Tin tức

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về những giải pháp giữ ổn định và tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu của Bộ Công Thương TS. Đặng Kim Sơn – Giám đốc Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế nông nghiệp đánh giá cao các giải pháp đã đưa ra và cho rằng, trong dài hạn cần có những thay đổi chính sách để hàng hoá của Việt Nam, nhất là nông sản xuất khẩu giảm phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường

Nhằm ngăn chặn dịch nCoV lây lan, nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc đã hạn chế và tạm dừng hoạt động xuất, nhập khẩu (XNK) qua biên giới. Ông đánh giá như thế nào về tác động của những biện pháp này đến hoạt động giao thương, nhất là với các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam?

ho tro tang truo ng xua t kha u giai phap phu hop hieu qua song can tinh den dai han
TS. Đặng Kim Sơn – Giám đốc Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế nông nghiệp

TS. Đặng Kim Sơn: Dịch bệnh nCoV không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người mà còn tác động làm suy giảm hoạt động sản xuất, tiêu dùng, giao thương hàng hoá ở cả thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, khi Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh đã làm gián đoạn hoạt động (XNK), ứ đọng hàng hoá. Trong khi đó, với người sản xuất, nhất là nông dân cũng sẽ bị tác động gián tiếp bởi các doanh nghiệp (DN), thương nhân hoạt động thương mại, XK giảm lượng hàng hoá mua vào, đặc biệt là các sản phẩm nông sản tươi sống dễ hỏng, dễ chịu thối, gây nên khủng hoảng thừa cục bộ kéo theo thiệt hại về kinh tế.

Trên thực tế, từ khi dịch NcoV xảy ra, một số mặt hàng nông, thuỷ sản, như: thanh long, dưa hấu của các tỉnh phía Nam đã bắt đầu tồn đọng do phía Trung Quốc hạn chế, thậm chí đóng cửa các cửa khẩu phụ, lối mở, điểm xuất hàng và cả chợ biên giới. Trong những ngày qua, khu vực cửa khẩu tại các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh… đã xảy ra tình trạng ùn ứ hàng trăm xe chẻ nông sản XK.

Những tác động của dịch nCoV đã ảnh hưởng trực tiếp đến kim ngạch XNK của Việt Nam với Trung Quốc, cụ thể tổng trị giá XNK trong tháng 1/2020 đạt 8,29 tỷ USD, giảm sâu tới 25,8% so với tháng 12/2019 và giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, XK đạt 2,75 tỷ USD, giảm 35,3% so với tháng 12/2019 và NK đạt 5,54 tỷ USD, giảm 20,1%.

Để giữ ổn định và tiếp tục thúc đẩy XK, Chính phủ, các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã có nhiều giải pháp. Ông đánh giá như thế nào về những giải pháp cấp bách trong thời gian vừa qua, đặc biệt là công tác phối hợp giữa hai bộ Công Thương và Nông nghiệp?

TS. Đặng Kim Sơn: Ngay từ đầu năm 2020, các Bộ Công Thương và NN&PTNT đã nhấn mạnh đến những khó khăn trong hoạt động XNK nhất là nông sản mà chúng ta phải đối mặt và đã chủ động đưa ra các giải pháp ứng phó. Tuy nhiên, phải nói rằng với một “đòn đánh” bất ngờ từ dịch nCoV với quy mô toàn cầu như hiện nay thì chắc chắn sẽ khó khăn cho sản xuất và XK hàng hoá, trong đó có nông sản. Trong điều kiện đó, tôi cho rằng, Bộ Công Thương chủ trương đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong nước, tiếp tục duy trì, giữ ổn định tại thị trường Trung Quốc và tìm kiếm, mở rộng thị trường thay thế là rất phù hợp. Đặc biệt, Bộ đã chủ động kết nối với các siêu thị, hệ thống phân phối trong nước để bao tiêu sản phẩm cho người sản xuất, đồng thời chỉ đạo các DN logistic phát triển các dịch vụ hậu cần, kho bãi, hỗ trợ bảo quản hàng hoá, nhất là các mặt hàng nông sản chưa XK được đã giúp giảm áp lực tồn đọng, thậm chí phải đổ bỏ sản phẩm do hư hỏng.

