Tin tức

Xu thế gia tăng các biện pháp bảo hộ trong thương mại quốc tế, tình trạng "cạnh tranh không lành mạnh" khiến các quốc gia đang đẩy mạnh sử các biện pháp phòng vệ thương mại, gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Trong bối cảnh này, Việt Nam đang nỗ lực, chủ động ứng phó và ngăn chặn các hành vi lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, nhằm bảo vệ doanh nghiệp và ngành sản xuất trong nước.    

Bộ Công Thương cho biết, tính đến hết tháng 3/2020, đã có 22 vụ việc chống lẩn tránh thuế do nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chiếm tỷ lệ 12,6% tổng số các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Các nước thường xuyên điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM với hàng hóa của Việt Nam gồm: Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ....Chủ động ứng phó với các vụ việc

no luc ngan chan hanh vi lan tranh cac bien phap phong ve thuong mai
Doanh nghiệp cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ; không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ

Trước bối cảnh thương mại quốc tế đang có những diễn biến hết sức phức tạp, số vụ điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ ngày càng nhiều lên, nhất là đối với một số sản phẩm đang trong tình trạng dư thừa công suất trên toàn cầu, Chính phủ kiên quyết ngăn chặn việc giả mạo, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp; xử lý nghiêm minh, triệt để và không có ngoại lệ nhằm nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), bảo đảm thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các cam kết trong WTO và các FTA đã ký kết.

Nhằm cụ thể hóa quyết tâm của Chính phủ trong nỗ lực ngăn chặn các hành vi chuyển tải bất hợp pháp, gian lận xuất xứ nhằm lẩn tránh các biện pháp PVTM của các nước, qua đó bảo vệ uy tín của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, hướng tới chủ trương xuất khẩu bền vững; Bộ Công Thương đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4 tháng 7 năm 2019 phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” và Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2019 về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.

Theo Bộ Công Thương, Đề án và Nghị quyết được xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo có tính khả thi, phù hợp với hoàn cảnh thực tế; kế hoạch và lộ trình triển khai cụ thể nhằm thực hiện các mục tiêu, chính sách, chiến lược phát triển bền vững xuất khẩu, bảo vệ sản xuất trong nước; kết hợp đồng bộ với các đề án chương trình đang triển khai liên quan đến phòng chống gian lận thương mại nói chung và lẩn tránh thuế nhập khẩu, xuất khẩu nói riêng để tận dụng các nguồn lực cũng như đảm bảo tính tập trung, nhất quán.

Ngoài ra, phương thức thực hiện quản lý chống lẩn tránh được mở rộng theo hướng cả ở cấp trung ương và địa phương; các hiệp hội và doanh nghiệp chủ động triển khai phòng tránh, nhà nước giữ vai trò xây dựng cơ chế, chính sách và hỗ trợ các hoạt động liên quan. Nội dung quản lý chống lẩn tránh mở rộng theo hướng tiếp cận chuỗi giá trị, đầu tư nhằm theo dõi, giám sát, kiến nghị biện pháp quản lý toàn diện và thường xuyên hơn.

Thực hiện chương trình hành động

Ngay sau khi Đề án và Nghị quyết được ban hành, Bộ Công Thương đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị chức năng và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ được giao. Bộ Công Thương đã xây dựng chương trình hành động cụ thể, thành lập các tổ công tác liên quan, khẳng định quyết tâm trong việc phòng chống, phát hiện, xử lý các hành vi lẩn tránh bất hợp pháp, gian lận xuất xứ nhằm phát triển sản xuất, đầu tư, xuất nhập khẩu bền vững, bảo vệ lợi ích của người dân, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Để có căn cứ xác định trọng tâm đấu tranh phòng chống tình trạng lẩn tránh PVTM, sau khi Đề án được ban hành, Bộ Công Thương đã xây dựng và thường xuyên cập nhật Danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh biện pháp PVTM trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương và trang thông tin điện tử của Bộ, gửi các Bộ/ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố phối hợp theo dõi; phổ biến kiến thức pháp luật về gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp cho doanh nghiệp và tiến hành kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Đối với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BCT ngày 12 tháng 11 năm 2019 quy định về tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ gán vào Việt Nam để tái xuất Hoa Kỳ và Thông tư số 27/2019/TT-BCT ngày 15 tháng 11 năm 2019 quy định về danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu. Bộ Công Thương hiện đang phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu, báo cáo Chính phủ về phương án xây dựng văn bản quy định về sản xuất tại Việt Nam.

Bộ Tài chính cũng đang tiến hành sửa đổi dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 127/2013/NĐ-CP và Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan trong đó có nội dung về xử phạt các hành vi gian lận xuất xứ, giả mạo nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp.

Đối với công tác ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gian lận xuất xứ nhằm lẩn tránh biện pháp PVTM, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ quan cấp giấy chứng nhận xuất xứ tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh với hành vi gian lận thương mại về xuất xứ, đặc biệt các mặt hàng nhạy cảm. Các đơn vị chức năng của Bộ đã thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa tại một số doanh nghiệp có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu được xác định xuất xứ theo tiêu chí cộng gộp.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng đã yêu cầu các đơn vị hải quan, đặc biệt là hải quan địa phương tăng cường kiểm tra, xác định vi phạm xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; thiết lập tiêu chí phân luồng kiểm tra đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu có mặt hàng có rủi ro cao; thực hiện kiểm tra ngay doanh nghiệp khi có dấu hiệu giao dịch xuất nhập khẩu tăng đột biến đối với những mặt hàng thuộc đối tượng nghi ngờ; xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện kiểm tra, phát hiện các vụ việc gian lận, giả mạo xuất xứ.

Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, danh sách đã được cập nhật vào tháng 4/2020 với 12 mặt hàng có nguy cơ cao để các cơ quan quản lý có thể dựa vào đó tiến hành các nhiệm vụ cần thiết để xử lý vấn đề gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các Bộ/ngành liên quan để cập nhật, chỉnh sửa Danh sách theo hướng tập trung hơn nữa vào nhóm sản phẩm có nguy cơ lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Trong quý I/2020, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chưa bị khởi kiện lẩn tránh biện pháp PVTM một phần là do sự quyết tâm của Chính phủ và các Bộ, ngành trong việc đấu tranh với các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp PVTM.

Thanh Tùng, Bộ Công Thương