Tin tức

Các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ khu vực miền Trung đang tích cực thay đổi nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA) để tận dụng hiệu quả các ưu đãi khi hiệp định được thông qua và thực thi.

Cơ hội để doanh nghiệp trở thành “mắt xích” trong chuỗi cung ứng gỗ toàn cầu

Với mật độ rừng cao, điều kiện phù hợp cho hoạt động chế biến, xuất khẩu lâm sản, tại miền Trung hiện có hàng trăm doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường Châu Âu. Trong đó, nhiều nhất là tại tỉnh Bình Định.

Ông Ngô Văn Tổng – Giám đốc Sở Công Thương Bình Định cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 100 doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 ước đạt 216 triệu USD. Trong đó, sản phẩm gỗ tinh chế nội ngoại thất có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu. Mặc dù chịu tác động tiêu cực của dịch Covid – 19, tuy nhiên, 5 tháng đầu năm 2020, hoạt động xuất khẩu gỗ của Bình Định sang EU không những không giảm mà còn tăng 7,8% so với cùng kỳ với tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đạt 67,6 triệu USD.

Theo ông Lê Minh Thiện – Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hưng từ góc nhìn của doanh nghiệp, EVFTA cho thấy vai trò rất rõ nét của Bộ Công Thương vừa là cơ quan đầu mối trong suốt quá trình đàm phán, ký kết và triển khai thực thi EVFTA vừa là cơ quan được giao quản lý nhà nước trực tiếp với nhiều lĩnh vực quan trọng được điều chỉnh trong EVFTA. Với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Định, Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ Việt Nam ông Thiện cho rằng “Với việc Bộ Công Thương đã dành sự chuẩn bị chu đáo, chi tiết về hiệp định trình Quốc hội, cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu gỗ kỳ vọng Hiệp định được thông qua và sẽ tạo bước ngoặt cho xuất khẩu gỗ sang thị trường EU”.

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam sang các nước EU đạt 864,6 triệu USD, tăng 10% so với năm 2018, chiếm 8,1% trong tổng giá trị xuất khẩu 10,6 tỷ USD. Khoảng 88% tổng kim ngạch xuất vào EU là đồ gỗ, phần còn lại là nhóm gỗ nguyên liệu (HS 44). Riêng tại Bình Định, nơi cung cấp đồ gỗ sân vườn – ngoài trời chất lượng cao của Việt Nam, năm 2019 giá trị xuất khẩu vào thị trường này chiếm trên 50% tổng kim ngạch 479 triệu USD.

Xuất khẩu gỗ được đánh giá là ngành được hưởng lợi nhiều từ EVFTA với kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào EU sẽ đạt 1 tỷ USD ngay trong năm đầu tiên EVFTA được thực thi. EVFTA khi được thông qua và có hiệu lực, nhiều mặt hàng gỗ có thuế suất về 0 ngay (đồ gỗ hiện có thuế suất 2,7%-5,6%) hoặc về 0 trong vòng 5 năm (mặt hàng gỗ nguyên liệu hiện có thuế suất 2-10%). Nếu không có EVFTA với tốc độ tăng trưởng GDP hiện nay, ngành gỗ Việt Nam dễ mất sức cạnh tranh do không còn được hưởng thuế quan ưu đãi phổ cập GSP như Malaysia, Trung Quốc…

Theo ông Thiện, EVFTA sẽ giúp doanh nghiệp gỗ Việt Nam tiệm cận vị trí “mắt xích” quan trọng trong các chuỗi cung sản phẩm gỗ hiện có với khách hàng EU, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đến các chuỗi cung ứng đồ gỗ toàn cầu như Hoa Kỳ, Nhật Bản,… Nhờ đó doanh nghiệp Việt có thể chủ động hình thành các chuỗi cung ứng mới, mở rộng thị phần xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, thu được giá trị gia tăng cao hơn. “Trong tình hình bất ổn của thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh, diễn biến khó lường, EVFTA sẽ là nền tảng vững chắc, tạo nên sự phát triển mang tính đột phá, hướng tới phát triển bền vững, giúp Việt Nam hoàn thiện khung luật pháp, thể chế, tạo hành lang thương mại hai chiều, giúp doanh nghiệp gỗ Việt Nam tích lũy nội lực, tăng sức cạnh tranh, và củng cố vị thế ngành gỗ Việt trên thị trường thế giới” ông Thiện nói.

