Tin tức

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) là hiệp định đầu tiên Liên minh châu Âu (EU) ký với một nước đang phát triển. Sản phẩm làng nghề nói chung và hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) nói riêng được đánh giá sẽ rộng cửa tiến sâu vào thị trường EU khi hiệp định chính thức được thực thi.

Tác động đa chiều

Thị trường EU chiếm 65 - 70% tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) của Công ty TNHH Quang Vinh, Hiệp đinh EVFTA được thông qua, bà Hà Thị Vinh – Giám đốc công ty không khỏi phấn khởi bởi lẽ đây thực sự là động lực quan trọng để thúc đẩy quá trình phát triển doanh nghiệp (DN) trên hai khía cạnh: không gian thị trường; tiếp cận các nguồn lực về công nghệ, vốn cho sự phát triển.

lang nghe hoi nhap evfta co hoi song hanh cung thach thuc
Làng nghề mây tre đan Phú Vinh (Hà Nội)

Bà Hà Thị Vinh chia sẻ, EVFTA rất có lợi cho các nhà sản xuất của Việt Nam nói chung và các làng nghề nói riêng, nhất là trong ngành nghề TCMN, dù rằng thuế XK của mặt hàng này từ trước khi có hiệp định vẫn ở mức 0%. Bởi lẽ, tác động của hiệp định đối với các DN làng nghề không phải ở tác động đi mà là tác động lại. Theo đó, chính các nhà nhập khẩu từ EU cũng sẽ có lợi từ việc nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Việt Nam, đây là cơ hội để họ tìm đến Việt Nam nhiều hơn. Từ đó, tạo lực kéo giúp các DN làng nghề nói chung và mặt hàng TCMN nói riêng của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường EU.

Đón cơ hội, hiện Quang Vinh cũng đã xây dựng chiến lược đầu tư thêm thiết bị, mở rộng sản xuất, chuẩn bị nguồn nhân lực, xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại, đặc biệt là xúc tiến thương mại quốc tế để vào các thị trường này nhiều hơn. Không quá lo lắng về các quy định liên quan đến truy xuất nguồn gốc, vật tư cho ngành TCMN, bà Hà Thị Vinh cho hay, nguyên vật liệu chủ yếu trong nước, do đó, DN cũng sẽ dễ dàng đáp ứng yêu cầu này từ phía thị trường EU.

Dù chưa nghe nhiều đến EVFTA, tuy nhiên, đại diện Công ty Xuất nhập khẩu mây tre đan Phú Ngọc (Phú Xuyên, Hà Nội) cảm nhận những biến chuyển từ hiệp định khi kim ngạch XK của DN sang thị trường EU năm sau cao hơn năm trước. Đa dạng các sản phẩm TCMN XK vào thị trường EU, trong đó, thị trường trọng điểm là Pháp, đại diện DN này cho hay, mới chỉ trong quý I/2020, kim ngạch XK của DN đã bằng hơn một nửa của cả năm 2019. Do dịch bệnh Covid- 19 nên hiện các đơn hàng XK cũng đang bị ảnh hưởng, tuy nhiên, các yêu cầu của thị trường EU không quá khó để đáp ứng. Làm theo các đơn đặt hàng từ các đối tác nước ngoài, chữ tín đóng vai trò rất quan trọng, lãnh đạo DN này cho rằng, đây là yếu tố cốt yếu để DN phát triển và mở rộng tại thị trường này.

Vị thế nào cho các DN nhỏ và siêu nhỏ?

Trong khi các DN lớn có nhiều cơ hội nhằm tận dụng cơ hội khi Hiệp định EVFTA chính thức đi vào thực thi, thì các DN nhỏ siêu nhỏ lại tỏ ra khá lo lắng. Thường xuyên tham dự các hội nghị tập huấn của Bộ Công Thương và Hà Nội về Hiệp định EVFTA, bà Nguyễn Thị Hương - Phó Giám đốc Công ty TNHH Mỹ nghệ Thiên Lộc (Phú Xuyên, Hà Nội) - chia sẻ, dù biết hiệp định mang lại nhiều cơ hội XK, tuy nhiên do là DN nhỏ nên khó có khả năng đáp ứng và tiếp cận thị trường bởi thiếu nguồn lực vốn, đất đai và cả con người. Nguồn nguyên liệu được nhập từ nhiều nơi, việc đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc khiến DN loay hoay.

Ngoài ra, các vấn đề như sở hữu trí tuệ, môi trường làng nghề, lao động cũng đang là những thách thức lớn. Bởi lẽ quỹ đất của DN có hạn, các cơ sở nhỏ lẻ thường lấy chính nhà ở làm nơi sản xuất, kinh doanh. Nhiều địa phương chưa có các khu cụm, công nghiệp tập trung, điều này sẽ khó đáp ứng được yêu cầu về mặt môi trường – một trong những quy định được đưa ra trong Hiệp định EVFTA.

Theo Bộ Công Thương, hàng TCMN của Việt Nam hiện đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, tỷ trọng hàng TCMN XK vào EU hiện còn rất hạn chế, tại Đức mới có khoảng 8%, tại Pháp là 7%,... Do đó, tiềm năng XK hàng TCMN của Việt Nam vào thị trường EU là rất lớn.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, trong khi các DN lớn, có điều kiện đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao và có đội ngũ thiết kế tốt. Thì phần lớn các cơ sở làng nghề hiện mới chủ yếu làm gia công, sản xuất theo kinh nghiệm. Khâu thiết kế vẫn đang rất yếu.

Không kỳ vọng vào việc DN EU đầu tư vào phân khúc cơ sở làng nghề. Tuy nhiên, với cơ chế lan tỏa khi hiệp định được thông qua, sẽ có nhiều hơn các nhà nhập khẩu EU sang Việt Nam và tìm kiếm các nhà sản xuất. Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhận định, cơ hội với các DN nhỏ và vừa sẽ không đến ngay trước mắt mà theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Khi đó, các nhà sản xuất được hưởng lợi kép: Có đơn hàng, đảm bảo công ăn việc làm cho công nhân mang ngoại tệ về; thông qua các đơn hàng từ nhà nhập khẩu sẽ giúp các cơ sở sản xuất nhỏ và vừa cập nhật được kiến thức, nắm bắt được “gu” của thị trường, từ đó, quay trở lại định vị hướng sản xuất của mình.

Hiệp định EVFTA khi đi vào thực thi, Quang Vinh kỳ vọng, kim ngạch XK của DN vào thị trường EU sẽ tăng thêm khoảng 10 - 15%. Cùng với sự nỗ lực của DN, bà Hà Thị Vinh cũng kiến nghị nhà nước có nhiều hơn cơ chế chính sách, đặc biệt là các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tại thị trường nước ngoài.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy: Các DN làng nghề cần hướng tới các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, phù hợp với tiêu dùng trách nhiệm của các nước EU.

Mạnh Tiến, Bộ Thông tin và Truyền thông