Ngay đầu tháng 12, nước Pháp đã trở thành tâm điểm chú ý mới trong chiến lược áp thuế của chính quyền Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/12 đã đe dọa áp thuế tới 100% đối với các loại hàng hóa của Pháp trong đó có phô mai, rượu sâm banh và các sản phẩm khác. Nước Pháp đang nổi giận trước mối đe dọa này và ngày 3/12, nhà lãnh đạo Pháp - Tổng thống Emmanuel Macron đã tuyên bố rằng động thái của Mỹ sẽ tấn công vào toàn bộ châu Âu.
Đại diện Thương mại Mỹ đã đề xuất mức thuế đối với 2,4 tỷ USD hàng hóa Pháp để trả đũa thuế của Pháp đối với các tập đoàn công nghệ toàn cầu như Google, Amazon và Facebook. Phản ứng của Pháp được đánh là rất nhanh và mạnh mẽ, khi các thành viên trong Chính phủ Pháp đều cảnh báo về một sự thay đổi của châu Âu nếu biện pháp thuế quan của Mỹ được thực thi.
Tổng thống Pháp cho rằng, điều đó không công bằng khi các doanh thu kỹ thuật số bị đánh thuế thấp hơn doanh thu thực tế. Pháp không nên bị chỉ trích vì muốn điều chỉnh sự mất cân bằng đó với thuế đối với các công ty công nghệ. Câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ xảy ra với Vương quốc Anh, Italia, Áo, Tây Ban Nha… là những quốc gia cũng có mức thuế tương tự. Động thái của Mỹ có khả năng làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và châu Âu. Mọi thứ sẽ trở nên rất khó khăn.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết, mối đe dọa thuế quan của Mỹ là không thể chấp nhận được.... Đó không phải là hành vi được mong đợi từ Mỹ đối với một trong những đồng minh chính của nước này. Thuế công nghệ của Pháp nhằm vào việc thiết lập pháp lý về thuế. Nước Pháp muốn các công ty kỹ thuật số trả phần thuế công bằng ở các quốc gia nơi họ kiếm được doanh thu thay vì sử dụng thiên đường thuế, và đang thúc đẩy một thỏa thuận quốc tế về vấn đề này.
Vấn đề trở nên nổi cộm ở châu Âu, nơi một công ty nước ngoài có thể trả hầu hết các khoản thuế của mình tại một quốc gia EU nơi có trụ sở khu vực - thường là một quốc gia nhỏ như Luxembourg hoặc Ailen cố gắng thu hút các công ty đa quốc gia với thuế doanh nghiệp rất thấp. Pháp sẽ hoàn thuế nếu Mỹ đồng ý với kế hoạch thuế quốc tế. Các nhà sản xuất rượu vang và phô mai Pháp bày tỏ sự thất vọng về việc bị cuốn vào giữa cuộc chiến về doanh thu thuế kỹ thuật số. Các nhà sản xuất phô mai cảnh báo biện pháp của Mỹ sẽ tác động mạnh nhất đến các doanh nghiệp nhỏ. Hiệp hội ngành công nghiệp về phô mai Roquefort cay nồng - một trong số các sản phẩm được nhắm mục tiêu thuế quan, cho biết mức thuế 100% có thể mất sạch thị trường Mỹ với khối lượng 300 tấn một năm. Sản phẩm phô mai Roquefort được biết đến trên toàn thế giới nhưng mỗi khi có tranh chấp thương mại thì mặt hàng này lại bị nhắm mục tiêu một cách có hệ thống.
Nước Pháp đã trao đổi với Ủy ban châu Âu về các biện pháp trả đũa trên toàn EU nếu Washington tiến hành thuế quan vào tháng tới. Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Daniel Rosario cho biết, EU sẽ tìm kiếm các cuộc thảo luận ngay lập tức với Mỹ về cách giải quyết vấn đề này một cách thân thiện. Thuế quan của Mỹ có thể tăng gấp đôi giá mà người tiêu dùng Mỹ phải trả cho hàng nhập khẩu từ Pháp và sẽ chịu mức thuế 25% đối với rượu vang Pháp đã áp đặt vào tháng trước liên quan đến tranh chấp riêng về trợ cấp cho Airbus và Boeing. Văn phòng đại diện Thương mại Mỹ cáo buộc rằng thuế dịch vụ kỹ thuật số mới của Pháp gây phân biệt đối xử với các công ty Mỹ.
Pháp tranh luận rằng, thuế quan đang hướng mục tiêu vào các doanh nghiệp châu Âu và Trung Quốc. Mức thuế áp đặt 3% hàng năm doanh thu của Pháp đối với bất kỳ công ty kỹ thuật số nào có doanh thu toàn cầu hàng năm trị giá hơn 750 triệu euro (830 triệu USD) và doanh thu của Pháp vượt quá 25 triệu euro. Mỹ đã điều tra thuế của Pháp theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 - điều khoản tương tự mà chính quyền Tổng thống Trump đã sử dụng năm ngoái để thăm dò các chính sách công nghệ của Trung Quốc, dẫn đến thuế quan đối với hàng nhập khẩu trị giá hơn 360 tỷ USD của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại lớn nhất kể từ những năm 1930.
Nguồn Báo Công thương