Với vị trí địa lí thuận lợi cùng với cơ sở hạ tầng đồng bộ hiện đại, các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) được xem là cửa ngõ quan trọng để hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Đông, châu Phi và châu Âu. Kỳ vọng, trong thời gian tới, quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước sẽ nâng lên tầm cao mới.
Thông tin trên được đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – UAE, diễn ra tại Hà Nội vào sáng ngày 15/10.
Nhiều cơ hội hợp tác rộng mở
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Việt Nam luôn mong muốn và coi trọng việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với UAE.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã chứng kiến các cơ chế hợp tác giữa hai nước, nhất là cơ chế phối hợp giữa hai Chính phủ, ngày càng có hiệu quả, với những định hướng và giải pháp rất cụ thể. Từ đó nâng cao, mở rộng và tăng cường chất lượng hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nhà nước cũng như các bộ, ngành, các tổ chức của cả hai bên.
“Chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Kinh tế UAE là minh chứng cho nền tảng và tầm quan trọng đó. Đặc biệt, chứng kiến thời gian vừa qua, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, công nghệ giữa hai nhà nước đã được thiết lập xây dựng và ngày càng mở rộng” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Sự tham gia của các nhà doanh nghiệp và các tổ chức của Việt Nam và UAE đã mang lại sức sống mới, cũng như đóng góp ngày càng to lớn không chỉ cho tăng trưởng thương mại hai chiều giữa Việt Nam và UAE mà còn cả khai thác cơ hội để nâng cao chất lượng phát triển kinh tế - xã hội của hai nước, nhất là khi cả hai đều có những cải cách mạnh mẽ để hướng tới phát triển bền vững về kinh tế xã hội của mỗi quốc gia.
Thực tế, trao đổi thương mại giữa Việt Nam - UAE hiện đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 5,67 tỷ USD tăng 1,3% so với năm 2017; trong đó Việt Nam xuất khẩu sang UAE đạt 5,2 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2017 và kim ngạch nhập từ UAE đạt 468 triệu USD, giảm 18% so với năm 2017. Riêng trong 9 tháng vừa qua, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 4,26 tỷ USD, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2018.
Bên cạnh thương mại, UAE còn là đối tác có nhiều tiềm năng về hợp tác đầu tư. Tới nay, hai nước đã có một số dự án hợp tác về dầu khí khâu thượng nguồn, hợp tác mua bán khí lưu huỳnh và khí LPG lạnh.
“Điều này cho thấy, thương mại, đầu tư và hợp tác trong các lĩnh vực còn rất rộng mở và nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hai bên. Chính phủ hai nước luôn ở cạnh và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Cùng với đó, hàng loạt các nhóm hàng sản phẩm, kinh tế của Việt Nam đang rất cạnh tranh, chất lượng giá cả và độ ổn định như dệt may, đồ gỗ, điện thoại di động, máy tính, điện tử, giày dép… Đây hầu hết là những mặt hàng quen thuộc và có nhiều tiềm năng tại các nước Ả rập cũng như các nước tại vùng vịnh Trung Đông. Ngược lại, các chất hóa lỏng, thức ăn gia súc, nguyên liệu và sản phẩm tiêu dùng khác cũng được biết đến tại Việt Nam và đang là mặt hàng Việt Nam có nhu cầu rất lớn trong phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam luôn coi trọng hợp tác với UAE trong lĩnh vực khí hóa lỏng và dầu khí vì Việt Nam đã trở thành quốc gia nhập khẩu năng lượng thời gian qua và tới đây cũng cần các mối quan hệ cho an ninh năng lượng để hợp tác.
Mặt khác, với sự phát triển năng động của Việt Nam, một nền kinh tế đang tiếp tục khẳng định sự ổn định và bền vững trong khu vực và thế giới với tốc độ tăng trưởng cao và ổn định ở mức từ 6,5-7% trong nhiều thập kỷ qua.
