Tin tức

Các doanh nghiệp dệt may bày tỏ vui mừng khi EVFTA được Quốc hội sẽ được thông qua tại kỳ họp lần này và kỳ vọng sẽ thúc đẩy gia tăng đơn hàng vào thị trường EU. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cho rằng còn nhiều “nỗi lo” cần phải giải quyết để thực thi hiệp định hiệu quả, trong đó có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ngành từ trung ương tới địa phương.

can su vao cuoc dong bo de det may khong bo lo co hoi tu evfta
Doanh nghiệp dệt may kỳ vọng với những ưu đãi thuế quan rõ ràng sẽ thúc đẩy việc gia tăng các đơn hàng cũng như lượng hàng trong mỗi đơn hàng sang EU

Cơ hội để tăng tỷ trọng hàng Việt tại EU

Bà Nguyễn Thị Nhung – Giám đốc Công ty TNHH May Kim Anh (Quảng Nam) cho biết hiện 30% sản phẩm của Công ty đi thị trường EU. Theo bà Nhung, ngành dệt may Việt Nam vốn đã có những lợi thế như có lực lượng có trình độ tay nghề cao, nguồn nhân lực dồi dào. Cộng với các ưu đãi từ EVFTA chắc chắn sẽ gia tăng đơn hàng cho doanh nghiệp. “Ngay các đối tác đang hợp tác cũng sẽ tăng lượng hàng hơn. Hoặc các đối tác ở các thị trường khác cũng sẽ quay lại Việt Nam”.

Còn bà Nguyễn Hồng Liên - Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần dệt may Huế cho biết, hiện tại sản phẩm của Công ty xuất đi Châu Âu còn chiếm tỷ trọng rất thấp. Tuy nhiên, khi EVFTA được ký kết (6/2019), Công ty đã có kế hoạch mở rộng đối tác tại thị trường này. Với lợi thế thuế quan sẽ giảm (theo lộ trình), đặc biệt với đặc điểm của công ty có nhà máy sản xuất vải, đáp ứng được yêu cầu “quy tắc xuất xứ từ vải trở đi” sẽ là một lợi thế cạnh tranh của công ty trong thời gian đến.

Theo ông Phan Thiên Định – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trong năm 2019 kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 705,09 triệu USD chiếm tỷ trọng 74,04% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Tuy nhiên, các hàng dệt may đi các nước EU thì còn khá khiêm tốn. Các sản phẩm xuất chủ yếu là sơ sợi, quần áo may sẵn các loại đi các nước Hà lan, Pháp, Đức, Ý, Bỉ, giá trị gia tăng của các mặt hàng chưa thực sự cao. “Chính quyền kỳ vọng với EVFTA, các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu sang EU khi đáp ứng đúng và tuân thủ chặt chẽ các quy tắc xuất xứ thì dự ước tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may trong những năm đến sẽ tăng tới 30-40%”, ông Định nhận định.

can su vao cuoc dong bo de det may khong bo lo co hoi tu evfta
Dệt may Thừa Thiên Huế kỳ vọng sẽ tăng trưởng 30 - 40% kim ngạch sang EU khi EVFTA có hiệu lực

Chia sẻ với Báo Công Thương, Bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc – Phó Giám đốc Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Đà Nẵng cho rằng dệt may là một trong những mặt hàng chủ lực của Việt Nam nói chung, miền Trung nói riêng. Trong EVFTA đặt ra những tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ chặt chẽ, trong đó, đối với dệt may là “quy tắc từ vải trở đi” (2 công đoạn) dù “dễ thở” hơn so với quy tắc từ sợi như trong CPTPP tuy nhiên đây vẫn được coi là một trong những khó khăn mà các doanh nghiệp dệt may sẽ phải đối mặt khi tiếp cận với thị trường lớn này.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Mặc dù lạc quan về cơ hội gia tăng xuất khẩu, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp dệt may bày tỏ nỗi lo về “độ trễ” của thực thi hiệp định nếu không có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của tất cả các Bộ ngành, địa phương.

Bà Nguyễn Thị Nhung cho biết đã theo dõi thông tin về các tác động của EVFTA liên quan đến dệt may từ khi hiệp định này mới được khởi động. “Với sự theo sát bền bỉ đoàn đàm phán, trong đó Bộ Công Thương đóng “vai chính”, hiệp định đã được ký kết sau hơn 7 năm, Chúng tôi hiểu rằng sự nỗ lực đó là vì mong muốn thúc đẩy xuất khẩu, mà đối tượng hưởng lợi chính là doanh nghiệp xuất khẩu”, bà Nhung nói và cho rằng nếu giai đoạn đàm phán, ký kết do đoàn đàm phán thực hiện, Quốc hội thông qua, thì khi đưa hiệp định đi vào thực tiễn có hiệu quả hay không phải có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các ngành hàng, hiệp hội. “Tôi cho rằng đến lúc cần phát huy vai trò của VCCI, các Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành nghề - đối với dệt may là Hiệp hội dệt may, có những buổi thông tin cho những doanh nghiệp xuất khẩu để chúng tôi có thể biết được mình ở đâu trong hiệp định, mình sẽ hưởng lợi cụ thể là gì nếu đáp ứng được tiêu chuẩn cụ thể nào" - bà Nhung chia sẻ.

Bà Nguyễn Hồng Liên thì cho rằng các tiêu chuẩn của EVFTA liên quan đến nhiều lĩnh vực, vì vậy, cần có sự vào cuộc chủ động, tích cực của đơn vị chịu trách nhiệm các lĩnh vực đó vào cuộc thì doanh nghiệp mới nhanh chóng đáp ứng các tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, Công ty kiến nghị các ban, ngành cần hỗ trợ đầu tư phát triển nguồn cung, đặt biệt là vải ở Việt Nam để có thể cùng phát triển tăng tỷ lệ xuất khẩu vào EU, bà Liên cho biết thêm.

can su vao cuoc dong bo de det may khong bo lo co hoi tu evfta
Các doanh nghiệp mong muốn cần có những giải pháp để đưa EVFTA đi vào hiện thực càng sớm càng tốt

Theo ông Phan Thiên Định – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế EVFTA là một hiệp định mang tính toàn diện vì vậy để thực thi hiệp định có hiệu quả cần có sự vào cuộc đồng bộ của các địa phương, Bộ ngành liên quan. "Riêng tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động xây dựng Kế hoạch chi tiết về thực hiện Hiệp định EVFTA dựa trên đặc thù các thế mạnh xuất khẩu của tỉnh, trong đó đặc biệt là dệt may", ông Định nói và cho biết thêm, tỉnh cũng xây dựng kế hoạch cụ thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi tham gia công tác tuyên truyền, quảng bá các mặt hàng xuất khẩu của mình ra thị trường nước ngoài mà trọng tâm là EU (giao Trung tâm XTTM – Sở Công Thương thực hiện). Tỉnh sẽ tích cực phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương để tổ chức các chương trình phổ biến, tuyên truyền về EVFTA cho các cơ quan liên quan và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó đặc biệt lưu ý đến hội thảo “Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA: Những vấn đề địa phương và doanh nghiệp cần lưu ý”

“Chúng tôi cũng đề cao vai trò của Cục Xúc tiến thương mại và các thương vụ Việt Nam tại Châu Âu và sẽ phối hợp chặt chẽ để giới thiệu, quảng bá sản phẩm tiềm năng, doanh nghiệp uy tín của địa phương tới các đối tác sở tại để tìm cơ hội cho sản phẩm xuất khẩu của tỉnh”, ông Định nhấn mạnh.

Thu Hiên, Tạp chí CS