Tin tức

Sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thông qua ngày 8/6/2020, đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp miền Trung đã có những chia sẻ, kỳ vọng cũng như có những định hướng phát triển khi tiếp cận với thị trường đầy tiềm năng và thách thức của EU.    

Niềm tin từ EVFTA

Ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Thuận Phước, Chủ tịch Hiệp hội nghề cá Đà Nẵng cho biết, tôi đã có niềm tin chắc chắn EVFTA sẽ được quốc hội thông qua vì tính toàn diện và các cơ hội của hiệp định mang đến cho doanh nghiệp, mà lớn hơn nữa là cho việc cải cách thể chế của Việt Nam. Cũng như sự nỗ lực của đoàn đàm phán và việc Bộ Công Thương chuẩn bị tài liệu chu đáo, cụ thể và đầy đủ, rất thuyết phục khi trình bày trước Quốc hội. "Bây giờ, chúng ta đã chính thức trở thành người chơi trên sân chơi thương mại Việt Nam – EU. Tôi cũng tin tưởng EVFTA sẽ tạo cú hích mạnh mẽ cho kinh tế Việt Nam phục hồi sau Covid – 19" - ông Lĩnh nói

evfta doanh nghiep mien trung thay doi de thich ung cuoc choi
Ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Thuận Phước, Chủ tịch Hiệp hội nghề cá Đà Nẵng

Còn theo ông Nguyễn Đức Trị - Chủ tịch HĐQT Dệt may Hòa Thọ cho biết, việc Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua hiệp định ở thời điểm hiện tại là một quyết định đúng đắn.

Theo ông Trị, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thì với việc thực thi Hiệp định EVFTA doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19. Đồng thời cũng là cơ hội tốt giúp Việt Nam bước vào để lấp đầy chỗ trống trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đây là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp khôi phục và thúc đẩy việc sản xuất kinh doanh sau giai đoạn dịch bệnh. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội được mở rộng và đa dạng hóa hơn, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định. Ngoài ra với lộ trình giảm thuế từ 7-10 năm, EVFTA có hiệu lực sẽ tạo ra các tác động đáng kể và lâu dài đến sự phát triển kinh tế và triển khai chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam.

EVFTA không chỉ có hàm nghĩa hẹp trong quan hệ Việt Nam - EU. Với Việt Nam, hiệp định này giúp chúng ta đa dạng hóa đối tác, mở rộng không gian chiến lược trong bối cảnh địa - chính trị và kinh tế thế giới có nhiều diễn biến bất định. EVFTA sẽ có tác dụng như đòn bẩy, kích thích các đối tác khác tăng cường quan hệ với Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực thương mại - đầu tư. Các cam kết của EVFTA liên quan đến nhiều lĩnh vực và đều hướng tới các tiêu chuẩn cao, góp phần đưa các doanh nghiệp Việt Nam có chỗ đứng trong chuỗi cung ứng - chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

evfta doanh nghiep mien trung thay doi de thich ung cuoc choi
Ông Nguyễn Đức Trị - Chủ tịch HĐQT Dệt may Hòa Thọ đánh giá cao vai trò Bộ Công Thương trong việc Hiệp định EVFTA được thông qua

Cũng theo Chủ tịch HĐQT Dệt may Hòa Thọ, vai trò của Bộ Công Thương là rất quan trọng trong quá trình đàm phán, báo cáo, thông tin cho đến khi được Quốc hội thông qua Hiệp định. Trong đó, Bộ Công Thương đã chuẩn bị tốt hồ sơ trình Quốc hội về việc phê chuẩn EVFTA, các nội dung gồm xây dựng pháp luật, thể chế, cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thực thi Hiệp định EVFTA ngay khi Hiệp định có hiệu lực; Xây dựng kế hoạch thực hiện (chương trình hành động) cho Bộ, cho các bộ ngành địa phương; Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định đến cộng đồng doanh nghiệp và cán bộ quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương.