Hơn nữa, với độ mở của nền kinh tế lên tới 200% tăng trưởng của xuất khẩu thường xuyên ở mức cao, tăng trưởng trương đối bền vững ở mức 2 con số, Việt Nam là thị trường mới nổi và là cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp; trong đó có UAE sang khai thác.
Tuy nhiên, để thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực kinh tế thương mại và đầu tư giữa hai nước, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị các doanh nghiệp UAE nghiên cứu, đầu tư vào các lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng, logistics, dầu khí, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, công nghiệp hóa chất, các ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất vật liệu, chế biến nông sản, thực phẩm, xây dựng khu công nghiệp tại một số vùng kinh tế có nhiều tiềm năng của Việt Nam như Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ.
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kinh tế UAE Sultan bin Saeed Al Mansouri đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam và các cơ hội kinh doanh đang đặt ra trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phát triển năng động, Việt Nam ký kết, tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), mang lại nhiều cơ hội thị trường không chỉ tại Việt Nam mà còn mở ra các thị trường rộng lớn hơn nếu doanh nghiệp UAE đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Sultan bin Saeed Al Mansouri, thời gian tới hai bên cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động hỗ trợ, tạo thuận lợi cho thương mại cũng như kết nối cộng đồng doanh nghiệp hai nước để thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương.
Thâm nhập “sâu” bằng “hộ chiếu” logistics thế giới
Mặc dù, kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng nhanh trong thời gian qua. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu chưa cao như mong muốn. Theo bà Nadya Kamali – Giám đốc Customs World Dubai, do lượng hàng xuất từ Việt Nam sang UAE theo thói quen trung chuyển qua Frankfurt, nên chi phí rất cao và mất nhiều thời gian.
“Vì vậy, cần thay đổi thói quen trung chuyển ở Dubai thay vì Frankfurt , chi phí sẽ tiết kiệm hơn 1.000 USD, thời gian ngắn hơn và tiết kiệm được 2 tiếng” – bà Nadya Kamali cho hay.
Tuy nhiên, sản phẩm của Việt Nam ngoài việc đi đến điểm trung chuyển mà còn vận chuyển 1 cách an toàn và nguyên vẹn đến điểm cuối cùng ở châu Phi và Nam Mỹ. Vậy làm thế nào phải làm được điều đó? Đây là câu hỏi của hầu hết các doanh nghiệp Việt có mặt tại Diễn đàn.
Theo bà Nadya Kamali, muốn làm được điều trên, cần phải có hộ chiếu logistics thế giới. Hộ chiếu này chỉ cung cấp cho các doanh nghiệp hàng đầu và phải được Chính phủ tin tưởng. Có được hộ chiếu này sẽ đảm bảo sự kết nối thông suốt, không bị chững lại ở bộ phận nào. Thủ tục thông quan được đảm bảo. Ngoài ra nếu bị kiểm tra cũng không bị mất nhiều thời gian qua hải quan, đảm bảo hàng hóa khi chuyển đi để miễn giảm phí từ hàng không, giảm thời gian kiểm hàng.
“Đặc biệt, những việc này không mất phí và không có thỏa thuận mang tính ràng buộc đối với các đối tác, tuy nhiên các doanh nghiệp cần phải tăng cường lượng hàng đến. Một số cảng cũng miễn phí cho doanh nghiệp có hộ chiếu này. Hiện chúng tôi đang thực hiện 1 số dự án thí điểm, kết quả đã có 50% cơ quan hợp tác đồng ý sử dụng hộ chiếu này.”
Với hộ chiếu loại này sẽ giúp cho các nhà doanh nghiệp Việt Nam được thuận lợi hóa giao thương và khi chuyển qua Dubai cũng trở thành doanh nghiệp hạng VIP. Hiện, Customs Word Dubai cũng đang triển khai hộ chiếu này ở Việt Nam. Việt Nam có thể chuyển hàng hoàn toàn thông suốt từ nguồn đến đích.
Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - UAE, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Sultan bin Saeed Al Mansouri đã chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam và Customs World Dubai.
Nguồn: Thu Huyền, Bộ Tài chính