Tin tức

Cuộc chiến tranh thương mại đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đã tác động đến kinh tế toàn cầu, gây tổn thương niềm tin của các doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ, làm cản trở thương mại giữa các nước lớn ở châu Á và tác động đến các nhà máy sản xuất hàng hóa xuất khẩu ở châu Âu.

Trong tháng 8, niềm tin của các doang nghiệp nhỏ (có doanh thu hàng năm từ 1-20 triệu đô la) ở Mỹ đã giảm về mức thấp nhất chưa từng thấy kể từ tháng 11-2012, theo cuộc khảo sát hàng tháng do Wall Street Journal/ Vistage Worldwide thực hiện ở 670 doanh nghiệp nhỏ.

Cuộc khảo sát cho thấy tỷ lệ các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ cho rằng nền kinh tế nước này sẽ xấu hơn trong 12 tháng tới đã tăng lên mức 40% so với mức 29% trong cuộc khảo sát hồi tháng 7-2019. Có đến 45% doanh nghiệp nói rằng vòng áp thuế mới của Mỹ nhằm vào hàng hóa Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ.

Các chủ doanh nghiệp ở Mỹ cho biết tình trạng không chắc chắn do cuộc chiến thuế Mỹ-Trung tạo ra khiến họ khó lên kế hoạch kinh doanh và đang gây tổn thương cho doanh nghiệp của họ.

“Thật mệt mỏi. Thật chán nản. Các nhân viên của tôi muốn biết những gì phải làm. Nhưng đây có lẽ là lần đầu tiên trong sự nghiệp kinh doanh mà tôi không thể đưa ra cho họ câu trả lời”, Susan White Morrissey, người sáng lập công ty White + Warren, chuyên kinh doanh hàng thời trang và phụ kiện làm bằng len casơmia ở New York nói.

White + Warren đã tuyển dụng thêm 5 nhân viên trong năm nay và gia tăng hàng dự trữ để thúc đẩy doanh số thương mại điện tử nhưng công ty có 30 nhân viên này không thể vạch kế hoạch kinh doanh khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tăng nhiệt.

Thuế áp vào sản phẩm mũ len casơmia sản xuất ở Trung Quốc trong mùa hè vừa qua đã khiến lợi nhuận của sản phẩm này ở White + Warren giảm đến 50%.

Richard Curtin, nhà kinh tế ở Đại học Michigan, nói: “Rất khó để các công ty tăng giá bán và tình hình càng khó khăn hơn khi bạn không chắc chắn chính sách sẽ thay đổi như thế nào trong tương lai. Đối với các công ty nhỏ, điều này có nghĩa là họ phải thận trọng về kế hoạch đầu tư và tuyển dụng nhân sự”.

Hôm 2-9, Nhật Bản cho biết, chi tiêu vốn đầu tư cơ bản của các nhà sản xuất trong nước giảm 6,9% trong quí 2-2019, mức giảm lần đầu tiên trong hai năm qua khi các công ty chật vật ứng phó với tốc độ suy giảm xuất khẩu sang Trung Quốc ở mức hai con số. Trước đó một ngày, Hàn Quốc thông báo trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước này sang Trung Quốc giảm 21,3% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc là 13,6%.

Cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc đều cho biết cuộc chiến thuế Mỹ-Trung đặc biệt tác động mạnh đến các vật liệu và linh kiện công nghệ cao xuất khẩu sang các nhà máy ở Trung Quốc, chẳng hạn như linh kiện ô tô của Nhật Bản hay các thiết bị bán dẫn của Hàn Quốc. Các nhà máy Trung Quốc sử dụng các sản phẩm này để sản xuất hàng hóa hoàn thiện để xuất khẩu sang nhiều nước bao gồm Mỹ.

Mỹ và Trung Quốc leo thang cuộc chiến thuế hôm 1-9 khi cùng áp thuế mới vào hàng hóa của nhau. Ngay hôm sau đó, Bắc Kinh tuyên bố kiện Mỹ ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để phản đối các đợt áp thuế mới nhất nhằm  vào hàng hóa Trung Quốc.

Gánh nặng chi phí thuế đang gây áp lực đối với các công ty đa quốc gia, buộc họ phải tìm cách để giảm thiểu các tác động. Song tình trạng không chắc chắn về lộ trình đàm phán thương mại Mỹ-Trung khiến họ khó có thể hoạch định kế hoạch kinh doanh.

Các cuộc khảo sát của các nhà quản lý mua hàng ở Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và Indonesia do IHS Markit thực hiện cho thấy hoạt động sản xuất ở các nền kinh tế này đều suy giảm trong tháng 8. Tại châu Âu, suy giảm hoạt động sản xuất thể hiện rõ ràng nhất ở Đức, nhà cung cấp máy móc và thiết bị hàng đầu toàn cầu.

Hôm 31-8, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất giảm về mức 49,5 điểm trong tháng 8, thấp hơn mức 49,7 trong tháng 7. Điểm số PMI dưới 50 điểm thể hiện hoạt động sản xuất thu hẹp.

Hôm 3-9, các nhà kinh tế đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc về mức dưới 6% vào năm 2020 như là kết quả tất yếu từ các rủi ro đang gia tăng trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Louis Kuijs, nhà kinh tế trưởng châu Á ở chi nhánh công ty tư vấn Oxford Economics (Anh) tại Hồng Kông, dự báo GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể suy giảm về mức 5,7% trong quí cuối của năm 2019 và duy trì mức tăng yếu này trong năm 2020.

Chang Shu, nhà kinh tế châu Á của nhóm các nhà nghiên cứu kinh tế Bloomberg, nhận định tăng trưởng của Trung Quốc sẽ lùi về 6% trong năm nay và 5,6% trong năm sau do mối đe dọa của các biện pháp áp thuế và tình trạng không chắc chắn của chiến tranh thương mại tác động mạnh đến niềm tin của giới doanh nghiệp.

Helen Qiao, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Trung Quốc mở rộng ở Ngân hàng Bank of America, cũng hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc từ 6% xuống còn 5,7% vào năm 2020.

MT