Đó là chủ đề của Hội nghị quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam được tổ chức ngày 13/10 trong khuôn khổ triển lãm Foodexpo 2019.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, trong điều kiện ngày càng nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương giữa Việt Nam và các quốc gia đối tác được ký kết và có hiệu lực, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ngày càng có thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu và tăng cường lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ từ các quốc gia khác.
Tuy nhiên, môi trường hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho sản phẩm, chủ động ứng phó và vượt qua các rào cản thưởng mại, đáp ứng các tiêu chuẩn chặt chẽ của thị trường quốc tế để phát triển xuất khẩu một cách bền vững.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng thông tin, việc gia tăng các biện pháp phi thuế quan, đặc biệt là hàng rào kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam, là một xu hướng nổi bật. Theo đánh giá của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, từ năm 2008 đến nay, các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã dùng 20.000 biện pháp, bao gồm các biện pháp kỹ thuật, thuế quan, xuất xứ, chống trợ cấp, chống bán phá giá… Trong đó, hàng rào kỹ thuật là nhóm tương đối nổi bật.
Thông tin chính thức của WTO cũng cho thấy, từ năm 2016 đến năm 2018 đã có hơn 3.000 biện pháp TBT (hàng rào kỹ thuật trong thương mại), chưa kể các biện pháp khác như kiểm dịch động thực vật SPS hay biện pháp thuế quan. Riêng với Việt Nam, ông Dương thông tin, từ năm 2017 đến nay, các thị trường đối tác đã thông báo 350 biện pháp đối với lĩnh vực thực phẩm.
Trong bối cảnh như vậy, cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp cần có ứng xử như thế nào? Theo ông Dương, cả cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp cần quan tâm hơn tới thông tin về các hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu. Bởi hiệ những thông tin liên quan đến hàng rào kỹ thuật và cách ứng phó vẫn chưa được hiểu một cách thấu đáo.
“Ta có thể tiếp cận thông tin nhanh, nhưng hàm lượng chuyên môn, hàm lượng pháp lý của những thông tin này lại rất phức tạp” – ông Dương đánh giá. Do đó, cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp cần có sự đồng hành, chia sẻ thông tin và kiến thức.
Ngoài ra, trong số các biện pháp kỹ thuật đang được áp dụng, có biện pháp do cơ quan Nhà nước của nước nhập khẩu quy định, nhưng cũng có biện pháp do phía doanh nghiệp đối tác nhập khẩu đặt ra. Do đó có những chồng chéo và mâu thuẫn. Vì vậy, ông Dương cho rằng cần có sự kết nối các doanh nghiệp với nhau để hiểu rõ được các biện pháp kỹ thuật này.
Bên cạnh đó, Chính phú và doanh nghiệp cần đồng hành để hài hòa hóa các quy định. Thời gian qua, Chính phủ đã lưu tâm rất nhiều tới việc đơn giản hóa các quy định kiểm tra chuyên ngành ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu mặt hàng thực phẩm. Tuy nhiên, ông Dương cũng cho rằng việc đơn giản hóa không nên nhìn nhận một chiều. “Nếu nhìn ở góc độ chia sẻ chi phí cho doanh nghiệp thì rất hợp lý, nhưng ngành thực phẩm có đặc điểm là nếu một doanh nghiệp làm ăn không đàng hoàng thì nguy cơ đối tác áp dụng biện pháp kỹ thuật lên toàn ngành là rất lớn” – ông Dương nói.
Ông Dương cũng dẫn báo cáo mới nhất của Hội đồng kinh tế xã hội châu Á – Thái Bình Dương vừa công bố hồi tháng 10. Theo đó, xét ở góc độ khác biệt về pháp lý với các đối tác FTA, Việt Nam bị đánh giá ở mức tương đối cao. Nghĩa là quy định về hàng rào kỹ thuật của Việt Nam và các nước đối tác FTA có nhiều khác biệt. Do đó, sự đồng hành của doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước có vai trò rất quan trọng.
Tại hội thảo, ông Andreas Krey, Tổng giám đốc Văn phòng phát triển bàng Thuringia (Đức) cũng cho hay, các sản phẩm từ Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng Đức ưa chuộng nhờ chất lượng, mẫu mã đã có nhiều cải thiện. Ông cũng đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm hữu cơ, bởi thị trường cho sản phẩm cao cấp là rất lớn. Tuy nhiên, Việt Nam cần đẩy mạnh hoạt động tiếp thị để người tiêu dùng thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn.
Ông Andreas Krey cũng cho rằng, cần thúc đẩy sự hợp tác giữa Việt Nam và Đức, đặc biệt là tạo ra những công ty liên doanh giữa hai nước để thúc đẩy ngành công nghiệp thực phẩm của hai nước cùng phát triển. Trong đó, phía Đức sẽ giúp Việt Nam cách thức để đáp ứng các rào cản kỹ thuật của Đức nói riêng cũng như EU nói chung.
Trong khuôn khổ hội nghị, các doanh nghiệp, nhà cung cấp nông sản, thực phẩm Việt Nam cũng đã có cơ hội gặp gỡ và giao dịch trực tiếp với 20 nhà nhập khẩu và đối tác nước ngoài đến từ các thị trường Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Đức, Hà Lan, Ba Lan, Hồng Kông…, các tập đoàn thu mua, đại siêu thị hàng đầu trong và ngoài nước như: Amazon Global Selling, CJ, LOTTE, AEON, Central Group, MM Mega Market, Vinmart, Saigon Co.op, HAPRO, SATRA... Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có cơ hội trao đổi, làm việc với các nhà tư vấn trong các lĩnh vực về tiêu chuẩn thị trường, thiết kế và thương hiệu, thương mại điện tử… Trước đó, trong kỳ tổ chức năm 2018 đã có hơn 800 lượt giao dịch với hơn 300 nhà cung cấp Việt Nam tham gia. Qua đó, nhiều hợp đồng cung cấp hàng hóa đã được ký kết.
Nguồn Báo Hải Quan