Tin tức

Theo Báo cáo triển vọng kinh tế Đông Nam Á mới nhất của Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW), tăng trưởng kinh tế trên toàn khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ chậm lại ở mức 4,2% vào năm 2020 do tác động của dịch Coronavirus (Covid-19) ảnh hưởng đến du lịch, làm gián đoạn chuỗi cung ứng khu vực và giảm chi tiêu hộ gia đình.    

Kỳ vọng phục hồi vào cuối năm

Tác động bất lợi của sự bùng phát dịch Covid-19 đối với nền kinh tế Trung Quốc đã lan rộng đáng kể tới khu vực Đông Nam Á, bởi dòng chảy du lịch và chi tiêu hộ gia đình thấp hơn cùng mức độ gián đoạn của các chuỗi cung ứng. Như vậy, những nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch và xuất khẩu sẽ chịu tác động nhiều nhất. Thái Lan là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong số các nền kinh tế Đông Nam Á, còn Việt Nam và Singapore sẽ chịu ảnh hưởng từ sự gián đoạn nguồn cung và hạn chế du lịch. Trong khi đó, do ít phụ thuộc vào du lịch nên tăng trưởng của Indonesia được dự đoán sẽ chịu tác động ít hơn.

du bao tang truong gdp dong nam a giam con 42 do dich covid 19

Tuy nhiên, dịch Covid-19 được dự đoán sẽ chỉ tác động đến du lịch và chuỗi cung ứng trong ngắn hạn, sẽ có sự phục hồi đáng kể trong nửa cuối năm 2020. Tăng trưởng dự kiến sẽ tăng trở lại 5% vào năm 2021, nhờ các chính sách vĩ mô phù hợp và kích thích tài khóa.

Thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như chu kỳ phục hồi của nền kinh tế toàn cầu trong nửa cuối năm cho thấy triển vọng bên ngoài của khu vực. Đà xuất khẩu và nhập khẩu dự kiến sẽ cải thiện đáng kể trong suốt thời gian còn lại của năm. Nới lỏng chính sách tiền tệ trong khu vực và chủ động tăng chi tiêu cũng sẽ hỗ trợ thêm cho nhu cầu trong nước và giảm bớt một phần tác động của dịch bệnh. Nhìn chung, tăng trưởng GDP trên toàn khu vực được dự báo sẽ giảm xuống còn 4,2% vào năm 2020, giảm từ 4,5% vào năm 2019, tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Bà Sian Fenner, Cố vấn kinh tế của ICAEW và Trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế Châu Á – Oxford Economics nhận định, trong khi tác động của đợt bùng phát Covid-19 sẽ lớn hơn SARS do sự dịch chuyển nhiều hơn của người dân và sự phụ thuộc lẫn nhau trong chuỗi cung ứng, hy vọng rằng hầu hết các tác động kinh tế sẽ xảy ra trong quý 1/ 2020 và tăng trưởng sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2020.

“Vì vậy, chúng tôi hạ dự báo tăng trưởng cho khu vực năm 2020 xuống còn 4.2%, và tiếp tục đà phục hồi tăng trưởng lên khoảng 5% vào năm 2021.” - Bà Sian Fenner cho hay.

Phụ thuộc chính sách vĩ mô phù hợp

Trong bối cảnh triển vọng kinh tế đang xấu đi, các chính sách tiền tệ mở rộng và kích thích tài khóa sẽ giúp làm giảm tác động từ dịch bệnh. Thái Lan, Malaysia và Philippines đã cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm, với Indonesia có khả năng tiếp tục cắt giảm thêm trong quý 1/2020. Tại Singapore, Cơ quan Quản lý tiền tệ (MAS) có thể sẽ chuyển sang chính sách không tăng giá đồng tiền đối với biên độ nội tệ trong giao dịch thương mại vào tháng 4.

