Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đưa ra dự báo, tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển khu vực Đông Á-Thái Bình Dương giảm từ mức 6,3% năm 2018 xuống 5,8% năm 2019, và 5,7% và 5,6% cho năm 2020 và 2021. Nguyên nhân là do sụt giảm xuất khẩu và các hoạt động chế tạo, chế biến.
Theo báo cáo Cập nhật Kinh tế Đông Á-Thái Bình Dương, ấn bản tháng 10/2019, với tiêu đề "Thích ứng với rủi ro" vừa được WB công bố, sức cầu trên toàn cầu yếu đi, bao gồm sức cầu của Trung Quốc và tình trạng bất định tăng lên do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra khiến tăng trưởng xuất khẩu và đầu tư đều giảm, là một phép thử khả năng chống chịu của khu vực.
Tăng trưởng tiêu dùng trong khu vực, trừ Trung Quốc, vẫn ổn định mặc dù giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước nhờ chính sách tài khóa và tiền tệ trợ lực. Trong khi đó, tăng trưởng ở các nền kinh tế nhỏ hơn trong khu vực vẫn đứng vững, do điều kiện đặc thù ở các nền kinh tế này, chẳng hạn tăng trưởng các ngành du lịch, bất động sản và khai khoáng vẫn ổn định.
Nhận định thêm về vấn đề này, bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương cho hay: “Khi tăng trưởng giảm đà, tốc độ giảm nghèo cũng chững lại. Chúng tôi ước tính rằng gần một phần tư dân số ở các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á-Thái Bình Dương đang sống dưới chuẩn nghèo áp dụng cho quốc gia thu nhập trung bình cao là 5,50 US$ một ngày. Con số đó có nghĩa số người sống dưới chuẩn nghèo tăng thêm gần 7 triệu người dân so với con số chúng tôi dự báo vào tháng 4, là thời điểm tăng trưởng khu vực có vẻ vững hơn.”
Báo cáo nêu rõ căng thẳng thương mại tăng lên gây nguy cơ dài hạn cho tăng trưởng trong khu vực. Mặc dù một số nước trước đây hi vọng được hưởng lợi từ sự sắp xếp lại của trật tự thương mại toàn cầu, nhưng sự thiếu linh hoạt trong các chuỗi giá trị toàn cầu là yếu tố hạn chế sự vươn lên của các quốc gia tại khu vực trong ngắn hạn.
“Mặc dù các doanh nghiệp đang tìm cách né tránh thuế quan, nhưng các quốc gia đang phát triển ở Đông Á và Thái Bình Dương khó có thể thay thế vai trò của Trung Quốc trong các chuỗi giá trị toàn cầu trong ngắn hạn do hạ tầng còn hạn chế và quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ” - ông Andrew Mason, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á-Thái Bình Dương nhận định.
Báo cáo cũng cảnh báo rằng, những rủi ro theo hướng suy giảm viễn cảnh tăng trưởng của khu vực đã tăng lên. Căng thẳng thương mại kéo dài giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục gây hại cho tăng trưởng đầu tư, vì tình trạng bất định tăng cao. Suy giảm nhanh hơn dự kiến ở Trung Quốc, khu vực đồng Euro và Mỹ và Brexit diễn ra một cách thiếu quy củ, có thể làm suy yếu hơn nữa sức cầu bên ngoài đối với các mặt hàng xuất khẩu của khu vực.
Nợ cao và đang tăng lên ở một số quốc gia cũng gây hạn chế về khả năng sử dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ trong việc giảm nhẹ tác động của suy giảm kinh tế. Ngoài ra, bất kỳ thay đổi đột ngột nào về tình hình tài chính toàn cầu cũng dẫn đến chi phí vay nợ tăng cao cho khu vực, làm suy giảm tăng trưởng tín dụng, tiếp tục gây áp lực cho đầu tư tư nhân và tăng trưởng kinh tế trong khu vực.
Để thích ứng khi rủi ro tăng lên, báo cáo khuyến nghị những quốc gia có đủ dư địa tài khóa nên sử dụng các biện pháp tài khóa và/hoặc tiền tệ để kích cầu nền kinh tế, đồng thời phải đảm bảo bền vững nợ và tài khóa. Các quốc gia trong khu vực cũng sẽ hưởng lợi nếu tiếp tục định hướng mở cửa thương mại và tăng cường chiều sâu hội nhập thương mại khu vực.
Tranh chấp thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra trong điều kiện tăng trưởng toàn cầu chững lại cũng đặt ra sự cần thiết cho các quốc gia trong khu vực phải thực hiện cải cách nhằm cải thiện năng suất và đẩy mạnh tăng trưởng. Trong đó bao gồm những cải cách pháp quy nhằm cải thiện môi trường thương mại và đầu tư để thu hút đầu tư và tạo thuận lợi lưu chuyển hàng hóa, công nghệ và kiến thức.
Nguồn:Thu Hiên, Tạp chí cộng sản