Bà Cao Thị Kim Lan – Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định cho biết, tôi rất vui mừng vì EVFTA được Quốc hội thông qua. Cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản Việt Nam vào EVFTA rộng mở hơn bao giờ hết. Nếu thẻ vàng IUU của Ủy ban Châu Âu như một đòn giáng mạnh vào xuất khẩu thủy sản Việt Nam thì việc thông qua EVFTA mở toang cánh cửa và là động lực để doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam quay lại “chinh phục” và tăng thị phần tại thị trường EU.

Bài toán duy nhất hiện nay của thủy sản đó là cần phải cấp bách tháo gỡ cảnh cáo của Ủy ban Châu Âu (EC) về nguồn gốc xuất xứ thủy sản. Mà điều này cần sự vào cuộc đồng bộ của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, các địa phương, các cảng cá và cả bản thân ngư dân. Có như vậy, các lô hàng thủy sản mới đủ điều kiện cấp chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, EC mới gỡ “thẻ vàng” và doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản mới tận dụng được các ưu đãi về thuế trong hạn ngạch cho phép của EU, từ đó, thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng trưởng trở lại.

evfta doanh nghiep mien trung thay doi de thich ung cuoc choi
Sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ hưởng lợi từ chính sách ưu đãi thuế quan mà còn được tiếp cận với những tiến bộ khoa hoc, công nghệ, máy móc hiện đại

Doanh nghiệp cần thay đổi để thích ứng

Việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA sẽ đem lại nhiều lợi ích, thúc đẩy gia tăng thương mại hai chiều giữa Việt Nam - EU, tăng quy mô xuất khẩu một số ngành hàng thế mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, để thích ứng với “sân chơi” này đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp Việt Nam cần có những thay đổi về để phù hợp với quy định của EVFTA.

Ông Trần Văn Lĩnh chia sẻ, bây giờ, nhiệm vụ của các nhà quản lý là thay đổi cơ chế cho phù hợp và thích ứng với EVFTA. Còn doanh nghiệp – người chơi chính buộc phải thay đổi mới có thể tận dụng được các ưu đãi của hiệp định.

Theo ông Lĩnh, xuất khẩu hàng hóa vào Châu Âu lợi nhuận ổn định, tương đối tốt. Nhưng nếu vi phạm các tiêu chuẩn vào EU doanh nghiệp đừng nghĩ đến việc sẽ được trả hàng trở lại mà phải tốn một khoản lớn chi phí để đền bù thiệt hại hợp đồng và chi phí tiêu hủy lô hàng đó tại Châu Âu, bị kiểm soát gắt gao tất cả các lô hàng về sau. Mọi tranh chấp, vi phạm tại Châu Âu sẽ được xử lý bằng trọng tài quốc tế. Hợp đồng mua bán vào EU phải đảm bảo tuyệt đối về số lượng, chất lượng, tiến độ giao hàng. Hàng hóa sau khi lưu thông còn có một lực lượng rất đông tổ chức, người tiêu dùng đánh giá về khâu hậu kiểm.

Đối với các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam điều đó không đơn giản. Tuy nhiên, chúng ta cũng có những lợi thế mà không phải quốc gia nào cũng có được, vì vậy, nếu doanh nghiệp chịu thay đổi, tận dụng tốt các ưu đãi, chúng ta sẽ thực hiện được mục tiêu GDP tăng trưởng trên 7%. “Thực hiện tốt được điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Việt Nam có đủ sức để cạnh tranh tại tất cả các thị trường khó tính khác và nhiều cơ hội hơn tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu, bỏ được việc phụ thuộc vào một vài thị trường”, ông Lĩnh cho biết thêm.

evfta doanh nghiep mien trung thay doi de thich ung cuoc choi
Ông Lê Minh Thiện – Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản (FPA) Bình Định cho rằng các doanh nghiệp ngành gỗ cần đầu tư năng lwucj sản xuất, xây dựng chiến lược, mô hình kinh doanh mới

Ông Lê Minh Thiện – Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản (FPA) Bình Định cho rằng, đi đôi với cơ hội từ EVFTA, ngành gỗ cũng xác định rõ những thách thức không hề nhỏ như: EVFTA đặt ra các cam kết thực thi hiệu quả các tiêu chuẩn cơ bản của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), các Hiệp định Đa phương về Môi trường mà Việt Nam đã ký kết, nổi bật là vấn đề môi trường và lao động, thúc đẩy thực hiện trách nhiệm xã hội (CSR), minh bạch và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp trong khi Việt Nam còn là một quốc gia đang phát triển.