Về mặt tài chính, Singapore đưa ra gói hỗ trợ kinh tế lớn hơn dự kiến (1,2% GDP) trong Ngân sách 2020 để giúp nền kinh tế của nước này đối phó với những khó khăn do đợt bùng phát dịch bệnh. Trong khi đó, Thái Lan và Malaysia gần đây cũng đã áp dụng những chính sách tương tự.

Ông Mark Billington, Giám đốc ICAEW khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc cho biết: “Chúng tôi vẫn thận trọng cho rằng nếu dịch bệnh kéo dài, chi tiêu dài hạn có thể bị ảnh hưởng, làm hạ mức tăng trưởng hơn nữa. Hiện tại, chúng tôi dự đoán tác động của Covid-19 sẽ cao, nhưng tồn tại trong thời gian ngắn và sẽ được cải thiện nhờ các chính sách kích cầu nội địa của các quốc gia.”

Cũng theo báo cáo này, dưới tác động từ sự bùng phát của virus tuy có thể ngắn hạn nhưng khiến bối cảnh bên ngoài chịu thách thức, GDP của Singapore có thể sẽ chậm lại 1% vào năm 2020. Singapore đã phải đóng cửa biên giới với du khách đến từ Trung Quốc, Iran, miền bắc Italy và Hàn Quốc khiến các ngành dịch vụ du lịch bị ảnh hưởng nặng nề trong quý 1/2020. Ngoài ra, xuất khẩu dịch vụ của Singapore có thể sẽ giảm mạnh, chỉ được bù đắp một phần bởi nhập khẩu dịch vụ do mối quan hệ song phương chặt chẽ với. Chi tiêu tư nhân cũng sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn so với dự đoán ban đầu.

Nhìn về triển vọng tương lai, Ngân sách Singapore 2020 - một trong những ngân sách lớn nhất trong lịch sử, sẽ hỗ trợ nền kinh tế khỏi các tác động kinh tế tiêu cực do đợt bùng phát Covid-19. Gói cứu trợ tài chính của Chính phủ (1,2% GDP) và gói 6,4 tỷ SGD để hỗ trợ chi phí tiền lương cho người lao động, doanh nghiệp và các hộ gia đình. Các khoản đầu tư cố định dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng khả quan với các dự án công lớn, như Nhà ga số 5 của Sân bay Changi và Hành lang Bắc-Nam trong những tháng tới.

Báo cáo cũng cho thấy, nền kinh tế Thái Lan kết thúc năm 2019 với sự tăng tưởng suy yếu trên diện rộng, GDP chậm lại tới 1,6% so với cùng kỳ trong quý 4/2019. Cùng với những “cơn gió ngược” từ sự bùng phát Covid-19 và sự chậm trễ trong chi tiêu của Chính phủ, Thái Lan dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất trong số các nền kinh tế Đông Nam Á. Ngành du lịch và chi tiêu hộ gia đình của Thái Lan sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự bùng phát, đặc biệt là trong quý 1/2020. Ngoài ra, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và nhu cầu nhập khẩu thấp hơn của Trung Quốc sẽ tác động tiêu cực đến ngành sản xuất công nghiệp và xuất khẩu hàng hóa của Thái Lan.

Tuy nhiên, với cách chính sách vĩ mô phù hợp, Thái Lan có thể mong đợi sự phục hồi vững chắc trong tăng trưởng kinh tế vào nửa cuối năm 2020. Đến nay, Ngân hàng Thái Lan đã cắt giảm lãi suất xuống mức thấp 1% trong tháng 2 để chống lạm phát cùng với các biện pháp tài khóa khác. Chính phủ nước này có thể sẽ công bố hỗ trợ thêm cho các hộ gia đình và ngành du lịch, với gói tài chính kích cầu bổ sung. Nhìn chung, tăng trưởng GDP của Thái Lan dự kiến sẽ chậm lại 1,9% vào năm 2020, thể hiện sự tăng trưởng chậm lại từ 2,4% trong năm 2019.

Thanh Tùng, Bộ Công Thương