa Hoa Kỳ và ASEAN, không áp dụng các biện pháp hạn chế trao đổi chu chuyển hàng hóa cũng như các biện pháp phi thuế quan nhằm tăng cường khả năng phục hồi kinh tế sau dịch cho cả hai phía.

Hướng đến thực hiện nhiều mục tiêu mới

Về tài chính, cho đến nay Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) đã đầu tư hơn 1 tỷ USD để hỗ trợ các dự án tại các nước ASEAN, và sẵn sàng mở rộng quy mô hỗ trợ, hợp tác với chính phủ và khu vực tư nhân của ASEAN.

Ông Michael Greene - Giám đốc Cơ quan hợp tác quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam đánh giá trong thời gian qua USAID đã giúp các DN vừa và nhỏ của Việt Nam nâng cao năng lực, mở rộng quy mô hoạt động, giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đào tạo các lãnh đạo mới, giảm thời gian và chi phí thương mại. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động nặng nề tới kinh tế, đặc biệt là DN, USAID đã phối hợp chặt chẽ trong việc hỗ trợ giúp khu vực kinh tế tư nhân phục hồi kinh tế sau đại dịch, giúp DN thích ứng với những dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu và tạo ra những chuỗi cung ứng mới và bền vững.

Theo Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink mặc dù khu vực tư nhân bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid- 19, song các nguồn hỗ sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng thoát khỏi ảnh hưởng khó khăn để Việt Nam tiếp tục hành trình hướng đến trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao.

Để thực hiện các mục tiêu dài hạn, USAID hiện đang làm việc với Quốc hội Hoa Kỳ để cấp khoản đầu tư ban đầu dự kiến trị giá khoảng 6,5 triệu USD cho hoạt động đầu tư và thương mại có trách nhiệm (RITA), hoạt động đang tạo điều kiện cho đầu tư và thương mại công bằng, có trách nhiệm đối với hàng hóa, dịch vụ giữa ASEAN với Hoa Kỳ. Đồng thời cải thiện hoạt động quản lý DN trong nước, minh bạch trong kinh doanh và khả năng cạnh tranh của các DN đang hoạt động, tăng khả năng cạnh tranh gia nhập thị trường thương mại toàn cầu.

Đặc biệt, trong lực năng lượng cũng là trọng tâm hỗ trợ phát triển của Hoa Kỳ dành cho ASEAN. Theo tính toán, nhu cầu điện của khu vực tăng trung bình 6% mỗi năm, con số này nằm trong nhóm tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Vì thế Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ ASEAN phát triển năng lượng. Thông qua Asia EDGE sẽ tiếp tục thúc đẩy sự chuyển đổi của ngành năng lượng tại ASEAN theo định hướng thị trường để cải thiện hiệu suất của các cơ quan phụ trách năng lượng, tăng cường triển khai các hệ thống năng lượng tiên tiến và áp dụng thực hành thu mua năng lượng minh bạch. Hoa Kỳ cũng tăng cường hợp tác với Hội đồng Dầu khí ASEAN để hỗ trợ thực hiện đường ống dẫn khí đốt xuyên Đông Nam Á thông qua việc kết hợp cơ sở hạ tầng khí đốt tự nhiên hóa lỏng và khuôn khổ quy định và pháp luật hài hòa.

Tuyết Minh, Văn phòng BCĐNKT