Bên cạnh đó, để EVFTA được EU phê chuẩn thì Hiệp định đối tác tự nguyện VPA FLEGT trở thành một bộ phận không thể thiếu của EVFTA. VPA FLEGT vừa là cơ hội, nhưng cũng chính là thách thức lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ trong việc tuân thủ toàn bộ các quy định từ hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp, đặc biệt là vấn đề thủ tục hành chính đi theo hệ thống này… “Do vậy, để tận dụng những cơ hội cũng như khắc phục thách thức, FPA Bình Định khuyến nghị Hội viên tăng cường đầu tư vào năng lực sản xuất kinh doanh cốt lõi, xây dựng lại chiến lược, mô hình kinh doanh như chuyển đổi sản xuất đồ gỗ ngoài trời sang đồ nội thất, nhất là dòng hàng có khả năng chuyên môn hóa cao, nhu cầu thị trường rất lớn; nâng cao nhận thức về quản trị điều hành nhân lực và tài chính, tăng chất lượng hàng hóa và dịch vụ, đẩy nhanh cấp mã REX cho doanh nghiệp xuất khẩu theo quy định, tiêu chuẩn EU…

"Về phía Hiệp hội, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến EVFTA, phối hợp với Forest Trends, SIPPO, ITC… cung cấp thông tin xúc tiến thương mại ngành gỗ cho Hội viên thông qua các hội nghị, hội thảo với Bộ Nông nghiệp & PTNT, Bộ Công Thương, VCCI, VIFOREST, các Hiệp hội ngành hàng; Phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế như ILO, FAO triển khai các dự án về xây dựng hệ thống trách nhiệm giải trình bảo đảm gỗ hợp pháp, về thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR), phát triển doanh nghiệp bền vững (SCORE)"…, ông Thiện cho biết thêm.

evfta doanh nghiep mien trung thay doi de thich ung cuoc choi
Ông Phạm Bắc Bình – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Đà Nẵng

Theo ông Phạm Bắc Bình – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Đà Nẵng cho rằng, thời gian tới Bộ Công Thương có những hướng dẫn, tuyên truyền cụ thể về Hiệp định EVFTA, các tổ chức hiệp hội quan tâm cung cấp thông tin rõ ràng cho doanh nghiệp về thời hạn, chi tiết của EVFTA các vấn đề về pháp chế, ưu đãi thuế quan, quy tắc xuất xứ hàng hóa, lợi ích trước mắt và lâu dài mà người dân có thể hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA. Tiếp tục thực hiện các cải cách thủ tục hành chính theo hướng “đơn giản, nhanh gọn” và có bộ phận theo dõi hỗ trợ cho doanh nghiệp về thủ tục, chính sách ngay khi gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện EVFTA. Đặc biệt, các Sở Công Thương địa phương xây dựng Bản đồ Ngành nghề của mình để có kế hoạch xây dựng cơ chế, chính sách và chuẩn bị quỹ đất để phát triển mở rộng về các lĩnh vực có lợi thế trong EVFTA như ngành gỗ, may mặc, thủy sản, điện tử… cũng như nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp hiểu tầm quan trọng về các lĩnh vực sẽ bị ảnh hưởng như ngành chăn nuôi, dược phẩm, sữa… khi EVFTA có hiệu lực.

Còn về phía doanh nghiệp cần chủ động cập nhật mức thuế hiện hành, xem xét có thể áp dụng cho doanh nghiệp để kịp thời tận dụng tiết kiệm chi phí và định giá cạnh tranh, tập trung vào quy tắc xuất xứ để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, nâng cao chất lượng, độ an toàn của các sản phẩm quốc gia, nắm rõ các quy định bắt buộc về hải quan như xuất xứ sản phẩm, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật và việc áp dụng thuế giá. Đồng thời, chủ động tìm đến các tổ chức có chuyên môn để được tư vấn, hỗ trợ khi có vướng mắc trong việc tìm hiểu và thực hiện EVFTA.

Mạnh Tiến, Bộ TTTT