Tin tức

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dịch Covid-19 sẽ khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thủy sản không tránh khỏi ảnh hưởng ít nhất cho đến hết nửa đầu năm 2020.

VASEP ước tính, xuất khẩu thủy sản trong tháng 3-2020 giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2019, chỉ đạt 549 triệu USD.

Trong đó, xuất khẩu cá tra và cá ngừ giảm trên 29%; mực, bạch tuộc giảm 31%; tôm khoảng 15%. Về thị trường, xuất khẩu sang EU giảm nhiều nhất (40%); kế tiếp là Trung Quốc giảm 25%, Hàn Quốc giảm 24%, Nhật Bản giảm 19%...

xuat khau thuy san se kho khan cho den nua dau nam 2020
Xuất khẩu thủy sản ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (Ảnh minh họa)

Hiện tại, nhiều đơn hàng tại thị trường Trung Đông, châu Á hay Nam Mỹ cũng bắt đầu ách tắc, hủy hoặc thông báo tạm dừng do dịch Covid-19 mà chưa có thời gian quay trở lại, dẫn đến lượng hàng tồn kho lớn. Doanh nghiệp thủy sản cũng chịu nhiều loại chi phí phát sinh như thay đổi hành trình của tàu, thay đổi cảng đến, lưu container tại cảng... Đồng thời, phải chi thêm các sản phẩm phòng chống dịch như khẩu trang y tế, nhiệt kế, dung dịch sát khuẩn... Tính chung, lũy kế đến hết tháng 3-2020, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước chỉ đạt trên 1,5 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, VASEP đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị với Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước có chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể, hỗ trợ lãi suất 0% trong 2 năm đầu và giảm lãi suất 50% trong 4 năm tiếp theo đối với các khoản cho vay dài hạn để đầu tư xây dựng kho lạnh tồn trữ có công suất tối thiểu từ 5.000 pallet trở lên; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho 2 năm đầu, khi các kho lạnh nói trên đi vào vận hành.

VASEP cũng kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có gói hỗ trợ cho vay lãi suất thấp dành cho doanh nghiệp và tạo điều kiện tiếp cận với gói vay lãi suất ưu đãi. Đối với các khoản nợ đang vay, doanh nghiệp mong muốn được gia hạn nợ, không chuyển thành nợ xấu, không phạt nợ quá hạn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục sản xuất…

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu đáp ứng cho sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, kiến nghị Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch và quy hoạch về vùng nuôi nguyên liệu tôm, cá tra; hỗ trợ cho người nuôi để khuyến khích người nuôi tiếp tục thả giống mới trong thời gian này; sửa đổi và cải cách các quy định kiểm soát nhập khẩu hàng thủy sản cho mục đích sản xuất xuất khẩu và gia công xuất khẩu.

Ngô Nam, Văn phòng SPS Việt Nam