Tin tức

Câu chuyện chưa am hiểu thông tin thị trường đã không còn xa lạ với lĩnh vực xuất khẩu nông sản Việt trong nhiều năm qua. Điều này được cho là xuất phát từ phía nhiều doanh nghiệp và một bộ phận người nông dân chưa thực sự chú ý đến. Việc hiểu chưa sâu, chưa đúng về thị trường sẽ khiến không ít doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội hoặc chậm chạp trong việc xử lý những tình huống rủi ro khi bất ngờ xảy ra.

Bàn về tính thiết yếu của việc am hiểu thị trường trong bối cảnh hội nhập, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao - khẳng định: Hiện nay, thị trường đang thay đổi nhanh. Cập nhật thông tin và kiến thức thị trường cho nông dân, doanh nghiệp là chuyện cần làm và thiết thực.

5746 img 4140
Am hiểu thông tin thị trường giúp doanh nghiệp có chiến lược tiếp cận tốt hơn

Theo bà Vũ Kim Hạnh, thay đổi lớn nhất với thị trường xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn đến từ thị trường Trung Quốc. Mặc định của nhiều nhà sản xuất kinh doanh nông sản về thị trường Trung Quốc đã bị lạc hậu mà chưa cập nhật kịp thời. Ví dụ, luôn cho Trung Quốc là thị trường là dễ tính, chất lượng nào cũng tiêu thụ được (cứ chở lên biên giới, hạ giá là “đẩy” hàng đi được). Điều này đã thay đổi từ giữa năm 2018. Cánh cửa tiểu ngạch đang hẹp dần và không bao giờ phục hồi như trước được nữa. Với thị trường Trung Quốc, bây giờ phải có tiêu chuẩn, phải truy xuất được nguồn gốc, phải có mã vùng trồng và mã xưởng đóng gói mới có thể xuất khẩu được chính ngạch. Tuy nhiên điều này lại có ít doanh nghiệp thực hiện được, dẫn tới việc hầu hết vẫn tìm đường tiểu ngạch để xuất khẩu, kéo theo đó là thực trạng bị ép giá...

Ngoài vấn đề trên, bà Vũ Kim Hạnh cho biết, một mảng thông tin thị trường cần cập nhật nữa là các hiệp định thương mại tự do mới. Gần đây nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Song với Hiệp định EVFTA ít doanh nghiệp hiểu sâu về lợi thế của Việt Nam với thị trường EU như: không chỉ xuất, đây còn là thị trường nhập rất tốt, nhất là về các thiết bị máy móc công nghệ cao, với các chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật. Thậm chí ta có những lợi thế sẵn cũng chưa màng phát huy như là các chỉ dẫn địa lý về hồ tiêu, về nước mắm truyền thống... đã được châu Âu bảo hộ đã lâu.

Trước sự cấp thiết của việc cập nhật thông tin thị trường, thông tin về các hiệp định, nhất là EVFTA, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức triển khai EVFTA cho doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản trên khắp cả nước nhằm giúp doanh nghiệp hiểu đúng, đánh giá được tầm quan trọng cùng các rào cản cần vượt qua khi thực thi hiệp định này. Qua các hội thảo, tập huấn, doanh nghiệp đã nắm bắt được những thông tin cần thiết về thị trường như quy tắc xuất xứ cho từng ngành hàng, lợi ích thuế quan trong cam kết của EVFTA, vấn đề liên quan đến phòng vệ thương mại…

Cùng với sự tích cực của Bộ, ngành, sự vào cuộc của các địa phương, hiệp hội cũng rất quan trọng. Bởi lẽ tại mỗi địa phương sẽ nắm rõ nhất tình hình hoạt động của từng doanh nghiệp, ngành nghề… từ đó mới có hướng hỗ trợ thông tin cụ thể nhất. Đơn cử như TP. Hồ Chí Minh - theo Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong - ngoài việc trang bị đầy đủ kiến thức về EVFTA cho doanh nghiệp để họ vừa tận dụng và vừa bảo vệ được mặt hàng của mình, thành phố sẽ tiến hành phân loại và xác định năng lực doanh nghiệp để xây dựng cơ chế và tiến trình riêng đúng với khả năng của từng đối tượng.

Dù vậy, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, có không ít doanh nghiệp vẫn còn thờ ơ với các hiệp định thương mại, họ chưa quan tâm, chưa tìm hiểu kỹ để nắm bắt cơ hội từ FTA này. Từ đó, lãnh đạo Bộ Công Thương muốn phối hợp với các cơ quan truyền thông để thông tin cho doanh nghiệp hiểu đúng, đủ, chính xác các cam kết trong hiệp định này. Đặc biệt thông tin để doanh nghiệp có cách nhìn chính xác và đúng đắn về cả cơ hội lẫn thách thức khi tham gia EVFTA.

Ngô Nam, Văn phòng SPS