Tin tức

Đây là dự báo của một số chuyên gia kinh tế đến từ nhiều quốc gia tham dự diễn đàn CFO Việt Nam 2019 lần thứ 11.

"Tôi ghen tỵ với dòng vốn FDI đang đổ vào Việt Nam"

Năm 2019 đang sắp kết thúc, theo đó, thương chiến Mỹ - Trung đã kéo dài được hơn 1,5 năm (tháng 6/2018, Tổng thống Mỹ - Donald Trump chính thức tuyên bố áp dụng thêm mức thuế 25% đối với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ). Liệu cuộc chiến thương mại này còn kéo dài bao lâu khi 2 bên quá hiểu nhau, với phía Mỹ là “Nghệ thuật đàm phán” của Trump, còn đối với Trung Quốc là “Binh pháp Tôn Tử”.

Tại diễn đàn CFO Việt Nam 2019 lần thứ 11 với chủ đề : “Thương mại toàn cầu: Thêm chủ động, bớt ứng phó” do CFO phối hợp cùng Hiệp hội quốc tế Các nhà quản trị Tài chính cấp cao (IAFEI) và Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) cùng Hiệp hội các Giám đốc Tài chính Nhật Bản (JACFO) tổ chức ngày 12/11 tại TP.HCM, nhiều diễn giả đưa ra quan điểm thương chiến còn kéo dài, không thể ngừng một sớm một chiều vì mỗi bên đều có thế mạnh của mình.

Ông Steven Clarke, RMIT Asia Granduate Center, cho biết ông đã có nghiên cứu về nghệ thuật đàm phán xuyên văn hoá, xuyên biên giới. Các nền văn hoá khác nhau có những ứng xử khác nhau.
Đối với Trung Quốc, họ thường áp dụng “Binh pháp Tôn tử” trong kinh doanh, coi “thương trường như chiến trường”. Trung Quốc rất thông minh khi họ là bậc thầy về chơi cờ tướng.

Còn về phía Mỹ, Trump cũng nổi tiếng với “Nghệ thuật đàm phán”, do đó, hai bên đang giằng co tìm cách thấu hiểu đối thủ của mình để đạt được lợi ích cao nhất. Vì cả Trung Quốc và Mỹ đều có thế mạnh riêng, cả 2 cũng đều theo triết lý không thoả thuận khi chưa đạt được tất cả. Nghĩa là tất cả hoặc không gì cả. Hai bên đều đàm phán theo nguyên lý “tắc kè hoa”, trông rất giận dữ nhưng lại rất bình tĩnh và tung tin giả…

Thách thức với Việt Nam là Trung Quốc có thể sẽ phải giảm mạnh đồng Nhân dân tệ (CNY) để bù đắp thuế quan tăng lên từ phía Mỹ, điều này cũng đồng nghĩa hàng hoá Trung Quốc giá rẻ hơn ồ ạt vào Việt Nam, sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong nước.

Đồng ý với quan điểm của ông Steven Clarke, ông Eduardo Francisco, Chủ tịch Hiệp hội quốc tế Các nhà quản trị Tài chính cấp cao (IAFEI), cho rằng sự khác biệt của “Binh pháp Tôn tử” của Trung Quốc với “Nghệ thuật đàm phán” của Trump đã dẫn tới các hành xử khác nhau của lãnh đạo 2 quốc gia này.

Trung Quốc đang chuyển nguồn sản xuất của mình từ Philippines vào Việt Nam, tuy nhiên, chúng ta chỉ đứng giữa, không nên ủng hộ hoàn toàn một bên nào và cần thận trọng trong làm ăn.

Việt Nam không nên “ngủ quên trên chiến thắng”. Tôi ghen tỵ với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang đổ vào Việt Nam, thậm chí các công ty tại Philippines cũng cân nhắc đầu tư vào Việt Nam vì tăng trưởng GDP của Việt Nam hiện đang chủ yếu nhờ vào tiêu dùng. So với GDP của Philippines, sự tăng trưởng chủ yếu nhờ vào xây dựng vì dân số không trẻ như Việt Nam. Người dân Philippines cũng đang được hưởng lợi từ thương chiến Mỹ - Trung khi hàng hoá Trung Quốc xuất khẩu vào Philippines đang rất rẻ so với trước.

