Thái Lan lo ngại xuất khẩu xe hơi, máy tính... của nước này sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ khi Việt Nam ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, và mong muốn EU sẽ tham gia các cuộc đàm phán tương tự với nước này.
Trong một bài viết đăng ngày 6-7, báo Bangkok Post đã dẫn đánh giá từ Văn phòng chiến lược và chính sách thương mại (TPSO) thuộc Bộ Thương mại Thái Lan cho biết với việc Việt Nam ký các thỏa thuận thương mại và đầu tư mới đây với Liên minh châu Âu (EU), xuất khẩu xe hơi, máy tính và các thiết bị điện của Thái Lan sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ.
Đánh giá trên được đưa ra sau khi Việt Nam và EU hôm 30-6 ký Hiệp định thương mại tự do EU - VN (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư EU - VN (EVIPA).
Hiện Thái Lan không có FTA với EU. Cùng với việc EU rút lại hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) dành cho Thái Lan vào năm 2015, tất cả hàng hóa xuất khẩu của Thái Lan hiện đều chịu thuế quan của EU.
"FTA này là thỏa thuận toàn diện và tham vọng nhất mà EU từng thực hiện với một quốc gia đang phát triển. Do đó, Việt Nam có thể đạt được nhiều lợi thế và lợi ích hơn Thái Lan nhờ vào cả hai thỏa thuận. EVFTA bao trùm 99% hàng xuất khẩu từ cả hai nền kinh tế" - bà Pimchanok Vonkorpon, tổng giám đốc của TPSO, nhận định.
Theo EVFTA, trong giai đoạn đầu ngay khi có hiệu lực, 65% thuế nhập khẩu hàng EU xuất sang Việt Nam sẽ được xóa bỏ, trong khi phần còn lại sẽ được xóa trong giai đoạn 10 năm.
Ở chiều ngược lại, ở thời điểm đầu có hiệu lực, 71% thuế quan hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được gỡ bỏ, và giai đoạn tiến tới xóa phần còn lại là tối đa 7 năm.
Trong khi đó, dưới EVIPA, EU sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển về đầu tư, thực thi pháp luật và minh bạch để thu hút các dòng chảy đầu tư.
Bà Pimchanok nói rằng các nhà cung cấp ôtô ở Thái Lan cần chuẩn bị khi nhiều nhà sản xuất ôtô chuyển các cơ sở sản xuất sang Việt Nam.
Vị quan chức nhấn mạnh ngành công nghiệp địa phương tại Thái Lan phải cải thiện năng suất và tăng cường sản xuất các phương tiện thế hệ mới.
Bà Pimchanok nói rằng các nhà sản xuất máy tính, mạch điện và những thành phần liên quan cũng có khả năng sẽ đổ vào Việt Nam, vì Việt Nam hiện đủ khả năng cạnh tranh để phát triển ngành công nghiệp điện tử của riêng mình.
Các mặt hàng khác cũng có thể bị ảnh hưởng như quần áo/hàng dệt may, trang sức/phụ kiện, gạo và hải sản đã qua chế biến.
"Thái Lan cần phát triển các lao động lành nghề và tiếp nhận sự cải tiến cùng công nghệ cao hơn để tăng giá trị cho các sản phẩm và duy trì năng lực cạnh tranh" - bà Pimchanok kêu gọi.
TPSO lạc quan rằng EU sẽ tham gia các cuộc đàm phán tương tự với Thái Lan vì EU hiện muốn tiếp cận thị trường xe hơi, thức uống có cồn, thuốc men địa phương.
Theo Ủy ban châu Âu, các cuộc đàm phán về FTA giữa EU và Thái Lan được khởi động vào tháng 3-2013 nhằm tiến tới ký kết một FTA toàn diện.
Tuy nhiên, kể từ cuộc đảo chính quân sự ở Thái Lan hồi tháng 5-2014, không vòng đàm phán FTA nào được tổ chức thêm.
Sau khi ngừng đàm phán FTA với Thái Lan, EU đã theo đuổi các cuộc đàm phán thương mại với các quốc gia ASEAN khác và đã ký kết FTA với Singapore. Với sự kiện hôm 30-6, Việt Nam là quốc gia thứ hai trong khu vực ký FTA với EU.
Anh Tuấn