Ngày 3/8, tại TP. Đà Nẵng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại – Sở Công Thương thành phố phối hợpvới Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức Hội thảo “Định hướng xuất khẩu, cơ hội và giải pháp cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế hiện nay”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Hà Bắc – Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, chương trình nhằm triển khai Đề án phát triển thị trường của doanh nghiệp Việt trong việc xuất nhập khẩu với mục tiêu tăng cường hơn nữa các hoạt động liên kết về vùng miền, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, tiêu thụ hàng hóa giữa các doanh nghiệp trong nước; đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, giải pháp truyền thông marketing, giải pháp thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất, kinh doanh được hiệu quả, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm Việt Nam.
Tại hội thảo, các doanh nghiệp đã được nghe Tiến sĩ Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương thông tin về bức tranh thương mại toàn cầu hiện nay và hướng phát triển sắp tới.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, nền kinh tế thế giới đang chạy dựa trên trục “số hóa”, các bài toán doanh nghiệp phải giải quyết để vận hành doanh nghiệp trơn tru như tài chính, khách hàng, bán hàng, nhân sự, vận hành sản xuất… đều được dựa trên ứng dụng công nghệ. Tại Việt Nam đã xuất hiện nhiều biểu hiện của kinh tế số hóa như thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ, Chính phủ điện tử, một số doanh nghiệp Việt đã bước đầu tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đáng lưu ý là ngành nông nghiệp đã có những bước tiến tích cực trong việc áp dụng công nghệ khối (blockchain) vào truy xuất nguồn gốc nông sản để nâng cao tính cạnh tranh cho nông sản Việt. Đó là hướng đi đúng và tất yếu để bắt nhịp phát triển của thế giới. Riêng doanh nghiệp phải chủ động thay đổi từ doanh nghiệp truyền thống thành “doanh nghiệp số” để thích ứng và hội nhập toàn cầu.
Nói về định hướng xuất khẩu, các cơ hội và giải pháp cho doanh nghiệp Việt trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Thế Quang – Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho rằng, trong bối cảnh “số hóa” mạnh mẽ, yêu cầu từ các đối tác xuất khẩu ngày càng cao, trong đó, quy tắc xuất xứ chính là rào cản phi thuế quan số một được thành viên của một hiệp định thương mại tự do (FTA) sử dụng để khu biệt sản phẩm được hưởng ưu đãi thuế với sản phẩm không được ưu đãi đối với hàng hóa của các thành viên còn lại trong cùng một FTA.
Những yêu cầu của các quy tắc xuất xứ, truy xuất nguồn gốc từ các FTA là động lực thúc đẩy cũng như buộc các doanh nghiệp Việt phải hoàn thiện quy trình sản xuất của mình và minh bạch hóa quy trình đó nếu muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như muốn tận dụng được các cơ hội từ các FTA. Riêng đối với hàng nông sản, ứng dụng blockchain đang là xu hướng được nghiên cứu để triển khai áp dụng. “Hiện tại Việt Nam, Blockchain mới chỉ được triển khai bởi doanh nghiệp, đối với các cơ quan hữu quan, chúng tôi đang nghiên cứu về tính khả thi của ứng dụng này. Khi hoàn thành giai đoạn này, chúng tôi sẽ thực hiện phối hợp với các Sở, ngành, doanh nghiệp, nhà phân phối để phát triển thị trường cho sản phẩm hàng hóa có ứng dụng blockchain, ví dụ như đưa sản phẩm này lên kệ các siêu thị, trung tâm thương mại để khu biệt với sản phẩm không dán tem truy xuất có ứng dụng blockchain”, ông Quang nói.
Chia sẻ tại hội thảo, ThS. Đỗ Văn Long – Giám đốc chiến lược Công ty IBL cho biết, với việc FTA Việt Nam – EU (EVFTA), CPTPP được ký kết mở ra nhiều triển vọng cho xuất khẩu nông sản Việt Nam, tuy nhiên, vì đây là những hiệp định có độ mở cao nên các tính cam kết về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa rất chặt chẽ. Trong đó, bài toán truy xuất nguồn gốc, nhất là kiểm soát về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là vấn đề lớn mà nông sản Việt phải giải quyết. Ứng dụng blockchain được coi là lời giải thích hợp cho bài toán trên. Ứng dụng này sẽ tích hợp và ghi lại toàn bộ quy trình sản xuất từ khâu chọn giống đến gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và xuất khẩu cũng như thông tin về đơn vị, doanh nghiệp đó. Tăng tính minh bạch về nguồn gốc sản phẩm sẽ tăng cơ hội cho doanh nghiệp tận dụng có hiệu của các ưu đãi từ các FTA như EVFTA, CPTPP mang lại.
Ngoài ra, tại hội thảo, các doanh nghiệp đã được tiếp cận với một hình thức marketing không mới đối với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn nhưng còn rất mới đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đó là marketing thông qua âm nhạc qua giới thiệu của Nhạc sỹ Võ Hoài Phúc – Giám đốc, người đã thực hiện thành công nhiều dự án Music marketing cho nhiều tập đoàn, thương hiệu tiêu dùng lớn tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra hoạt động trưng bày và giới thiệu sản phẩm, gặp gỡ trực tiếp giữa doanh nghiệp sản xuất và đơn vị phân phối lớn trong và ngoài TP. Đà Nẵng. Các mặt hàng tham gia trưng bày đa dạng như các ứng dụng công nghệ, sản phẩm đặc trưng vùng miền, nông sản, ….
Thanh Tùng theo Báo CT