Tin tức

Dịch bệnh Covid-19 khiến cho xuất khẩu nông sản giảm đáng kể tại các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc và thị trường nội địa lại nổi lên như một lối mở. Nhưng lối mở không dễ đến trong tầm tay nếu bài toán cung cầu không được giải quyết rốt ráo.

Một không gian điển hình cho việc kết nối cung cầu trên thị trường nông sản nội địa đang diễn ra những ngày này tại Trung tâm xúc tiến thương mại 489 Hoàng Quốc Việt và siêu thị BigC Thăng Long Hà Nội khi rất, rất nhiều mặt hàng nông sản được người tiêu dùng Thủ đô và các tỉnh háo hức đến mua. Cứ y như không có dịch Covid-19 vậy.

Nói điển hình là bởi những phẩm vật cây trái từ nơi nguồn của nó đã đến thẳng tay người tiêu dùng với giá cả “không thành vấn đề” trong niềm vui của người trồng, của chính quyền và của cả người đi mua cũng như có người đến chỉ để tận hưởng hương vị ngọt lành khi đã kết tinh bao mặn mòi những tháng ngày qua.

nong san noi dia lo giai bai toan ket noi cung cau
Nhiều mặt hàng nông sản nội địa đã trực tiếp đến với người tiêu dùng

Những phiên chợ giới thiệu sản phẩm, những tuần lễ nông sản nay đã trở thành một sinh hoạt thương mại quen thuộc trong đời sống kinh tế thường nhật ở nhiều tỉnh thành phố trên cả nước thời gian qua. Các địa phương với sự vào cuộc chủ động của chính quyền từ người lãnh đạo cao nhất địa phương cùng sự xắn tay của các nhà phân phối lớn, các hệ thống siêu thị đã phần nào khiến nông sản nội địa bớt đi thân phận tủi hổ mỗi khi phải cầu viện các chiến dịch giải cứu.

Bình thường khi thị trường trong nước lẫn ngoài nước thuận buồm xuôi gió, có vẻ như ít người thấy được tầm quan trọng của bài toán kết nối cung cầu. Nhưng rồi bỗng Covid-19 bùng phát, dai dẳng mãi cho tới tận giờ, khi các nông sản rộ vụ, bài toán ấy bỗng lại nổi lên hàng đầu. Khách Tây, khách Âu, khách Mỹ đang lo sốt vó để sống qua mùa dịch, không còn thiết gì đến hoa quả lại càng làm cho bài toán kết nối cung cầu thêm khó giải.

Cũng có những người tiêu dùng khó tính còn đặt câu hỏi, phiên chợ giới thiệu nông sản dù vui vẻ nhưng cũng phải có lúc kết thúc. Thế thì sau đấy muốn mua sản phẩm mang đẳng cấp “của ngon vật lạ” từ các địa phương thì biết mua ở đâu, trong khi “đặc sản” lề đường liệu có đáng tin?

nong san noi dia lo giai bai toan ket noi cung cau
Cần tạo dựng tính bền vững cho chuỗi cung ứng nông sản Việt

Số liệu thực tế cho thấy nông sản tiêu thụ qua chương trình kết nối chỉ chiếm từ 15 - 20% sản lượng. Nghĩa là đến 80% còn lại sẽ đi đâu, về đâu? Thực tế này cho thấy mối liên kết giữa nhà sản xuất với nhà bán lẻ, phân phối là khá lỏng lẻo. Nguyên nhân là do sản xuất quy mô nhỏ nên các doanh nghiệp, các hệ thống phân phối thiếu thông tin để có thể liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Có những khoảng trống giữa doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp phân phối trong chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản Việt. Ở đây không ít doanh nghiệp bán lẻ thường “đợi” doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất đưa sản phẩm đến để tiêu thụ nên không nắm bắt được thực tế sản xuất, không thu hút được đặc sản vùng miền vào hệ thống bán lẻ. Các nhà sản xuất cũng hãy còn chưa chú trọng thực hiện xúc tiến thương mại để gặp gỡ đối tác, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm lỏng lẻo.

Rõ ràng là để giải quyết rốt ráo bài toán kết nối cung cầu cho nông sản nội địa ở mọi thời điểm, mọi bối cảnh của thị trường chứ không cứ là Covid-19, các nhà sản xuất và phân phối cần ngồi lại với nhau, gia tăng hợp tác, tạo dựng khâu liên kết bền vững trong chuỗi cung ứng để thị trường nội địa thực sự là "tấm thảm an toàn" cho nông sản Việt hậu Covid-19.

Phát huy vai trò cầu nối để thúc đẩy tiêu thụ nông sản Việt, tạo điều kiện kết nối hai chiều, góp phần hình thành chuỗi cung ứng, liên tục trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với địa phương triển khai chương trình kết nối hàng hóa giúp các loại nông sản của các vùng miền sản xuất theo chuỗi đến tay người tiêu dùng khắp cả nước.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - ông Vũ Bá Phú - nhìn nhận, vùng nào, miền nào có sản phẩm đặc trưng, Bộ Công Thương mà Cục là đơn vị trực tiếp sẽ tổ chức chuyên đề cho từng vùng đó nhằm mục đích khơi thông sự quan tâm, nhu cầu của người tiêu dùng.

Tuy nhiên để bảo đảm chuỗi cung ứng nông sản bền vững trong nước, một vấn đề cần quan tâm là bảo đảm an toàn cho các loại nông sản. Trên thực tế vấn đề này cũng gặp nhiều khó khăn bởi xây dựng và phát triển chuỗi phải qua rất nhiều khâu.

Thành thử việc giải quyết vấn đề cung cầu cho nông sản nội địa cũng đồng nghĩa với việc giảm bớt các khâu trung gian trong chuỗi cung ứng để bảo đảm nông sản nội địa có thể đến tay người tiêu dùng theo con đường ngắn nhất. Và khi đó mới có thể nói chuyện được về tính bền vững của các chuỗi cung ứng đó.

Đây cũng chính là một định hướng lớn cho việc phát triển thị trường nội địa mà ngành Công Thương đang hướng đến. Dĩ nhiên không thể thiếu vắng gương mặt doanh nghiệp: họ cần chủ động liên kết tạo chuỗi giá trị, đầu tư cơ sở vật chất và áp dụng công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh nông sản Việt ngay từ sân nhà trước khi đi ra thị trường quốc tế.

Tuyết Minh