Tin tức

Phát triển ngành dịch vụ logistics trong chế biến và tiêu thụ nông - thủy sản sẽ giúp các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam nâng cao giá trị. Tuy nhiên, ngoài chú trọng đầu tư hạ tầng, giảm chi phí logistics trong chuỗi giá trị nông nghiệp cũng là vấn đề được quan tâm hiện nay.

Nâng cao giá trị sản phẩm

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), những năm gần đây, logistics Việt Nam đã phát triển nhanh, tăng trưởng hàng năm từ 14-16%, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, với giá trị 40-42 tỷ USD/năm. Logistics phát triển góp phần khắc phục hạn chế của ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản và giảm đáng kể tổn thất sau thu hoạch so với trước đây.

Cùng với các dịch vụ logistics, hạ tầng giao thông được nâng cấp và xây mới, nên thời gian vận chuyển được rút ngắn đáng kể… đã tạo điều kiện vận chuyển, lưu thông thuận lợi trong nước trên 130 triệu tấn nông sản/năm và hàng chục triệu tấn sản phẩm nông sản được xuất khẩu (XK) khắp thế giới.

logistics trong nong nghiep go nut that chi phi
Chi phí logistics cao ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nông sản

Đáng chú ý, cả nước hiện có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông - thủy sản với công suất khoảng 700.000 palet và hàng nghìn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm phục vụ cho một số thị trường nhất định, chủ yếu là XK. Ngoài ra còn có hàng chục nghìn phương tiện xe lạnh và container lạnh phục vụ vận chuyển nông - thủy sản.

Đại diện Công ty Cổ phần Vinalines Logistics Việt Nam - chủ đầu tư Cảng cạn ICD Lào Cai - cho biết: ICD Lào Cai có diện tích xấp xỉ 50.000 m2, với hệ thống bãi container có sức chứa 5.000 TEU, hệ thống kho ngoại quan, kho bảo quản hàng hóa, trang thiết bị xe nâng chụp container, xe vận chuyển container và các thiết bị xếp dỡ khác tập trung khai thác.

Ngoài ra, ICD Lào Cai cũng cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng nguyên container, hàng lẻ bằng đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và quốc tế; dịch vụ khai hải quan, C/O, kiểm dịch, kiểm tra chất lượng, dịch vụ lưu kho thường, lưu kho ngoại quan, dịch vụ nâng hạ container, bốc xếp hàng hóa… Hiện lượng hàng hóa thông quan mỗi năm đạt khoảng 5.000 TEU, trong đó 60% là nông sản, trái cây và thủy sản.

Cần giảm chi phí logistics

Việc nhiều tấn nông sản ứ đọng do dịch Covid-19 không thể XK không chỉ đặt ra bài toán về thị trường tiêu thụ mà còn liên quan đến tất cả các khâu, trong đó có chuỗi giá trị cung ứng (logistics). Vì vậy, để đảm bảo giá trị bền vững cho ngành nông nghiệp, việc đầu tư chuỗi logistics có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ giúp nâng cao giá trị nông sản mà còn đẩy mạnh XK sang các thị trường lớn.

Bởi logistics là vòng tròn bao gồm các hoạt động như lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, làm thủ tục hải quan… nhằm đạt được mục đích sau cùng là chuyển sản phẩm, hàng hóa từ nhà cung cấp đến tay người tiêu dùng một cách tối ưu nhất. Tuy nhiên, logistics phục vụ sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản của Việt Nam do mới phát triển nên còn nhiều hạn chế, nhất là so với yêu cầu của một nước sản xuất nông sản hàng đầu, khối lượng nông sản tiêu dùng trong nước và XK đều lớn.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, hiện chuỗi cung ứng lạnh còn thiếu và yếu, các thiết bị đầu tư của các DN logistics thiếu đồng bộ; thiếu kho bãi tại vùng sản xuất, cửa khẩu và ùn tắc giao thông cũng khiến chi phí logistics của Việt Nam còn cao. Đơn cử như ngành thủy sản, chi phí logistics chiếm hơn 12%; đồ gỗ chiếm 23%; rau quả 29,5% và ngành gạo chiếm đến 30% trong giá thành.

Theo đó, tăng vốn đầu tư cho hạ tầng logistics, giảm chi phí thấp nhất cho DN và chi phí lưu thông, đồng thời gia tăng giá trị nông sản là vấn đề cần được quan tâm hiện nay.

Theo thống kê, chi phí logistics trong chuỗi giá trị nông nghiệp đang ở mức 20-25% tổng chi phí, là con số khá cao so với mức trung bình 10-15% các nước trong khu vực.

Ngô Nam, Văn phòng SPS