Tin tức

Thực hiện chương trình xúc tiến thương mại (XTTM) năm 2020 đã được Bộ Công Thương phê duyệt, Thương vụ Việt Nam tại Algeria đã tổ chức chuyến công tác tại thị trường kiêm nhiệm Senegal từ ngày 8-14/3/2020 nhân dịp Đại sứ Nguyễn Thành Vinh trình Thư ủy nhiệm lên Tổng thống Senegal Macky Sall.

Trong thời gian ở Senegal, Thương vụ đã có các buổi làm việc với Bộ Thương mại và Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Phòng Thương mại, Công nghiệp và Nông nghiệp thủ đô Dakar, Cục Xúc tiến Thương mại, Ngân hàng Công Thương và Tòa án thương mại Senegal nhằm tăng cường hợp tác thương mại giữa hai nước và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm, thẩm tra đối tác.

thuc day hop tac kinh te thuong mai viet nam senegal
Đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam chụp ảnh cùng Tổng thống Senegal Macky Sall nhân lễ Trình Thư ủy nhiệm

Tại buổi tiếp Đại sứ Nguyễn Thành Vinh và Tham tán Thương mại Việt Nam Hoàng Đức Nhuận, bà Aminata Assome Diatta, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Các doanh nghiệp vừa và nhỏ Senegal cho biết, sẽ phối hợp với các bộ Công nghiệp và Ngoại giao nước này sớm có ý kiến trả lời về nội dung Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác thương mại và công nghiệp mà phía Việt Nam đã trao cho Senegal từ năm 2017. Phía Senegal cũng bày tỏ mong muốn đàm phán, ký Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác đầu tư và kinh doanh tại thị trường của nhau.

thuc day hop tac kinh te thuong mai viet nam senegal
Bà Aminata Assome Diatta, Bộ trưởng Bộ Thương mại và các doanh nghiệp vừa và nhỏ Senegal tiếp đoàn Việt Nam

Nước bạn cũng mong muốn Việt Nam chia sẻ về kinh nghiệm hội nhập kinh tế quốc tế, về các hiệp định tự do mậu dịch (FTA) giữa Việt Nam với những đối tác lớn trên thế giới; kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Senegal, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến nông sản như hạt điều, trái cây, sản xuất lúa, dịch vụ viễn thông; hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực kiểm định hàng hóa…

Nhân dịp này, hai bên nhất trí cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sang đầu tư, kinh doanh tại thị trường của nhau thông qua việc tổ chức các đoàn XTTM, tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế lớn như Vietnam Expo, Vietnam Food Expo, Foire internationale de Dakar…; Tích cực tham gia các hoạt động hợp tác thương mại liên vùng trong khuôn khổ chương trình hợp tác Nam-Nam của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF); Phát huy vai trò của các cơ quan XTTM, Thương vụ trong việc hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp...

Tại buổi làm việc với ông Mbaye Chimere NDIAYE, Tổng thư ký Phòng Thương mại, Công nghiệp và Nông nghiệp Dakar, hai bên đã trao đổi về tình hình hợp tác thương mại song phương, các mặt hàng có tiềm năng xuất nhập khẩu, danh sách hội chợ - triển lãm quốc tế, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu uy tín của hai nước và công tác phối hợp xác minh đối tác giúp doanh nghiệp Việt Nam. Ông Mbaye Chimere NDIAYE mong muốn tới đây sẽ cùng với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cụ thể hóa những nội dung trong Thỏa thuận hợp tác giữa hai Phòng TM và CN đã ký kết năm 2012.

Cũng trong thời gian ở Senegal, Tham tán Thương mại Việt Nam đã có buổi làm việc với Cục trưởng Cục XTTM Senegal để trao đổi danh sách doanh nghiệp xuất nhập khẩu uy tín; làm việc với đại diện Ngân hàng Công Thương Senegal (BICIS) và Bộ phận đăng ký kinh doanh của Tòa án Thương mại Senegal để xác minh khách hàng giúp doanh nghiệp Việt Nam; đi khảo sát hệ thống siêu thị, chợ truyền thống...