Việt Nam vẫn còn bị ảnh hưởng bởi thương chiến Mỹ - Trung

Còn theo TS. Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD), đi sâu vào văn hoá từng quốc gia trong thương chiến Mỹ - Trung, hai bên hiểu nhau quá rồi, nên các đàm phán sẽ rất phức tạp và kéo dài. Việt Nam vẫn còn bị ảnh hưởng, có ảnh hưởng ngắn hạn, trung hạn hoặc dài hạn. Trong thời gian hơn 1,5 năm qua diễn ra thương chiến, Việt Nam có được những thuận lợi nhất định từ dòng thương mại và tài chính.

"Điều này có thể thấy năm 2018, xuất khẩu của Việt Nam tăng gần 7%. Cán cân thương mại lần đầu tiên thặng dư. Trong 9 tháng đầu năm 2019, dòng vốn FDI đã tăng 7-8% so với năm 2018. Tôi cho rằng, trong ngắn hạn những tác động tích cực của thương chiến đã được Việt Nam đón nhận. Tuy nhiên, những khó khăn, phức tạp đang chờ đợi ở phía trước", ông Tiến nói.

Một trong những dự báo tiếp theo trong trung hạn, đó là Việt Nam được hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư dịch chuyển Trung Quốc, nhưng Việt Nam không sẵn sàng để đón nhận cơ hội này. Vì sao? Mặc dù có cơ hội này hay không, Việt Nam vẫn phải hoàn thiện cơ chế, thể chế của mình.

Có 6 vấn đề khiến Việt Nam chưa sẵn sàng đón nhận dòng vốn đầu tư dịch chuyển là cơ sở hạ tầng kém; Hệ thống cảng biển rất yếu, công suất nhỏ ( có tới 40% tổng container quốc tế qua cảng Trung Quốc, Việt Nam chỉ hơn 2%); Trình độ lao động kỹ thuật có tay nghề thấp.

Bên cạnh đó, giá đất đang cản trở các nhà đầu tư; chuỗi cung ứng không đảm bảo; hệ thống pháp luật không theo kịp quốc tế khi Việt Nam tham gia vào các hiệp ước quốc tế.

Do đó, Việt Nam sẽ không khai thác được những lợi thế trong trung hạn đối với dòng vốn quốc tế dịch chuyển tới Việt Nam. Chính phủ cần xem đây là bài toán phải giải quyết trọn vẹn.

Đối với các doanh nghiệp, những ngành nghề đã có được những thuận lợi thời gian qua, đã tạo ra những luồng hàng tốt, nhưng phòng vệ thương mại đang tăng lên rất cao. Việt Nam đang phải xem xét đến vấn đề thế nào là xuất xứ Việt Nam, thế nào là hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam để xuất khẩu ra nước ngoài… Điều này khiến toàn bộ hệ thống pháp lý lúng túng.

Đối với các vấn đề liên quan đến tài chính, tiền tệ, tỷ giá… biến động hằng ngày, thì trình độ quản trị doanh nghiệp, quản trị tài chính của nhiều doanh nghiệp Việt còn yếu. Dẫn chứng cho thấy số lượng doanh nghiệp đóng cửa trong năm qua rất cao. Vấn đề cơ cấu quản trị của doanh nghiệp Việt Nam cần phải hoàn thiện.

Đến từ Nhật Bản, ông Hiroaki Endo, Chủ tịch IAFEI, khu vực Châu Á, chia sẻ Nhật Bản cũng không nằm ngoài thương chiến này. Nhật Bản có dân số trên 120 triệu người và đang tìm cách sản xuất nhiều hơn những gì mình có. Do đó, mô hình phát triển những năm 80s không còn phù hợp. Nhật Bản đang tìm cách hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á nhiều hơn, nhất là với Thái Lan và Việt Nam.

Thương mại toàn cầu trước đó đã tập trung quá nhiều vào Trung Quốc, nhưng thương chiến nổ ra, thương mại đã được điều chỉnh sang Philippines, Việt Nam và Nhật Bản cũng hưởng một phần.

Trung Quốc đang nắm trong tay thế mạnh về mạng 5G với công ty Huawei. Đây là một trong những nguồn cơn giữa Mỹ và Trung Quốc và Trump đang muốn dùng thương mại để tái đắc cử. Do đó, thương chiến còn kéo dài. Đối với Nhật Bản đang tìm giải pháp sống sót, vì chúng tôi không thể can thiệp và Mỹ hay Trung Quốc.

Nguồn: bizlive.vn