Việt Nam được dự báo sẽ là thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp Mỹ hoạt động trên tất cả các lĩnh vực, nhất là khi "lỗ hổng" thương mại của hàng Trung Quốc tại Mỹ ngày càng lớn.
Việt Nam là thị trường tiêu thụ tiềm năng cho doanh nghiệp Mỹ trên nhiều lĩnh vực
Diễn dàn Thương mại Việt Nam - Mỹ năm 2019 với chủ đề "Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Cơ hội thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư song phương" do Bộ Công Thương phối hợp tổ chức cùng Phòng Thương mại Mỹ (Amcham) chính thức diễn ra vào ngày 6/9, tại TP HCM.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết thương mại song phương Việt Nam - Mỹ đã tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều năm và liên tục tạo ra những cột mốc mới.
Năm 2018, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ đạt mức 58,8 tỉ USD và chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu đã lên đến 35,4 tỉ USD.
Sự chuyển dịch mạnh mẽ của chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời gian gần đây đã giúp Việt Nam có bước nhảy vọt từ vị trí thứ 12 lên thứ 9 trong các nước xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ.
Đồng thời, Việt Nam cũng trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 27 và là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Mỹ.
Theo ông Đỗ Thắng Hải, đặc điểm quan trọng trong quan hệ kinh tế, thương mại song phương Việt Nam - Mỹ là tính bổ trợ cho nhau.
Cụ thể, Mỹ có nhu cầu nhập khẩu lớn các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hoặc sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giày, máy móc thiết bị điện tử...
Ở chiều ngược lại, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị hàng không, viễn thông phục vụ đầu vào cho hoạt động sản xuất để đáp ứng tốc độ tăng trưởng cao và sự mở rộng nhanh chóng của nền kinh tế.
Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP trung bình gần 7%/năm, với gần 100 triệu dân, thu nhập bình quân ngày càng tăng cũng được dự báo sẽ là thị trường tiêu thụ tiềm năng cho các doanh nghiệp Mỹ trên nhiều lĩnh vực như: y tế, giáo dục, viễn thông, bán lẻ, tài chính - ngân hàng, năng lượng…
Ông Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết trong bối cảnh xung đột thương mại và dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay, đối với nền kinh tế Việt Nam có rất nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức.
"Trong bối cảnh xung đột thương mại, nước thứ 3 như Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động và có thể khai thác 'lỗ hổng' thương mại, khai thác dịch chuyển đầu tư. Các nhà xuất khẩu Trung Quốc vẫn giữ giá xuất khẩu, do đó 'lỗ hổng' thương mại của hàng Trung Quốc ở thị trường Mỹ tương đối lớn.
Mặc dù vậy, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với nhiều nước có lợi thế hơn mới có thể khai thác các 'lỗ hổng' này", ông Trương Toàn Thắng nhận định
Nâng cao khả năng cung ứng, sản xuất, chế biến sâu để đáp ứng yêu cầu từ đối tác khó tính
Theo ông Đỗ Thắng Hải, khó khăn đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam hiện nay là sự hiểu biết về hệ thống pháp luật các cấp của Mỹ, xu hướng tăng cường bảo hộ thông qua việc ban hành các qui định, tiêu chuẩn mới về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc sản phẩm.
Hơn nữa, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa có nhiều chuyển đổi, chưa có nhiều sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao, chưa có nhiều những sản phẩm tiêu dùng cao cấp trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường đặc biệt khó tính này.
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, cho biết việc gia tăng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ trong bối cảnh thương mại hiện nay khiến nhiều mặt hàng Việt Nam có nguy cơ bị Mỹ kiểm soát chặt chẽ hơn.
Cụ thể, trong tổng số 19 vụ điều tra thương mại, chỉ riêng 8 tháng đầu năm 2019 đã có 7 vụ liên quan tới xuất xứ hàng hóa Việt Nam, tập trung vào các nhóm hàng như nhôm, thép, đồ gia dụng, đồ điện tử, thủy sản, ván ép… với cáo buộc nhập khẩu nguyên liệu từ các nước đang bị Mỹ áp thuế phòng vệ thương mại như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ…
Do đó, để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp trong nước, Việt Nam sẽ có các biện pháp như hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra nước ngoài, hoàn thiện khung pháp lí, tăng cường quản lí đối với hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, nhất là với khâu cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Theo nhận định của bà Mary Tarnowka, Giám đốc Điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam), căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc ảnh hưởng đến tất cả doanh nghiệp và trong ngắn hạn, không ai có thể dự đoán được bao lâu cuộc khủng hoảng này có thể kết thúc.
Tuy nhiên, nó cũng tạo ra những cơ hội, các doanh nghiệp có thể đa dạng nguồn cung, cải thiện các điều kiện để tiếp cận thị trường Mỹ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Mỹ sẽ tìm kiếm nhiều hơn ở Việt Nam vì sự thiếu hụt trong chuỗi cung ứng của họ ở Trung Quốc.
Ngoài ra, theo bà Mary Tarnowka thời gian gần đây, lợi thế nhân công của Việt Nam vẫn được duy trì, bên cạnh đó những cải cách từ Việt Nam cũng ngày càng tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp thuộc AmCham.
"Các thỏa thuận trong các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam với nhiều thị trường lớn cũng góp phần thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam.
Các doanh nghiệp AmCham đang tích cực hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, hỗ trợ nâng cao chất lượng, bảo đảm các tiêu chuẩn kĩ thuật để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu", bà Mary Tarnowka nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để củng cố quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam - Mỹ một cách bền vững, doanh nghiệp Việt cần nâng cao khả năng cung ứng, sản xuất, chế biến sâu thay vì nhập khẩu và gia công.
Đồng thời, Chính phủ Việt Nam có thể tạo điều kiện để doanh nghiệp Mỹ đẩy mạnh xuất khẩu, đầu tư, kinh doanh nhằm tạo thế cân bằng trong cán cân thương mại.
Nguồn: BN