Việc Bộ Công Thương chủ động phối hợp với Bộ NN&PTNT và các địa phương tổ chức nghiên cứu, phân tích thị trường và kịp thời có những khuyến nghị đến người sản xuất, DN và trực tiếp hỗ trợ giải phóng hàng hoá tồn đọng tại các cửa khẩu thông thương với Trung Quốc được xem là động thái rất tích cực. Và thực tế trong những ngày gần đây, số lượng xe hàng ùn ứ tại các cửa khẩu đã được thông quan qua cửa khẩu quốc tế thay vì các cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở.

Với nhận định dịch nCoV tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có những quốc gia là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam., ông có khuyến nghị gì với Chính phủ, Bộ Nông nghiệp, Bộ Công Thương trong việc duy trì, phát triển thị trường xuất khẩu nhằm tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam.

TS. Đặng Kim Sơn: Những giải pháp vừa qua của Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành được đánh giá là phù hợp và kịp thời. Tuy nhiên tôi cho rằng, đây chỉ là những giải pháp tình thế trong ngắn hạn, còn về dài hạn, các Bộ, ngành, cụ thể là Bộ Công Thương cần tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT cũng như các ngành, địa phương thực hiện tái cơ cấu sản xuất, không chỉ với các mặt hàng nông sản, theo hướng bám sát tín hiệu thị trường. Đặc biệt, các Bộ cần có giải pháp kết nối, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ… theo các tiêu chuẩn mới của các quốc gia NK, nhất là những quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do. Tôi khẳng định rằng, người sản xuất và DN nông nghiệp của Việt Nam có thể sản xuất bất kỳ nông sản nào mà điều kiện khí hậu nhiệt đới cho phép với quy mô đủ lớn. Tuy nhiên, vấn đề mà nông dân và DN lo ngại nhất vẫn là thị trường tiêu thụ. Hãy nhìn vào con số 1% trong tổng số DN hoạt động trong ngành nông nghiệp thì có thể thấy những bất ổn của lĩnh vực này.

Vì vậy, cùng với các Bộ, ngành khác, Bộ Công Thương có vai trò hết sức quan trọng trong việc tìm kiếm, mở rộng và giữ thị trường tiệu thụ hàng hoá. Không chỉ với thị trường Trung Quốc mà cần đẩy mạnh khai thác các thị trường châu Âu, châu Phi, Hoa Kỳ… trong đó, công tác nghiên cứu, đánh giá quy mô, nhu cầu, năng tiêu thụ, những chính sách và các tiêu chuẩn kỹ thuật… là hết sức cần thiết.

Chúng ta có hệ thống các cơ quan Đại sứ, Tham tán thương mại tại nước ngoài, đây chính là nguồn thông tin quan trọng không chỉ giúp Chính phủ trong việc xây dựng chính sách ngoại thương mà còn là kênh kết nối, giới thiệu sản phẩm Việt Nam và cung cấp thông tin hữu ích để người sản xuất, DN trong nước chủ động điều tiết sản xuất, kinh doanh.

Tôi muốn nhấn mạnh thêm, Bộ Công Thương cần có giải pháp để các DN trong và ngoài nước thay đổi được mối quan hệ quan hệ “mua đứt, bán đoạn” đơn thuần qua các hợp đồng kinh tế sang quan hệ đầu tư dài hạn bằng cơ chế khuyến khích nhà các đầu tư, chuyển giao công nghệ sản xuất, chế biến trực tiếp tại các vùng sản xuất và kết nối với chuỗi tiêu thụ cả trong và ngoài nước trong dài hạn.

Thu Hiên, Tạp Chí Cộng sản