nganh go chu dong don co hoi tu evfta
Đảm bảo tiêu chuẩn nguồn gốc xuất xứ gỗ nguyên liệu là một trong những "nút thắt" lớn để sản phẩm gỗ vào EU

Doanh nghiệp nỗ lực hoàn thiện để đáp ứng các tiêu chuẩn của EVFTA

Các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cho biết “nút thắt” lớn nhất mà mọi doanh nghiệp xuất khẩu lĩnh vực này muốn vào EU phải đáp ứng đó là nguồn gốc xuất xứ gỗ nguyên liệu.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ Việt Nam Lê Minh Thiện để EVFTA được EU phê chuẩn thì Hiệp định đối tác tự nguyện VPA FLEGT trở thành một bộ phận không thể thiếu của EVFTA. VPA FLEGT vừa là cơ hội, nhưng cũng chính là thách thức lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ trong việc tuân thủ toàn bộ các quy định từ hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp, đặc biệt là vấn đề thủ tục hành chính đi theo hệ thống này.

Ông Huỳnh Trinh – Giám đốc Công ty Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng cho biết thị trường Châu Âu rất coi trọng nguồn gốc xuất xứ của gỗ nguyên liệu làm ra sản phẩm. “EU sẽ từ chối đơn hàng nếu phát hiện nguồn gốc gỗ nguyên liệu được khai thác bất hợp pháp. Doanh nghiệp xuất khẩu muốn sang thị trường này phải đảm bảo về nguồn gốc của gỗ nguyên liệu. Riêng doanh nghiệp gỗ tại Đà Nẵng có lợi thế đó là gần vùng nguyên liệu gỗ lớn (Quảng Nam và 1 phần Bắc Quảng Ngãi)”, ông Trinh cho hay.

Ông Lê Minh Hưng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam thì cho rằng EVFTA buộc các doanh nghiệp xuất khẩu lâm sản địa phương chuyên nghiệp hóa sản xuất, minh bạch hóa nguồn gốc xuất xứ gỗ nguyên liệu. Đây cũng là cơ hội để thúc đẩy việc thực hiện cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC. Theo ông Hưng, là một vùng nguyên liệu gỗ lớn của miền Trung, tại tỉnh Quảng Nam, trong khoảng 5 năm trở lại đây tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện việc cấp chứng chỉ rừng để đảm bảo gỗ nguyên liệu đầu vào được chứng nhận nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. “Đến nay, đã có hơn 4.000 ha rừng tại Quảng Nam được cấp chứng chỉ rừng và dự kiến sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Trước đây việc cấp chứng chỉ rừng phải dựa vào nguồn hỗ trợ của các dự án nước ngoài nên khá chậm. Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ đã khuyến khích và có ngân sách hỗ trợ việc thẩm định cấp chứng chỉ rừng cũng như có sự vào cuộc hỗ trợ từ phía doanh nghiệp gỗ xuất khẩu nên việc cấp chứng chỉ rừng được thực hiện tốt hơn”, ông Hưng nói.

nganh go chu dong don co hoi tu evfta
Các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ sang EU cũng cần đa dạng hóa mẫu mã để phù hợp với sự thay đổi thị yếu ở thị trường EU

Bên cạnh đảm bảo nguồn gốc xuất xứ gỗ, các doanh nghiệp cũng nỗ lực đáp ứng các yêu cầu khác như đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm. Ông Huỳnh Trinh cho biết EU cũng coi trọng mẫu mã sản phẩm, vì vậy doanh nghiệp phải thường xuyên thay đổi mẫu mã để khách hàng có nhiều sự lựa chọn. “Chúng tôi có hẳn một nhóm khảo sát thị trường để nắm bắt thị yếu của EU từ đó có những điều chỉnh, thay đổi về mẫu mã, kích thước cho phù hợp với nhu cầu của người dân tại khu vực này”, ông Trinh chia sẻ.

Ngoài ra, các doanh nghiệp gỗ cũng đang tích cực thay đổi để thực hiện cam kết trong EVFTA như vấn đề môi trường, xã hội, thúc đẩy thực hiện xã hội (CSR)... để sẵn sàng thúc đẩy xuất khẩu sang EU khi EVFTA có hiệu lực.

Mạnh Tiến, Bộ TTTT