Tin tức

Chiều ngày 14/4, Việt Nam, trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, sẽ chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt của lãnh đạo các nước ASEAN+3 (các nước ASEAN và đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) về hợp tác ứng phó dịch bệnh Covid-19 qua hình thức trực tuyến, nhằm khẳng định cam kết ở cấp cao nhất của các nước ASEAN+3 trong nỗ lực chung ứng phó với đại dịch toàn cầu.    

Theo Bộ Ngoại giao, khuôn khổ hợp tác ASEAN+3 hình thành năm 1997 với cuộc họp Cấp cao không chính thức lần đầu tiên giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và được chính thức hóa năm 1999 với việc thông qua Tuyên bố chung về Hợp tác Đông Á (Manila, 28/11/1999).

asean3 y te la mot trong nhung uu tien hop tac

ASEAN+3 ra đời xuất phát từ nhu cầu hợp tác của các nước khu vực nhằm đối phó với tác động của khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, không ngừng mở rộng, phát triển và đạt được những thành tựu đáng kể, trở thành cơ chế hợp tác năng động, hiệu quả ở khu vực Đông Á; góp phần giải quyết các thách thức chung của khu vực, tạo điều kiện cho hòa bình, ổn định, hội nhập khu vực và quá trình xây dựng Cộng đồng Đông Á. Năm 2017, các nhà lãnh đạo ASEAN+3 đã thông qua Tuyên bố Manila về kỷ niệm 20 năm hợp tác ASEAN+3.

Bộ Ngoại giao cho biết, hiện nay, khuôn khổ hợp tác ASEAN+3 bao gồm 65 cơ chế hợp tác, từ cấp cao đến cấp làm việc, trải rộng trên nhiều lĩnh vực hợp tác về chính trị - an ninh, kinh tế - tài chính, văn hóa - xã hội, kết nối. Hợp tác ASEAN+3 hiện được thúc đẩy trên cơ sở triển khai Kế hoạch Công tác (KHCT) ASEAN+3 giai đoạn 2018-2022.

Trước sự bùng phát của dịch Covid-19, y tế đang là một trong những ưu tiên của hợp tác ASEAN+3. Với kinh nghiệm đã từng ứng phó với các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là SARS (2003), các nước ASEAN+3 đã kích hoạt hệ thống ứng phó khẩn cấp, trong đó ngành hợp tác y tế ASEAN đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, song song với việc thúc đẩy hợp tác ở tất cả các cấp nhằm bảo đảm nỗ lực ứng phó toàn diện, hiệu quả đối với đại dịch.

Cụ thể, như: Triển khai họp trực tuyến khẩn cấp Quan chức cao cấp y tế ASEAN+3 (SOMHD+3) ngày 3/2/2020 nhằm trao đổi thông tin kịp thời về tình hình và các biện pháp ứng phó, ngăn chặn dịch bệnh ở cấp quốc gia và cấp khu vực. Ngày 13/3/2020, các Quan chức cao cấp y tế ASEAN+3 tiếp tục họp lại nhằm cập nhật tình hình, rà soát các biện pháp triển khai và phương hướng hợp tác ứng phó đại dịch thời gian tới. Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN+3 (AHMM+3) cũng đã họp hội nghị trực tuyến ngày 7/4/2020 nhằm đẩy mạnh hơn các nỗ lực chung ứng phó đại dịch Covid-19, tăng cường hợp tác chính sách và chiến lược về y tế; triển khai các sáng kiến trong lĩnh vực y tế như nghiên cứu khả năng lập lập mạng lưới EOC hợp tác giữa các nước ASEAN+3, phối hợp sản xuất thuốc, vacxin, trang thiết bị y tế, nâng cao năng lực hệ thống y tế quốc gia và khả năng sẵn sàng ứng phó trước dịch bệnh, đẩy mạnh hợp tác với các đối tác của ASEAN, các tổ chức khu vực và quốc tế và WHO.

Việt Nam, trong vai trò Chủ tịch ASEAN và ASEAN+3 trong năm 2020 sẽ chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt của lãnh đạo các nước ASEAN+3 về hợp tác ứng phó dịch bệnh Covid-19 qua hình thức trực tuyến vào 14 giờ chiều ngày 14/4, theo giờ Hà Nội. Dự kiến tại hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN+3 sẽ thông qua Tuyên bố chung nhấn mạnh quyết tâm và cam kết tăng cường phối hợp nỗ lực hợp tác giữa các nước ASEAN+3.

Bộ Ngoại giao thông tin, thời gian qua, là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã phối hợp với các nước ra Tuyên bố Chủ tịch về ứng phó của ASEAN trước dịch Covid-19, vừa cảnh báo nguy cơ dịch bệnh vừa khẳng định quyết tâm hợp tác khu vực, quốc tế trong chống dịch, phối hợp tổ chức nhiều cuộc họp với các đối tác như Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế nhằm cùng nhau sớm đẩy lùi và khống chế dịch bệnh.

Quỳnh Anh tổng hợp