Yếu trong khâu chất lượng và yêu cầu pháp lý về bản quyền giống khiến hoa Việt chưa thể đi xa.
Khẳng định thị trường rất rộng mở, bà Nguyễn Thị Trà My - Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn PAN Việt Nam - cho hay, nhu cầu tiêu dùng, sử dụng hoa trên thị trường thế giới ngày càng tăng, dự tính trong các năm tới, quy mô thị trường có thể đạt 15 tỷ USD. Do vậy tiềm năng để khai thác thị trường xuất khẩu (XK) hoa của Việt Nam còn rất lớn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Việt Nam trồng nhiều giống hoa nhưng khó XK. Diện tích trồng hoa cả nước hơn 27.000 ha, tương đương các nước XK hoa lớn như Hà Lan, Thái Lan, Đài Loan, Ấn Độ, Trung Quốc… nhưng giá trị XK hoa còn rất thấp, mới đạt khoảng 25 triệu USD, nên chưa tận dụng được tiềm năng nội tại. Số liệu của Viện Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam ghi nhận XK hoa của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 5% tổng sản lượng hoa của cả nước. Tại Đà Lạt, vùng trồng và XK hoa tươi lớn nhất cả nước, kim ngạch cũng chỉ đạt 10%. Riêng tại Lâm Đồng, tính về thị trường XK hoa thì Nhật Bản là thị trường lớn nhất, chiếm đến 84% tổng giá trị XK hoa của toàn tỉnh.
Theo các chuyên gia, sở dĩ hoa Việt Nam khó XK là do chưa vượt qua được các rào cản khắt khe của thị trường nhập khẩu (NK). Quy định NK ở các quốc gia phát triển, đặc biệt là Nhật rất nghiêm ngặt, yêu cầu các công ty trồng hoa phải đầu tư rất nhiều vào tất cả các giai đoạn từ ươm giống, trồng trọt cho tới thu hoạch, bảo quản, quản lý dịch hại… Chỉ một vài công ty trồng hoa lớn có yếu tố nước ngoài mới có thể sản xuất được hoa đủ chất lượng theo tiêu chuẩn XK… Một số doanh nghiệp, nhà vườn có quy mô lớn đang muốn XK hoa tươi ra khu vực và thế giới, tuy nhiên, bản quyền giống hoa vẫn là bài toán khó.
Theo bà Nguyễn Thị Trà My, phần lớn các giống hoa đang được sản xuất trong nước không có bản quyền là một trong những điểm yếu nhất của ngành hoa Việt Nam. Tại Lâm Đồng, khoảng 70% các giống cúc, hồng, cẩm chướng đã rất cũ và 30% còn lại là giống nhân trái phép, bởi vậy hoa của nông dân và các công ty nội địa không thể XK được là do chất lượng và yêu cầu pháp lý về bản quyền giống. "Việc sử dụng và nhân giống không bản quyền về lâu dài sẽ làm mất niềm tin của các công ty, đối tác nước ngoài đối với nền sản xuất hoa tại Việt Nam trong việc quản lý nguồn giống và hạn chế kết nối, chuyển giao bản quyền" - bà Nguyễn Thị Trà My khuyến cáo và nhấn mạnh, muốn XK hoa vào các thị trường cao cấp như Nhật, châu Âu thì pháp lý về bản quyền giống là yếu tố bắt buộc phải có, nếu không lô hàng XK sẽ không thể thông quan.
Việt Nam đến nay chưa có một chiến lược quốc gia về phát triển ngành hoa nói chung, hoa cắt cành nói riêng. Trong khi đó, các số liệu về xuất nhập khẩu hoa cũng gần như không được thống kê đầy đủ. Tiến sĩ Dương Hoa Xô - Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh - kiến nghị, cần có bộ giống hoa riêng của Việt Nam. Kế đến, nhà nước phải quy hoạch vùng trồng ổn định, hỗ trợ doanh nghiệp và người trồng hoa phát triển sản xuất.
Tiến sĩ Dương Hoa Xô - Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh: Việt Nam cần có chiến lược cụ thể cho phát triển ngành hoa, trong đó có hoa cắt cành.
Nguồn Báo Công Thương