Tin tức

Các nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ phải làm gì khi cuộc thương chiến Mỹ-Trung nóng lên từng ngày. Việt Nam có được chọn là điểm đến khi các nhà đầu tư rục rịch rời khỏi Trung Quốc?

Cuộc thương chiến Mỹ-Trung gia tăng cường độ vào tuần này khi quyết định của Mỹ tăng thuế lên 15% đối với 112 tỉ đô la Mỹ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm cả quần áo, giày dép, hàng điện tử tiêu dùng bắt đầu có hiệu lực từ Chủ nhật, ngày 1-9.

Cùng ngày, quyết định tăng thuế của phía Trung Quốc lên 75 tỉ đô la Mỹ hàng nhập từ Mỹ, chủ yếu là nông sản, xe hơi và dầu khí cũng bắt đầu được áp dụng. Hôm thứ Hai, Trung Quốc đã nộp đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) - vụ kiện thứ ba của Trung Quốc liên quan tới thuế khóa.

Trong khi đó, Mỹ báo trước sẽ tiếp tục tăng thuế từ 25% lên 30% đối với 250 tỉ đô la hàng Trung Quốc từ ngày 1-10 và áp thuế 15% đối với toàn bộ phần hàng hóa còn lại nhập từ Trung Quốc từ ngày 1-12 sắp tới. Vòng đàm phán thứ 13 giữa hai bên dự kiến sẽ diễn ra tại Mỹ đầu tháng 10 này bây giờ trở nên bất định, vì hai bên chưa thỏa thuận được thời gian lẫn nội dung đàm phán.

Bây giờ thì giới doanh nghiệp và người tiêu dùng đều thấy rõ Chính phủ của Tổng thống Donald Trump quyết tâm dùng chính sách thuế để thúc đẩy các nhà sản xuất rời khỏi Trung Quốc, tốt nhất là quay về Mỹ để tạo việc làm cho người dân Mỹ hoặc chuyển sang các nước khác, nhằm gây sức ép buộc Trung Quốc phải thay đổi cung cách hành xử không công bằng trong kinh tế và thương mại.

Hôm 23-8, ngay sau khi Trung Quốc công bố tăng thuế lên 75 tỉ đô la hàng nhập từ Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã lên Twitter “ra lệnh” cho các doanh nghiệp Mỹ “ngay lập tức bắt đầu tìm địa điểm thay thế Trung Quốc”, thúc giục họ đưa sản xuất về Mỹ. Ông viện dẫn đạo luật về Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp quốc tế (IEEPA) năm 1977 làm cơ sở pháp lý cho quyết định của mình khi thị trường phản ứng tiêu cực, chỉ số chứng khoán Dow Jones giảm ngay 600 điểm trong phiên giao dịch ngày hôm đó.

Thứ Sáu tuần trước, ông Trump lại lên án tập đoàn xe hơi General Motors đã đầu tư quá sâu ở Trung Quốc và đặt vấn đề liệu tập đoàn này có nên chuyển về Mỹ hay không.

Thật ra, từ trước khi thương chiến Mỹ-Trung nổ ra, nhiều tập đoàn sản xuất đa quốc gia đã tính tới việc chuyển một phần hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, theo phương thức gọi là “Trung Quốc + 1”, một phần để đa dạng hóa nguồn cung tránh phụ thuộc vào một đầu mối, phần khác vì môi trường kinh doanh tại Trung Quốc ngày càng khó khăn, bất lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, do chi phí lao động tăng nhanh và chính sách bảo hộ doanh nghiệp nội địa và phân biệt đối xử của chính quyền Trung Quốc.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, việc chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc chưa bao giờ nổi lên thành một làn sóng có khả năng gây tác động tới chính sách của Bắc Kinh.

Trung Quốc một phần là “công xưởng” lớn nhất thế giới, sản xuất tới 25% tổng lượng hàng hóa công nghiệp toàn cầu mà hầu như nhà sản xuất nào của Mỹ hoặc phương Tây cũng phải dựa vào. Không có các công xưởng khổng lồ của Trung Quốc, chuỗi cung ứng hàng hóa và linh kiện trên toàn thế giới sẽ bị gián đoạn, rất nhiều doanh nghiệp và thương hiệu của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng.

Trung Quốc, phần khác lại là một thị trường tiêu thụ khổng lồ, đem lại doanh thu và lợi nhuận cho rất nhiều doanh nghiệp Mỹ. Chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc cũng có nghĩa là từ bỏ thị trường béo bở này.

Còn có một nguyên nhân khác, trở nên rõ ràng khi ngày càng có nhiều tập đoàn rục rịch ra đi: thật khó tìm ra được một hoặc vài quốc gia có năng lực sản xuất đủ để thay thế Trung Quốc, và nếu tìm ra thì chi phí thời gian và tiền bạc cho việc chuyển dịch cũng không phải là nhỏ.

