Tin tức

Tuy đạt kim ngạch xuất khẩu kỷ lục mới với 11,2 tỷ USD, nhưng đồ gỗ nội thất Việt Nam mới chiếm khoảng 6% trong 150 tỷ USD thương mại đồ gỗ nội thất toàn cầu.

Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu lên tới trên 19%, ngành lâm nghiệp ngày càng chiếm tỷ trọng cao và đóng góp quan trọng trong tăng trưởng xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp.

xuat khau do go vuon xa can hoan thien nhung manh ghep
Khách quốc tế tham quan hội chợ VIFA-EXPO 2019.Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu về xuất khẩu đồ gỗ nội ngoại thất tại thị trường EU

Do vậy, ngành đang được kỳ vọng có thể chạm mức xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025 nếu được quy hoạch và thực thi một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, để doanh nghiệp có thể phát triển bền vững và xứng với tiềm năng thì vẫn còn những mảnh ghép cần hoàn thiện.

Cơ hội cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến gỗ đang mở rộng, phát triển thị phần xuất khẩu.

Bởi, tuy đạt kim ngạch xuất khẩu kỷ lục mới với 11,2 tỷ USD, nhưng đồ gỗ nội thất Việt Nam mới chiếm khoảng 6% trong 150 tỷ USD thương mại đồ gỗ nội thất toàn cầu.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, cũng như những khó khăn nội tại. Điển hình là sự chuyên môn hóa trong chế biến gỗ vẫn còn hạn chế.

Ông Trần Thiên, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thanh Hòa, ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho rằng việc phân công lao động, chuyên môn hóa lao động, Việt Nam gần như là “đi chân không, không đem giày.”

Hiện nay, ngành chế biến gỗ Việt chưa có phân hóa này. Doanh nghiệp cái gì cũng phải làm từ A đến Z. Nhiều doanh nghiệp hàng đầu của ngành chế biến gỗ Việt đã phá sản vì điều này.

Hiện ở phía Nam, các doanh nghiệp đã có một chút phân công lao động, có đơn vị chuyên xẻ gỗ, sơ chế hay chuyên chế biến tinh.

Nhưng việc phân công chi tiết hơn, thậm chí doanh nghiệp chỉ làm từng chi tiết để lắp ráp thì chưa có. Nhiều doanh nghiệp không muốn đầu tư vào sơ chế vì vốn đầu tư lớn với 2/3 vốn là cho nhà máy mà giá trị đem lại không cao.

Lý giải nguyên nhân này, ông Trần Thiên cho biết do văn hóa hợp tác kinh doanh của người Việt và vấn đề pháp luật chưa hỗ trợ cho câu chuyện này. Hợp đồng lao động không có ý nghĩa gì, không ràng buộc về mặt pháp lý nên đạo đức, văn hóa kém gây ra đổ vỡ liên tục. Quá trình làm thiếu trách nhiệm gây thiệt hại dẫn đến doanh nghiệp sợ không dám giao cho ai, tự mình phải làm.

Ở một góc nhìn khác, ông Trần Việt Tiến, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết nếu giữ cách làm hiện nay và để có gấp đôi kim ngạch xuất khẩu thì phải nhân đôi nhân công, nhà xưởng. Điều này là không thể. Nguồn nhân lực đang có xu hướng khan hiếm dần, dịch chuyển sang nhiều ngành khác từ làn sóng dịch chuyển đầu tư sản xuất từ các nước vào Việt Nam.

Trong khi đó, lực lượng lao động được đào tạo bài bản chưa đáp ứng đúng kỳ vọng của doanh nghiệp, đa phần phải đào tạo lại, nhất là nhân lực cho các khâu vận hành máy móc công nghệ hiện đại, thiết kế, quản lý sản xuất…

Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại, những tác động tích cực từ Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) đẩy nhu cầu bất động sản công nghiệp trong nước ngày càng cao.

Những áp lực chuyển đổi số buộc các doanh nghiệp phải thích nghi nhanh từ thiết kế, công nghệ sản xuất, đặc biệt là thương mại số.

Về hướng đi, ông Trần Việt Tiến cho rằng ngành chế biến gỗ cần khai thác giá trị gia tăng từ thương hiệu, thiết kế, thương mại. Việt Nam còn 3 yếu tố tạo ra giá trị chưa được khai thác hết, trong khi các nước xuất khẩu đồ gỗ đứng top trên Việt Nam đã khai thác tốt những giá trị này.

