Trung Quốc vừa đưa ra đề xuất thành lập khu mậu dịch tự do châu Á (FTA châu Á) bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 3 nước khu vực Đông Bắc Á là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Sáng kiến mới của Trung Quốc được đưa ra vào thời điểm Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sắp hình thành, nên được cho là khó khả thi.
Khó xử cho ASEAN
FTA châu Á mà Trung Quốc vừa đề xuất, sẽ thực sự cần thiết đối với Trung Quốc, nhưng lại không hẳn như vậy đối với ASEAN. Sáng kiến này bộc lộ rất rõ 2 mục đích chính của Trung Quốc là có thêm một FTA mới ở châu Á và loại trừ Ấn Độ, Australia và New Zealand ra khỏi FTA mới này. Bởi Ấn Độ và Australia được coi là những nền kinh tế lớn trong RCEP. Hai nước này cùng với Nhật Bản và Mỹ đã hình thành nên cục diện được gọi là Bộ tứ kim cương để đối phó với Trung Quốc.
Trong khuôn khổ FTA châu Á, Trung Quốc sẽ có vị thế và ảnh hưởng hơn hẳn so với trong RCEP. Trung Quốc không có ý định sử dụng FTA châu Á để thay thế RCEP, nhưng có thể dùng FTA này để gia tăng ảnh hưởng của mình trong RCEP và đối trọng với CPTPP. Sân nào cũng chơi, chiếu nào cũng ngồi và mâm nào cũng dự như thế sẽ giúp Trung Quốc có nhiều điều kiện thuận lợi và ảnh hưởng mạnh mẽ cả ở hiện tại cũng như trong tương lai.
Trên thực tế, ASEAN bị sáng kiến mới này của Trung Quốc làm cho khó xử. Đối với ASEAN, RCEP hay FTA châu Á đều thực sự cần thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh tiến trình đàm phán RCEP sắp hoàn thành, thì việc khởi động FTA mới của 13 trong tổng số 16 thành viên tham gia RCEP là thực sự không cần thiết và cấp thiết đối với ASEAN. Nếu đáp ứng đề nghị này của Trung Quốc thì đương nhiên ASEAN không thể tránh khỏi rất khó xử với Ấn Độ, Australia và New Zealand. Bởi vậy, ASEAN có thể sẽ không mặn mà với đề xuất mới của Trung Quốc, mà sẽ thúc đẩy tiến trình đàm phán RCEP. Bằng chứng là, tại Hội nghị cao cấp ASEAN vừa diễn ra tại Thái Lan, ASEAN và các đối tác đã thống nhất hoàn thành tiến trình đàm phán RCEP trong vòng một năm tới.
Toan tính của Trung Quốc
Trung Quốc hiện không chỉ bị Mỹ gây xung đột thương mại, mà còn công khai cạnh tranh chiến lược không khoan nhượng trên mọi phương diện của mối quan hệ song phương. Trong bối cảnh như thế, không có gì là khó hiểu khi Trung Quốc tìm cách tập hợp lực lượng và mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở khu vực châu Á để đối phó với Mỹ.
FTA châu Á rất có thể còn là một cú “đòn gió” về chính trị của Trung Quốc đối với Mỹ và các đồng minh của Mỹ rằng, Trung Quốc không thiếu những con chủ bài để đáp trả và đối phó Mỹ, cũng như sẵn sàng chơi mọi cuộc chơi ở mọi nơi với Mỹ.
Mặt khác, động thái mới này của Trung Quốc còn cho thấy, khu vực mậu dịch tự do không chỉ khác biệt nhau về phạm vi và diện thành viên tham gia, mà còn về những tầng nấc hoạt động khác nhau. Sự phát triển của khu vực mậu dịch tự do là câu trả lời đắc dụng nhất cho việc sử dụng những chính sách bảo hộ thương mại trong quan hệ quốc tế nói chung và quan hệ kinh tế đối ngoại giữa các quốc gia nói riêng. Nhưng tính đa dạng của nó và nguy cơ chồng chéo cần phải được các bên tham gia lưu ý để cái này không cản trở cái kia.
Đề nghị mới nói trên của Trung Quốc chắc rồi sẽ không được các bên khác đáp ứng, nhưng sẽ thôi thúc các đối tác đẩy mạnh quá trình đàm phán thành lập những khu vực mậu dịch tự do ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Nguồn: QA theo Báo Diễn đàn Doanh nghiệp