Phía Senegal cho biết, để phòng tránh hiện tượng lừa đảo qua mạng internet, doanh nghiệp Việt Nam cần liên hệ với Bộ phận đăng ký kinh doanh của Phòng Thương mại, Công nghiệp và Nông nghiệp Dakar và của Tòa thương mại Senegal trước khi tiến hành giao dịch.

Hệ thống phân phối hàng hóa của Senegal rất phát triển với nhiều siêu thị như Auchan, Carrefour, Casino... Hiện tại, gạo do Senegal sản xuất đã được bày bán với số lượng lớn tại các siêu thị bên cạnh gạo của Thái Lan và Ấn Độ. Hàng hóa Việt Nam ở đây còn rất ít, chủ yếu là hạt tiêu, bánh tráng, nước mắm phục vụ các nhà hàng châu Á. Gạo nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu dành cho dân nghèo ở các vùng xa thủ đô. Phần lớn gạo nhập khẩu vào Senegal là gạo tấm do giá thấp và do thói quen ăn gạo này có từ thời Pháp thuộc.

Tiềm năng thị trường

Senegal là một thị trường có nhiều tiềm năng với hàng hóa Việt Nam. Đây là quốc gia Tây Phi ổn định về chính trị nhất trong khu vực, có nền kinh tế mở, là nơi đặt trụ sở Ngân hàng Trung ương các quốc gia Tây Phi, có cảng biển quốc tế Dakar và hệ thống đường sắt, là nơi trung chuyển hàng hóa trong vùng. Senegal là thành viên của Liên minh kinh tế-tiền tệ Tây Phi (UEMOA) gồm 8 quốc gia nói tiếng Pháp và Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS) gồm 15 nước có biểu thuế nội khối ở mức 0%. Senegal là một trong số các nước châu Phi có tỷ lệ tăng trưởng GDP cao với tỷ lệ 6,7% năm 2018 và 6% năm 2019. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), GDP của Senegal năm 2019 đạt 23,9 tỷ USD, GDP bình quân đầu người là 1.428 USD. Thâm nhập thị trường này, hàng hóa Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu 16 triệu người tiêu dùng Senegal mà còn có cơ hội cung cấp cho các nước khác trong khối, nhất là các quốc gia láng giềng như Mali, Guinea Bissau, CH Guinea và Mauritania.

Mặc dù thực hiện chính sách tự cấp lương thực từ nhiều năm nay song Senegal chưa thể đáp ứng được nhu cầu về gạo trong nước, mỗi năm vẫn phải nhập khẩu từ 700-900 nghìn tấn. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Senegal đạt 52,56 triệu USD (trong đó riêng gạo chiếm 32 triệu USD), tăng 103% so với cùng kỳ 2018 và kim ngạch nhập khẩu đạt 15 triệu USD, giảm 50%. Trong 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang thị trường này đạt 3,5 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh mặt hàng gạo, Việt Nam còn có nhiều tiềm năng thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm dệt may, bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc, linh kiện phụ tùng xe máy, sắt thép các loại, hạt tiêu, tinh bột sắn, sản phẩm bằng cao su, máy nông nghiệp…Về nhập khẩu, Việt Nam mua của Senegal các mặt hàng bông, điều thô, hải sản, thức ăn gia súc phục vụ sản xuất, chế biến trong nước và xuất khẩu.

Ngoài thương mại hàng hóa thông thường, “Kế hoạch Senegal nổi lên” giai đoạn hai do Tổng thống đương nhiệm Macky Sall khởi xướng từ năm 2014 nhằm đưa Senegal trở thành một nền kinh tế mới nổi vào năm 2035, đang mở ra nhiều cơ hội về đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực chế biến nông sản (bông, điều, xoài), khai thác mỏ (vàng, dầu khí). Việc phát hiện ra dầu lửa ngoài khơi và dự kiến đi vào khai thác năm 2021 sẽ mang lại nguồn lợi kinh tế quan trọng cho quốc gia Tây Phi này.

Senegal đang tích cực triển khai nhiều biện pháp cải cách và mở cửa nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường đào tạo nguồn nhân công chất lượng cao, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài thông qua những ưu đãi về thuế mà nước này được hưởng khi xuất khẩu sang Liên minh kinh tế tiền tệ Tây Phi (UEMOA), Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), EU và thị trường Hoa Kỳ.

Mạnh Tiến, Bộ TTTT