Hiện nay thương chiến Mỹ-Trung, cùng sự thôi thúc quyết liệt của Tổng thống Donald Trump và tác động của thuế suất, đã làm xoay chuyển tình thế, buộc các doanh nghiệp Mỹ phải đẩy nhanh kế hoạch chuyển sản xuất - ít nhất là một phần - sang các nước khác ngoài Trung Quốc, nếu không thể quay về Mỹ như yêu cầu của ông Trump.

Ted Decker, Phó chủ tịch điều hành tập đoàn Home Depot - chuyên cung cấp vật liệu xây dựng, đồ dùng nội ngoại thất - nói rằng: “Tôi không biết một nhà cung cấp nào chưa chuyển một bộ phận sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Các nhà cung cấp hàng hóa cho chúng tôi đã chuyển sản xuất sang Đài Loan, Việt Nam, Thái Lan và Indonesia, thậm chí chuyển về Mỹ”.

Dẫn ý kiến nhiều doanh nghiệp trong một bài tường thuật ngày 1-9 vừa qua, đài CNBC cho biết Việt Nam, Malaysia và Indonesia đang nổi lên như là những nơi có thể thay thế phần nào năng lực sản xuất công nghiệp của Trung Quốc. Các ngành nghề đòi hỏi nhiều lao động như dệt may, giày dép có xu hướng chuyển tới các nước Bangladesh, Campuchia hay Ấn Độ trong khi hàng điện tử tiêu dùng có xu hướng chuyển sang Việt Nam, nơi đã có những cơ sở sản xuất lớn của Intel, Samsung, Canon, LG...

Đài CNBC nêu trường hợp tập đoàn Apple, trong đó mà nhà cung cấp chính là tập đoàn Foxconn (Đài Loan) điều hành 29 nhà máy lắp ráp ở Trịnh Châu (Trung Quốc) - mới đây đã yêu cầu các nhà cung cấp đánh giá chi phí của việc di chuyển khoảng 15-30% năng lực sản xuất linh kiện cho Apple ra khỏi Trung Quốc, sang một quốc gia Đông Nam Á. Các sản phẩm chính của Apple là đồng hồ thông minh và tai nghe không dây nhập vào thị trường Mỹ từ ngày 1-9 đã phải chịu thuế 15%, còn điện thoại iPhone sẽ bị áp thuế từ ngày 15-12 tới.

Các tập đoàn công nghệ khác đang theo chân Apple; đáng chú ý là tập đoàn Google - nhà sản xuất điện thoại Nexus và Pixel nổi tiếng ở Mỹ - đang thực hiện chuyển sản xuất điện thoại Pixel từ Trung Quốc sang Việt Nam và có kế hoạch chuyển sang Việt Nam toàn bộ việc sản xuất thiết bị phần cứng cho thị trường Mỹ. Dell và Hewlett-Packard đang tính chuyện chuyển khoảng 30% hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, theo tin của CNBC.

Tuy nhiên, theo nhận định của tờ Wall Street Journal số ra ngày 21-8, phải mất nhiều năm nữa Việt Nam và một số nước Đông Nam Á khác mới có thể thay thế Trung Quốc làm công xưởng của thế giới. Tờ báo này phỏng vấn nhiều doanh nghiệp đã đầu tư ở Việt Nam, trong các khu công nghiệp trải dài từ Nam ra Bắc, từ đó cho rằng đầu tư sản xuất ở Việt Nam hiện vẫn chưa phải là một lựa chọn hấp dẫn, một phần vì thiếu lao động công nghiệp có tay nghề và quan trọng hơn là điều kiện hạ tầng cơ sở (đường sá, bến cảng) còn quá yếu kém.

Phương án được nhiều nhà đầu tư lựa chọn là xây dựng ở Việt Nam cơ sở sản xuất sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Mỹ đồng thời duy trì hoạt động ở Trung Quốc để cung ứng cho thị trường nước này và các thị trường khác ngoài Mỹ. Nhưng, như bà Lena Phoenix, chủ công ty sản xuất giày Xero Shoes ở Denver, Colorado, tâm sự, Phonenix đã có kế hoạch đặt sản xuất giày ở Việt Nam, nhưng sau đó ông Trump lại lên Twitter nói rằng, Việt Nam có thể là quốc gia kế tiếp phải đối mặt với thuế suất trừng phạt của Mỹ.

“Chúng tôi có nên chuyển sản xuất sang Việt Nam rồi sau đó lại quay trở lại điểm xuất phát? Làm sao có thể đưa ra quyết định trong một môi trường bất định như thế này?”, bà Phoenix nói với báo The New York Times, số ra ngày 2-9 vừa qua.

MT