Ngày 15/10, nội các Nhật Bản đã nhất trí về một dự luật phê chuẩn thỏa thuận thương mại mới đạt được với Mỹ, mở đường cho việc đưa thỏa thuận này ra thảo luận tại Quốc hội.
Chính phủ Nhật Bản hy vọng Quốc hội thông qua dự luật này trước khi kết thúc kỳ họp kéo dài 67 ngày, dự kiến bế mạc vào ngày 9/12 tới, nhằm hoàn thành các thủ tục trước ngày 1/1/2020, thời hạn mà Mỹ muốn thỏa thuận bắt đầu có hiệu lực.
Theo hãng thông tấn Kyodo, dự kiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ phải giải trình về thỏa thuận thương mại với Mỹ tại Quốc hội.
Nhiều khả năng các nghị sĩ sẽ tập trung vào những tác động tiềm tàng của thỏa thuận này đối với nền kinh tế Nhật Bản và xem xét thỏa thuận này có phù hợp với các quy định của Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) hay không.
Thỏa thuận thương mại song phương giữa Nhật Bản và Mỹ được hai bên ký vào ngày 7/10 vừa qua. Thủ tướng Abe cho rằng thỏa thuận này bảo vệ các lợi ích quốc gia của Nhật Bản. Ông khẳng định thỏa thuận sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, nhà sản xuất, người lao động và tất cả người dân Nhật Bản.
Trước đó, tại cuộc hội đàm bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) ở New York (Mỹ) ngày 25/9, Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo hai bên đã đạt được một thỏa thuận thương mại song phương nhằm giảm thuế đối với các mặt hàng nông sản và công nghiệp. Theo đó, Nhật Bản sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với 7 tỷ USD hàng nông sản của Mỹ, trong đó có lúa mì, lúa mạch, thịt bò và thịt lợn. Đổi lại, Mỹ giảm thuế nhập khẩu đối với 40 triệu USD hàng nông sản của Nhật Bản và nới lỏng hạn ngạch nhập khẩu miễn thuế đối với thịt bò của nước này. Thỏa thuận này không đề cập lĩnh vực ô tô.
Theo Chính phủ Nhật Bản, việc giảm thuế đối với hàng hóa của Mỹ sẽ tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các sản phẩm như thịt bò, thịt lợn, phô-mai và rượu vang với giá thấp hơn. Đổi lại, nhằm giảm nhẹ tác động của thỏa thuận này đối với nông dân trong nước, chính quyền Thủ tướng Abe có kế hoạch đưa ra các biện pháp nhằm cải thiện tính cạnh tranh trước khi thỏa thuận chính thức có hiệu lực.
Nhiều khả năng các nghị sĩ đảng đối lập tại Quốc hội Nhật Bản sẽ tập trung vào bản chất của thỏa thuận liên quan thuế của Mỹ áp với ô tô xuất khẩu của Nhật Bản. Ô tô và phụ tùng ô tô chiếm tới hơn 30% kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ.
Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi, người đồng thời là trưởng đoàn đàm phán thương mại với Mỹ, cho biết hai bên sẽ tiếp tục đàm phán về vấn đề thuế ô tô trong bối cảnh ngành sản xuất ô tô đang chứng kiến xu hướng phát triển của xe điện và xe tự động.
Hiện Mỹ đang áp thuế 2,5% đối với ô tô của Nhật Bản.
Thành Long, Văn phòng BCĐLNKT