Ngoài ra, Việt Nam có diện tích rừng trồng lớn giúp cho nền chế biến gỗ có nhiều lựa chọn hơn và là nguồn gỗ hợp pháp. Ngành gỗ được mở ra nhờ xu hướng bảo vệ môi trường.

Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong nội thất và thi công, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng kiến trúc AA (AA), cho biết AA hiện có các công ty con tại Nhật Bản, Campuchia, Mỹ, Singapore, Myanmar, Bhutan.

Sản phẩm của công ty đã xuất khẩu sang 40 thị trường, nhưng những năm qua AA vẫn ưu tiên thị trường trong nước. Tuy nhiên, từ năm 2020-2025, AA sẽ thiên về xuất khẩu bằng việc đầu tư phát triển nhà máy, thị trường.

Ông Nguyễn Chánh Phương cũng cho biết trước đây AA mạnh về nhân công, tay nghề cao, nay sẽ thiên về thiết kế. Bởi AA chủ yếu thực hiện dự án cung cấp các dịch vụ nội thất cho các công trình sang trọng: khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp 5 sao, tàu du lịch, nhà hàng cao cấp…

Trước mắt, để có nguồn lực thiết kế đủ mạnh, AA liên kết với nhà thiết kế quốc tế để tạo giá trị gia tăng.

Với mục tiêu Chính phủ giao năm 2025 xuất khẩu lâm sản phải đạt 20 tỷ USD, theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, đây là con số rất lớn.

Để đạt được mục tiêu này, ngành phải phát triển bền vững dựa trên nền tảng liên kết, tạo ra chuỗi giá trị từ khâu sản xuất tới khâu xuất khẩu. Phát triển chuỗi giá trị bền vững trong lâm nghiệp là một điều kiện sống còn trong ngành gỗ.

Ông Đỗ Xuân Lập cho rằng các doanh nghiệp phải định vị lại được tình trạng doanh nghiệp đang ở trạng thái nào, bỏ đi sự tự mãn, tự ti, hẹp hòi, mở rộng cánh tay để nối dài sức mạnh, coi việc “buôn có bạn, bán có phường” như là phương châm để phát triển doanh nghiệp trong tình hình mới. Cùng với đó, Nhà nước cũng nên có chiến lược phù hợp cho ngành gỗ phát triển, có thể đặt nó là ngành kinh tế mũi nhọn.

“Một trong những tiêu chuẩn của phát triển bền vững dựa trên sự liên kết chuỗi là phải có quy mô lớn với năng lực cung ứng, có vị thế trên thế giới. Do vậy, Nhà nước cần quy hoạch xây dựng 5 trung tâm đồ gỗ lớn của cả nước tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Định và Nghệ An,” ông Đỗ Xuân Lập kiến nghị.

Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cho biết ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, chú trọng duy trì và tăng trưởng tại 5 thị trường có giá trị xuất khẩu cao gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc; mở rộng thị phần tại một số thị trường tiềm năng khu vực Nam Mỹ, Nga, Australia, Canada, Ấn Độ...

Để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đặc biệt là Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng và sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về Hệ thống gỗ hợp pháp Việt Nam; Nghị định về chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản trong lâm nghiệp.

“Ngành tổ chức tốt việc thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT để đến đầu năm 2021 có lô hàng đầu tiên được cấp giấy phép VPA/FLEGT khi xuất khẩu gỗ vào EU. Khi đó, con đường của gỗ Việt đến với EU sẽ hoàn toàn rộng mở,” ông Nguyễn Quốc Trị cho hay.

Bên cạnh đó, ngành lâm nghiệp sẽ tiếp tục chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng thông qua kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng giống cây trồng lâm nghiệp, kết hợp tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tập quán canh tác trồng rừng từ quảng canh sang thâm canh rừng.

Để cung ứng gỗ nguyên liệu trong nước có chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo quy định pháp luật, hài hòa với tiêu chí của quốc tế, ngành đẩy nhanh triển khai thực hiện Đề án Quản lý rừng bền vững.

Đặc biệt, để tạo giá trị gia tăng sản phẩm, ngành sẽ hướng đến chấm dứt xuất khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ sơ chế và bán thành phẩm đồ gỗ, đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trong chế biến gỗ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tiết kiệm nguyên liệu trong chế biến.

Ngô Nam, Văn phòng SPS Việt Nam